4 lợi ích từ thỏa thuận hợp tác The CrownX - Alibaba
Một buổi sáng cuối tháng 4 tại Sapa, nơi diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang đã kể câu chuyện về hành trình 25 năm của Masan Group từ một nhà máy sản xuất gia vị đến tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Câu chuyện hấp dẫn, song có lẽ điều làm người ta chú ý hơn cả là bức hình sau lưng vị thuyền trưởng, mô tả đỉnh một ngọn núi cắm lá cờ với dòng chữ "The CrownX" - hạt nhân chính trong lộ trình phát triển 10 năm tiếp theo của Masan.
The CrownX được thành lập từ năm 2020, trên cơ sở hợp nhất Masan Consumer Holdings - đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu và VinCommerce, chuỗi bán lẻ hiện đại quy mô bậc nhất Việt Nam.
Lãnh đạo Masan đặt nhiều kỳ vọng vào The CrownX với mong muốn chuyển đổi mô hình này trở thành một nền tảng Point of Life - tất cả trong một, phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online.
"Masan khởi đầu hành trình của mình với niềm tin rằng ‘Phụng sự người tiêu dùng’ là cách tốt nhất để thành công trong kinh doanh. 25 năm qua, các thế hệ Masan đã bước đi với niềm tin, tình yêu, nhiệt huyết và khát vọng mãnh liệt đó trong tim", ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.
Mảnh ghép còn thiếu
Người Việt đang mua sắm nhiều hơn trên không gian mạng. Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, năm ngoái tăng trưởng của kênh bán hàng online tại Việt Nam đã tăng 16% đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự kiến con số này còn có thể tăng lên 52 tỷ USD trong vòng 5 năm tiếp theo.
Tuy mua sắm online tăng nhanh tại Việt Nam, song hơn 25% nhu cầu của người tiêu dùng là các mặt hàng nhu yếu phẩm (thực phẩm, đồ uống,… ) lại chưa được phục vụ đầy đủ trên kênh bán hàng này.
Trên các trang thương mại điện tử, phần lớn các sản phẩm được bán là các mặt hàng không thiết yếu, giá trị cao và tần suất mua hàng thấp như thiết bị điện tử, thời trang, mỹ phẩm,… Điều này đã tạo ra sự mất cân bằng giữa nhu cầu mua online của người tiêu dùng và khả năng cung cấp hàng hoá của các sàn thương mại.
Trong khi đó, về phía mình, dù là đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu, Masan mới chỉ phục vụ 1% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Với việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hiện đại, Masan đã gia tăng khả năng tiếp cận thị trường lên mức gần 25%. Kế hoạch 5 năm tới của tập đoàn này là xây dựng một mô hình hiệu quả để phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng.
Để thực hiện được mục tiêu đó, đồng thời phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng về việc mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm online, theo ông Danny Le - CEO Masan Group, The CrownX phải thúc đẩy cả mảng bán lẻ online và offline. Trong đó, kênh bán lẻ online phần không thể thiếu để Masan kết nối giữa các hộ gia đình, nhà sản xuất hàng hóa và nhà bán lẻ.
Trên vai người khổng lồ
Có thể thấy, bán lẻ online là mảnh ghép duy nhất còn thiếu để lấp đầy lỗ hổng trong chiến lược "Phụng sự người tiêu dùng" của The CrownX. Song, để phát triển được một kênh bán lẻ online hoàn chỉnh và có chỗ đứng trên thị trường không phải là việc dễ dàng.
Vingroup đã đóng trang thương mại điện tử Adayroi vào cuối năm 2019. Các sàn thương mại điện tử còn trụ hạng như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo,… đang trong cuộc chơi đốt tiền để giành thị phần và chưa nhìn thấy điểm dừng.
