|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từ Masan Group, Saigon Co.op tới Nova Group, Thaco,… các doanh nghiệp bán lẻ Việt đang cựa mình thức giấc?

07:14 | 27/05/2021
Chia sẻ
"Ước mơ của tôi là 5 - 7 năm nữa sẽ lấy lại ngành bán lẻ về tay người Việt", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của Thế Giới Di Động chia sẻ trong cuộc họp cổ đông diễn ra vào cuối tuần trước.
Từ Masan Group, Saigon Co.op tới Nova Group, Thaco,… các doanh nghiệp bán lẻ Việt đang cựa mình thức giấc? - Ảnh 1.

Mua hàng bên trong một siêu thị tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Người đứng đầu Thế Giới Di Động nói rằng ở Việt Nam, doanh thu 30.000 - 40.000 tỷ trong ngành bán lẻ hiện đại chỉ có thể kể đến những cái tên Việt như Bách Hoá Xanh, Saigon Co.op và VinMart (VinCommerce). Mặc dù vậy, thị phần Bách Hoá Xanh hiện mới chiếm 10% và rõ ràng tiềm năng vẫn còn rất lớn.

"Những năm kế tiếp, tăng trưởng có thể tới 50% - 70%", ông Nguyễn Đức Tài tự tin dự báo. Trong khi đó, những số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường và công ty chứng khoán đều chỉ ra rằng: bán lẻ tiêu dùng đang bắt đầu bước vào giai đoạn bùng nổ ở Việt Nam.

Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc dự kiến kênh thương mại hiện đại của Việt Nam sẽ chiếm 50% toàn ngành bán lẻ, thay vì con số 8% như hiện tại. Điều này giúp Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ hiện đại phát triển nhanh nhất châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới.

Với giả định tổng giá trị bán lẻ toàn thị trường năm 2020 đi ngang so với 2019, báo cáo của VNDirect chỉ ra rằng quy mô thị trường này có thể đạt gần 350 tỷ USD vào năm 2025, tức gấp 1,6 lần so với hiện tại.

Do đó không lạ khi thời gian gần đây, thông tin về sự trở lại của các doanh nghiệp Việt trên sân chơi bán lẻ như Kido, Thaco, Masan, Thế Giới Di Động,… , lại được truyền thông đưa tin nhiều đến thế. Hàng trăm triệu USD đã được rót vào thị trường này chỉ sau một thời gian ngắn.

Các thương vụ M&A nuốt chửng ngành bán lẻ Việt

Từ Masan Group, Saigon Co.op tới Nova Group, Thaco,… các doanh nghiệp bán lẻ Việt đang cựa mình thức giấc? - Ảnh 1.

Hệ thống siêu thị Big C - biểu trưng cho tham vọng thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam của người Thái. (Ảnh: Thiên Trường).

Central Group - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan của tỷ phú Tiang Chirathivat, lần đầu bước chân vào Việt Nam từ năm 2014, với sự ra mắt của trung tâm mua sắm Robinson. Sau bước thăm dò, Central Group không dấu tham vọng muốn đánh nhanh thắng nhanh trên sân chơi bán lẻ Việt Nam bằng các thương vụ M&A.

Mở đầu là việc chi hàng triệu USD mua 49% cổ phần Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp Mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, vào năm 2015 và tiếp tục hoàn tất thương vụ vào năm 2020 với giá 2.600 tỷ đồng cho 51% cổ phần còn lại.

Một năm sau, năm 2016, tỷ phú Tiang Chirathivat tuyên bố chuỗi bán lẻ siêu thị Big C Việt Nam của tập đoàn Casino (Pháp) đã nằm hoàn toàn trong tay mình với giá 1,1 tỷ USD. Đầu năm nay, đại gia bán lẻ Thái cho biết mục tiêu sẽ có 300 điểm bán tại 55 tỉnh, thành phố vào năm 2025.

Một doanh nghiệp Thái khác là TCC Holding của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi tuyên bố hoàn tất việc thâu tóm toàn bộ Metro Việt Nam với số tiền khoảng 880 triệu USD vào năm 2016. Năm sau đó, vị tỷ phú này tiếp tục rút hầu bao 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần Sabeco, qua đó gián tiếp chiếm 40% thị phần bán lẻ bia tại Việt Nam.

Bên cạnh người Thái, dường như thị trường bán lẻ Việt cũng rất hợp khẩu vị doanh nghiệp Nhật. Trong những năm qua, lần lượt các doanh nghiệp Nhật như AEON, Matsumoto Kiyoshi Holdings, Sumitomo,… cũng tăng tốc mở hàng loạt các chuỗi cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm như AEON Mall, Family mart, Ministop, Takashimaya, 7-Eleven,…

Tương tự người Thái, người Nhật cũng đẩy mạnh việc hợp tác mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn trong nước. Hiện Aeon đang sở hữu 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart và 30% cổ phần tại hệ thống siêu thị Fivimart. Mới đây nhất là đơn vị bán lẻ quần áo thời trang Nhật Bản Uniqlo cũng đã tiến vào Việt Nam với tham vọng sở hữu 100 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.

Doanh nghiệp nội bừng tỉnh

Mở màn cuộc chiến bán lẻ với các doanh nghiệp ngoại là nhân tố The CrownX của Masan Group khi đặt mục tiêu có 30 - 50 triệu khách hàng, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ hiện đại từ 1% lên gần 25%, đồng thời sở hữu 10.000 cửa hàng tự vận hành và 20.000 cửa hàng uỷ quyền trong 5 năm tới.

