Ông Hoàng Nam Tiến: Dân sale thời nay phải biết về chứng khoán, bất động sản, blockchain,... để tiếp chuyện khách hàng
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân của Chủ tịch FPT Telecom, ông Hoàng Nam Tiến đã có những chia sẻ thú vị về nghề sale (bán hàng) thời nay. Cụ thể, ông Tiến đặt ra những so sánh thú vị giữa nghề sale ngày trước và hiện tại.
Đầu tiên, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng ở thời gian trước đây, một người làm nghề sale ngoài có hiểu biết về chuyên môn, nắm rõ kiến thức sản phẩm cũng như điểm cốt lõi của các mô hình marketing... thì việc "biết ăn biết chơi" cũng là điểm cộng lớn, ví dụ như khả năng nhậu, biết bia ở quán karaoke nào ngon rồi massage ở đâu thạo nghề nhất...
Song, ở thời điểm hiện tại thì khả năng ăn chơi lại không còn được đánh giá cao vì karaoke giờ đây chưa thể phục hồi do dịch bệnh, muốn cầm ca cũng phải sử dụng dịch vụ tại gia.
Tập thích nghi với trạng thái bình thường mới nên nghề sale hiện nay phải thay đổi. Chủ tịch FPT Telecom nhận định nghề sale đang chuyển chủ đề tiếp khách bằng những câu chuyện về chứng khoán, bất động sản, blockchain...
"Do mạng xã hội nên làm bán hàng phải biết chém về chứng khoán dù chả buôn gì, bất động sản dù làm gì có tiền mà mua, rồi blockchain, gần đây thêm NFT...", ông Tiến đưa ra nhận xét về nghề sale.
Vị Chủ tịch FPT Telecom còn nêu ra điều "kinh hoàng nhất" của nghề sale hiện nay là những người bán mỹ phẩm, gói tập gym, thực phẩm chức năng,... mà nói chuyện về lịch sử nước, các vấn đề liên bang, địa chính trị… là một điều gây bất ngờ đến hoảng hốt.
Dù tốt nghiệp ngành CNTT của Đại học Bách Khoa nhưng ông Hoàng Nam Tiến nổi tiếng ở FPT khi trở thành Trưởng phòng Kinh doanh tại FPT Hà Nội ở tuổi 26. Đến năm 30, ông Tiến ngồi vào vị trí Trưởng phòng kinh doanh tại Tập đoàn FPT.
Bước ngoặt của vị chủ tịch đến ở tuổi 32, ông Tiến khi đó đã xin nghỉ việc để sang Mỹ du học 3 tháng. Sau khi quay trở lại, dưới sự lãnh đạo của ông Tiến, phòng kinh doanh đã có nhiều bước chuyển, đóng góp lớn vào doanh thu của tập đoàn FPT. Gia nhập công ty vào năm 1993, đến tháng 3/2020, ông Hoàng Nam Tiến được bầu giữ chức Chủ tịch FPT Telecom.
Trước lần đầu lên sóng livestream bán hàng diễn ra vào năm ngoái, ông Hoàng Nam Tiến nêu quan điểm rằng thị trường, khách hàng và xã hội ngày càng thay đổi nên người bán hàng cũng phải thay đổi theo.
"Chúng tôi đã thay đổi từng ngày và hiện hơn 60% hợp đồng, thậm chí có chi nhánh hơn 80% hợp đồng, có được từ kênh online", ông Tiến nói về sự chuẩn bị cho xu hướng chuyển dịch thị trường trong thời kỳ dịch bệnh.
Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ rằng kể từ khi nhậm chức, ông đã yêu cầu "toàn dân bán hàng", nghĩa là tất cả nhân sự của FPT Telecom đều có thể bán hàng, giới thiệu sản phẩm của công ty. Và không có sự phân biệt, từ nhân viên kỹ thuật đến kế toán, hay từ sếp đến nhân viên... tất cả đều phải bán hàng.
"Kết quả đem lại rất tốt. 10% doanh thu của FPT Telecom không phải đến từ đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp. Con số này sẽ còn tăng lên nữa", ông Tiến hài lòng về chiến lược kinh doanh mà FPT Telecom đang vận hành. Theo vị Chủ tịch, nguyên tắc của FPT Telecom là hiểu sản phẩm của mình và tin vào hệ thống dịch vụ, hỗ trợ của chính đồng nghiệp thì mới “chốt đơn” thành công.
Không chỉ đề cao kiến thức về sản phẩm, ông Tiến khuyến khích nhân viên phải học cách thấu hiểu mọi cảm xúc khách hàng. "Trong mùa dịch, nhân viên FPT Telecom được yêu cầu liên hệ khách hàng cũ, kết bạn Zalo, Facebook dựa trên số điện thoại có từ ngày xưa.
Các bạn sẽ gọi điện hay nhắn tin cho khách, chẳng cần bán hàng gì cả, mà chỉ để hỏi thăm, nói chuyện, chia sẻ. Đấy là "empathy customer service", là thấu cảm - thấu hiểu mọi cảm xúc khách hàng, một khái niệm cao hơn khái niệm "customer 360" trước đây", Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ.
Trong tương lai, vị Chủ tịch muốn định hướng FPT Telecom sẽ đề cao sử dụng công nghệ nhiều hơn, kinh doanh dựa trên cơ sở dữ liệu được thu thập và phân tích, nhằm thích nghi với xu hướng chuyển dịch không gian bán hàng sang online, thay vì tới gõ cửa từng nhà như trước khi dịch bệnh bắt đầu.