|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cơ sở định giá 75 triệu USD cho chuỗi đồ uống Phúc Long?

14:32 | 25/05/2021
Chia sẻ
Masan cho biết mức định giá này gấp 50 lần lợi nhuận sau thuế của Phúc Long trong năm 2020.
Cơ sở định giá 75 triệu USD cho chuỗi đồ uống Phúc Long? - Ảnh 1.

Bên trong một cửa hàng Phúc Long tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Đằng sau mức định giá gấp 50 lần của Phúc Long

CTCP Phúc Long Heritage được thành lập 21/5/2021, có ngành nghề đăng ký kinh doanh là trà và cà phê. Vốn điều lệ ban đầu 260 tỷ đồng. Trong đó, ông Lâm Bội Minh, người sáng lập chuỗi đồ uống Phúc Long góp 245,7 tỷ đồng, nắm 94,5% vốn.

Ngày 24/5, Masan Group (mã: MSN) đã công bố thoả thuận mua 20% cổ phần tại CTCP Phúc Long Heritage với mức giá 15 triệu USD. Điều này đồng nghĩa Masan định giá Phúc Long Heritage 75 triệu USD, tương đương khoảng 1.730 tỷ đồng.

Giải thích về mức định giá này, đại diện Masan cho biết mức định giá trung bình cho các doanh nghiệp trong ngành hiện khoảng 25 - 30 lần lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, phía Masan thấy được giá trị gia tăng vượt trội từ việc nhân rộng mô hình Kiosk Phúc Long tại VinMart+.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, 8 Kiosk Phúc Long tại VinMart+ sẽ cho tổng doanh thu bằng một cửa hàng Phúc Long thông thường. Do vậy, nếu mở thành công 1.000 Kiosk Phúc Long sẽ giúp nhân 3 quy mô doanh thu và lợi nhuận hiện tại.

"Đó là lý do vì sao Masan trả mức định giá Phúc Long gấp 50 lần so với lợi nhuận sau thuế chuỗi này năm 2020", phía Masan cho hay.

Theo số liệu của Masan, hiện nay, tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tính là 2,3 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Tuy nhiên, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng).

Với tiềm năng dân số trẻ và nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ mới, Masan và Phúc Long tin rằng chuỗi cửa hàng trà và cà phê có thương hiệu sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.

Nói thêm về chuỗi Phúc Long, được thành lập cách đây 50 năm, đến nay chuỗi đồ uống này đã sở hữu trong tay hệ thống 82 cửa hàng đặt tại những nơi sầm uất, đắt đỏ ở các thành phố lớn cùng lượng khách hàng đông đảo là những người sành trà và cà phê.

Xét về doanh thu, hiện Phúc Long đang đứng trong top 3 các chuỗi đồ uống tại Việt Nam, cùng với Highlands Coffee và The Coffee House. Năm 2019, doanh thu của Phúc Long đạt 779 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2018. Các năm trước đó, tăng trưởng doanh thu cũng liên tục ghi nhận mức tăng cao, lần lượt 39% và 25% (2018 và 2017).

Đặc biệt, Phúc Long là chuỗi đồ uống hiếm hoi không ghi nhận lỗ, song lợi nhuận sau thuế cũng chỉ loanh quanh vài tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử năm 2019 chuỗi đồ uống này đạt lãi 20 tỷ đồng, trước đó năm 2018 là 4 tỷ đồng và 2 tỷ đồng lãi năm 2017.

Do đó, với khoản tiền 15 triệu USD đầu tư từ Masan Group sẽ là động lực cần thiết để Phúc Long bứt phá tạo đột biến so với giai đoạn trước đó, trong bối cảnh lĩnh vực F&B đang trong giai đoạn cạnh tranh ngày một gay gắt như hiện nay.

Tại sao lại là The Sherpa?

Một điểm đáng chú ý khác trong thương vụ lần này của Masan Group đó là đơn vị mua 20% cổ phần Phúc Long Heritage lại là The Sherpa chứ không phải The CrownX - hạt nhân trong chiến lược Point of Life của tập đoàn này.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Masan giải thích rằng công ty đưa ra các định hướng phát triển khác nhau cho The Sherpa và The CrownX. The Sherpa là công ty tập trung cho phát triển các mô hình kinh doanh mới, trong giai đoạn sơ khởi ban đầu.

Trong khi đó, The CrownX là nền tảng cho các mô hình kinh doanh đã ổn định, sẵn sàng mở rộng quy mô và tăng tốc. Dù được vận hành ở công ty nào, các mô hình kinh doanh của Masan đều tập trung phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, hướng đến mục tiêu tiếp cận 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

The Sherpa có ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý đầu tư, do Masan nắm 99,9% vốn góp. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang từng ví The Sherpa như người hùng thầm lặng, bởi công ty này được thành lập vào giữa tháng 6/2020 để trở thành một trong ba cổ đông sáng lập của The CrownX, doanh nghiệp ra đời nhằm hoàn tất thương vụ sáp nhập VinCommerce.

Nói thêm về việc hợp tác lần này, sau khi The Sherpa mua cổ phần, một công ty thành viên khác của Masan là VinCommerce hợp tác với Phúc Long triển khai mô hình Kiosk tại các cửa hàng VinMart+.

Dự kiến Kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+. Dựa vào kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác này sẽ góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Masan Group cho biết tích hợp với Phúc Long vào VinMart+ cũng sẽ giúp chuyển đổi các cửa hàng này thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

"Trọng tâm của Masan là phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, trong đó có chuỗi bán lẻ F&B. Như mục tiêu đã vạch ra tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, chuỗi F&B là một mảnh ghép trong nền tảng tiêu dùng bán lẻ Point of Life của Masan. Mục tiêu đến năm 2025, doanh thu của chuỗi F&B đóng góp 500 triệu USD", đại diện Masan nói.

Đại diện Masan chia sẻ thêm rằng, sau khi chiếm phần lớn thị phần tại Việt Nam, cả Phúc Long và Masan Group sẽ cân nhắc việc tham gia thị trường quốc tế. 

"Văn hóa thưởng thức trà và cà phê đang phát triển mạnh không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới, việc này được kiểm chứng bằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của Starbucks trong những năm gần đây", người này cho hay.

Thiên Trường