M&A thời đại dịch: Sự trỗi dậy của các 'đội tuyển' Việt
Tại hội thảo "M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị" do Báo Đầu tư cùng Nova Group tổ chứ tổ chức sáng ngày 15/10, các chuyên gia đã cùng đưa ra những dẫn chứng, số liệu thống kê cho thấy hoạt động M&A vẫn diễn ra tích cực và có nhiều triển vọng cất cánh sau dịch COVID-19.
Giá trị các thương vụ M&A bật tăng mạnh sau dịch
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam chia sẻ, trong năm 2020, đội ngũ tư vấn M&A nơi ông làm việc tương đối nhàn.
Vào thời điểm này, trong lúc Việt Nam chống dịch rất tốt thì các nước khác gặp khó khăn, các chuyên gia cũng như nhân sự không thể sang được Việt Nam để giao dịch được, số thương vụ KPMG cùng với các khách hàng thực hiện giảm đi đáng kể.
Thế nhưng đến năm 2021, khi Việt Nam đang gặp khó khăn từ đợt dịch bùng phát lần thứ 4, các nước khác gần như đã giải quyết được vấn đề dịch ở nước mình, họ bắt đầu làn sóng M&A và tiêu tiền.
Theo đại diện KPMG Việt Nam, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, châu Á đều phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian đại dịch cho thấy dòng tiền trên thị trường rất nhiều, không chỉ đổ vào chứng khoán mà còn đổ vào hoạt động M&A như trường hợp một doanh nghiệp tại Mỹ IPO thành công, nhận về dòng vốn lớn để thực hiện các thương vụ M&A ở các quốc gia khác và nước sở tại.
Cũng không có gì ngạc nhiên nếu giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm 2022 tăng 100% so với cùng kỳ 2021.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam
"Nửa sau năm 2020, giá trị thương vụ M&A ở Mỹ tăng khoảng 200%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị này tại thị trường châu Á và Mỹ cũng tăng trên 100% so với cùng kỳ.
Đối với thị trường Việt Nam, sau giai đoạn đầu tiên các giao dịch bị ngừng lại đột ngột, chúng tôi đã thực hiện thành công các giao dịch online từ đàm phán đến ký hợp hợp đồng.
Ở những tháng cuối năm 2021, mặc dù còn trở ngại nhưng vẫn có những thương vụ sẽ được thực hiện. Trong tháng 9 vừa qua, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã mua lại chuỗi Emart trong điều kiện lockdown là bằng chứng cho thấy doanh nghiệp vẫn rất năng động trong hoàn cảnh khó khăn.
Đến đầu năm 2022, khi Việt Nam có đầy đủ vắc xin và thị trường mở cửa hoàn toàn, chúng tôi cho rằng hoạt động M&A có sự phát triển đột biến, tương tự như thị trường Mỹ và một số nước châu Á.
Cũng không có gì ngạc nhiên nếu giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tăng 100% so với cùng kỳ 2021", ông Nguyễn Công Ái dẫn chứng cho thấy hoạt động M&A sớm hồi phục và bật tăng mạnh sau dịch.
Sự trỗi dậy của các "đội tuyển" Việt
Ở giai đoạn trước đây, trong khó khăn rất dễ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp buộc phải bán mình. Thế nhưng ba năm gần nhất, hoạt động M&A đã có sự thay đổi rõ nét, các doanh nghiệp Việt đã dịch chuyển vị thế, chủ động tham gia vào các giao dịch và ở vị thế bên mua.
Theo ông Nguyễn Công Ái, sau khi trải qua giai đoạn tích lũy tư bản, thu hút vốn ngoại và củng cố, tái cấu trúc, các doanh nghiệp Việt đã đủ sức thực hiện các thương vụ M&A, đưa ra chiến lượng rõ ràng, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị và "ecosystem" (hệ sinh thái doanh nghiệp).
Như trường hợp Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) tham gia sản xuất ô tô; Thaco từ một nhà sản xuất ô tô đã tham gia làm nông nghiệp, logistic, bán lẻ.
Hay như CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) trước đây là một công ty FMCG (kinh doanh ngành hàng tiêu dùng), nay đã phát triển thêm mô hình 3F (Feed-Farm-Food), sản xuất các sản phẩm từ thịt với thương hiệu Meatlife và gần đây nhất tham gia vào hệ thống bán lẻ, high-tech và fintech.
Đại diện KPMG Việt Nam nhận định: "Giai đoạn vừa qua có khoảng 30% doanh nghiệp trong nước chủ động mua các doanh nghiệp, điều mà trước đây chưa bao giờ làm được".
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ thêm, "từng có thời gian chúng ta phải lo lắng doanh nghiệp nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt hay như nên có những chính sách cấm đoán khối ngoại,… nhưng bây giờ những nghi ngại này không còn".
Số liệu từ ông Hiếu cho thấy, nếu như trong năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam ở bên mua chỉ chiếm 18% thì đến 2019-2020, tỷ lệ này tăng lên 30%. Giai đoạn 7/2019-7/2021, khoảng 49% doanh nghiệp Việt Nam tham gia M&A ở vị thế bên mua.
Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thực trạng chung của doanh nghiệp hiện nay vô cùng khó khăn và trong khó khăn này, hoạt động M&A phát triển mạnh sẽ tạo sự phát triển lan tỏa, kéo các doanh nghiệp đang yếu đứng dậy.
Vài năm nữa là thời điểm vàng cho các đội tuyển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tất nhiên cuộc chơi sẽ dần loại bỏ các cầu thủ nghiệp dư yếu kém".
Các chuyên gia cũng cho rằng, đào thải là quy luật nhưng không ai mong những doanh nghiệp có triển vọng phát triển mất đi cơ hội. Những doanh nghiệp này có thể tìm cách liên kết với các doanh nghiệp mạnh hơn, có mục tiêu, lợi ích tương đồng để cộng hưởng sức mạnh.