Có thể thấy việc tự phát triển một kênh bán online là tốn kém và mất nhiều thời gian, đặc biệt là với một doanh nghiệp thuần sản xuất và bán lẻ như Masan Group. Do đó, phương án nhanh và tối ưu nhất để thúc đẩy cả kênh bán online và offline đó là hợp tác cùng với một ông lớn về thương mại điện tử, có nền tảng công nghệ vững vàng.
Và đây cũng chính là cách mà các lãnh đạo tại Masan đã chọn. Trong một động thái mới nhất, Masan Group phát đi thông cáo cho hay, công ty đã bắt tay với tập đoàn Alibaba và nhóm các nhà đầu tư để hợp tác thúc đẩy mảng bán lẻ online của The CrownX. Theo đó, nhóm nhà đầu tư sẽ bỏ ra 400 triệu đồng để sở hữu 5,5% cổ phần tại The CrownX, trong khi Masan Group vẫn nắm quyền chi phối hoạt động với tỷ lệ sở hữu 80,2%.
Đáng chú ý trong nhóm các nhà đầu tư là cái tên Alibaba – "ông trùm" trong các thương vụ đầu tư vào thương mại điện tử toàn cầu. Đến nay, Alibaba đang sở hữu nhiều sàn bán hàng online tại các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và đặc biệt là Lazada tại Việt Nam.
Với kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều chuyên gia nhận định rằng việc bắt tay với Alibaba là một bước đi khôn ngoan của Masan Group. Chiến lược đứng trên vai người khổng lồ sẽ giúp The CrownX đi nhanh hơn trong mục tiêu đem hàng hoá nhu yếu phẩm lên mạng online.
Theo đánh giá từ Masan, thương vụ này sẽ giúp công ty đạt được 4 lợi ích. Đầu tiên đó là biến The CrownX trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại Lazada. Tiếp đến đó là công ty có thể học hỏi kinh nghiệm từ ông lớn Alibaba để đưa nhu yếu phẩm trở thành mặt hàng chủ chốt trên các kênh bán online.
Thứ ba, việc hợp tác sẽ hỗ trợ Masan phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline. Đồng thời, tận dụng nền tảng cung ứng và giao vận sẵn có của hai bên để tối ưu và tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Dáng dấp của một ông lớn bán lẻ hiện đại hàng đầu
Có thể thấy, Masan đang đi đúng lộ trình đã vạch ra trong kế hoạch "Alpha-Bet" đưa The CrownX chuyển đổi từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu mà tập đoàn gọi là nền tảng Point of Life.
Sau khi kênh bán lẻ VinCommerce đạt EBITDA hoà vốn trong một năm, công ty đang thực hiện bước số hai, trở thành kênh bán lẻ hiện đại trên quy mô toàn quốc để phục vụ từ 30 đến 50 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong đó xây dựng mô hình bán lẻ xuyên suốt từ online tới offline là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này. Con đường đi này khá tương đồng với Walmart, một công ty bán lẻ đa quốc gia của Mỹ, vận hành chuỗi các đại siêu thị và cửa hàng bách hóa.
Với hơn 5.000 cửa hàng khắp cả nước, Walmart đạt doanh thu 500 tỷ USD mỗi năm, phục vụ 150 triệu người tiêu dùng. Từ mô hình các cửa hàng offline đạt lợi nhuận, Walmart đã lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ online.
Năm 2018, Walmart đã mua 77% cổ phần chi phối tại Flipkart, hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Ấn Độ, với giá 16 tỷ USD. Qua đó, Walmart đã thâm nhập thị trường thương mại điện tử Ấn Độ - được Morgan Stanley định giá khoảng 200 tỷ USD.
Song khác với Walmart, mục tiêu số một của Masan vẫn là hướng tới thị trường nội địa, cung cấp các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam.
"Chúng tôi tự hào về giá trị Việt và khao khát được trở thành một phần của niềm tự hào Việt Nam", ông Nguyễn Đăng Quang tự hào nói khi kết thúc bài diễn thuyết của mình tại Đại hội cổ đông 2021.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/