Liên tiếp trong thời gian vừa qua, hàng trăm triệu USD đầu tư từ các doanh nghiệp ngoại đã chảy về túi Masan để tạo động lực bứt phá cho doanh nghiệp. Đơn cử SK Group đã chi 410 triệu USD để sở hữu 16,26% cổ phần VinCommerce. Hay như Alibaba và Baring Private Equity Asia cũng tuyên bố rót 400 triệu USD mua cổ phần phát hành mới của The CrownX. Mặc dù nhận nhiều quỹ đầu tư nước ngoài song đại diện Masan cho biết doanh nghiệp vẫn đang nắm cổ phần chi phối tại hệ thống bán lẻ của mình.

Kế đến đó là mô hình Bách Hoá Xanh (BHX) của Thế Giới Di Động. Sau 6 năm đi vào hoạt động, tại thời điểm 30/4/2021, Thế Giới Di Động đang sở hữu trong tay 1.803 cửa hàng BHX tại 25 tỉnh, thành phố, nằm trong top 3 thị phần bán lẻ nếu xét về quy mô. Doanh nghiệp cho biết đến năm 2020, BHX đã đạt tầm vóc 20.000 tỷ đồng doanh thu và dự kiến có lãi vào năm 2022.

Để thực hiện mục tiêu 30.000 tỷ đồng doanh thu, đồng thời cải thiện biên lãi gộp 27%, BHX đang được tối ưu hệ thống logistics, tối ưu năng suất lao động, sắp xếp lại cửa hàng đồng thời phát triển mô hình diện tích lớn tại các khu trung tâm.

Một doanh nghiệp Việt khác không thể không nhắc đến là Saigon Co.op, đơn vị gần như đứng top đầu trong ngành bán lẻ. Đây là một trong số ít doanh nghiệp bán lẻ có lãi trên kênh siêu thị. Năm ngoái, Saigon Co.op ước tính đạt 33.000 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lãi trước thuế. Riêng tại thị trường TP HCM, doanh thu của hệ thống Co.opmart chiếm trên 45% thị phần ở kênh siêu thị.

Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 8% - 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 4% - 5%. Đồng thời lên kế hoạch mở rộng mạng lưới đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025. Tập trung phấn đấu phát triển mạng lưới nhanh, mạnh để phủ kín hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Từ Masan Group, Saigon Co.op tới Nova Group, Thaco,… các doanh nghiệp bán lẻ Việt đang cựa mình thức giấc? - Ảnh 2.

Sự xuất hiện của các nhân tố mới thay đổi cuộc chơi

Bên cạnh các doanh nghiệp trong ngành, mấy năm gần đây Nova Group - một doanh nghiệp bất động sản, cũng đã âm thầm hiện nhiều thương vụ M&A và đầu tư hơn 200 triệu USD để đưa các dịch vụ bán lẻ tiêu dùng về hệ sinh thái.

Đơn cử như Nova Service Group đã mua nhượng quyền nhiều thương hiệu F&B lớn như: Jumbo Seafood, Seorae BBQ, Mango Tree Thái Lan, Hotpot Story, Thai Express và Shark Restaurant ở mảng nhà hàng hay như chuỗi Nova LifeStyle gồm: Azerai, Anatara, Mercure, Novotel, Movenpick, Avani,…

Trong khi đó, theo nguồn tin của chúng tôi, Kinh Đô cũng đang rục rịch lên kế hoạch ra mắt cửa hàng mới với tên gọi MOBI drinks, kinh doanh các sản phẩm của công ty nghiên cứu. Mục tiêu biến các điểm bán này trở thành một hub kinh doanh các sản phẩm trào lưu giành cho giới trẻ, tích hợp bởi các ông trùm gốc Hoa bao gồm Thiên Long, gốm sứ Minh Long, Bitis,…

Hay như Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) đã mua lại toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của Tập đoàn Emart (Hàn Quốc), theo Korean Times. Các siêu thị mang thương hiệu Emart sẽ vẫn tồn tại ở Việt Nam theo hình thức nhượng quyền và Thaco sẽ trả phí. Với thương vụ này, Emart kỳ vọng Thaco có thể mở rộng quy mô chuỗi siêu thị lên con số 10 tại Đông Nam Á trong 4 năm tới.

"Sự hợp tác chiến lược của chúng tôi với Thaco không chỉ xoay quanh việc nhượng quyền, mà đây cũng là cơ hội để chúng tôi xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình", một đại diện của Emart cho hay. Được biết, số sản phẩm Hàn Quốc bán tại Emart đã tăng từ 170 năm 2015 lên con số 1.200 sản phẩm vào năm 2020.

Không chỉ các doanh nghiệp "ngoại đạo" hào hứng với sân chơi bán lẻ, và đi theo những cách rất riêng để tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp trong ngành như Thế Giới Di Động hay Masan Group cũng đang thay đổi từng ngày để tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng.

Đơn cử, năm 2019, Saigon Co.op thâu tóm 18 siêu thị Auchan (Pháp) để tăng cường độ phủ trên thị trường. Mới đây, các cửa hàng BHX ngoài thịt cá, rau củ, hàng tiêu dùng mở bán thêm xe đạp và cho biết sẽ bán cả ô tô, xe máy điện,… nếu việc kinh doanh cho kết quả tốt. Hay như Masan Group vừa bắt tay với Phúc Long để mở bán trà, cà phê ngay trong chính không gian của VinMart+,... 

Nhìn vào tổng thể bức tranh trên có thể thấy doanh nghiệp Việt đang từng bước lấy lại thế chủ động trên thị trường bán lẻ sân nhà. Bằng cách am hiểu thị trường và lối đầu tư thông minh, các doanh nghiệp này đang dần hái được những trái ngọt đầu tiên như lời vị tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group.

"Chúng tôi chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng của một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ và lợi nhuận vượt trội. Khi nền móng không vững chắc, ngôi nhà nhất định sẽ lung lay", ông Nguyễn Đăng Quang nói.

Thiên Trường