|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T: Sớm trình Quốc hội dự án đường sắt đô thị Hà Nội

11:31 | 04/04/2018
Chia sẻ
Hôm qua (3/4), trao đổi với báo chí, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T cho biết, dự án đường sắt đô thị số 3 mà tập đoàn này tham gia sẽ phải báo cáo sớm lên Chính phủ để trình xin ý kiến Quốc hội ngay tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

ong do quang hien chu tich tt som trinh quoc hoi du an duong sat do thi ha noi
Ông Đỗ Quang Hiển trao đổi về dự án đường sắt đô thị số 3

Cụ thể, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Quang Hiển phủ nhận việc T&T đã không tham gia "ngay từ đầu" cùng 7 nhà đầu tư khác để được lựa chọn là 1 trong các nhà đầu tư chính tham gia triển khai dự án này.

"Thực tế, T&T đã tham gia nhiều cuộc họp, sàng lọc danh sách nhà đầu tư của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để được lực chọn là nhà đầu tư triển khai dự án này cùng Tập đoàn Vingroup", ông Hiển cho biết.

Ông Hiển cho biết, T&T sẽ tham gia ở dự án đường sắt đô thị số 3 (đường sắt đôi) nối trung tâm TP Hà Nội tới thị xã Sơn Tây (Nhổn, Trôi, Phùng-vành đai 4-Thị xã Sơn Tây) với tổng chiều dài 31.1 km. Tổng giá trị đầu tư vào dự án này khoảng 1,4 tỷ Euro.

Theo ông Hiển, đây là một dự án có qui mô rất lớn, được đầu tư theo mô hình PPP (Nhà nước và tư nhân cùng làm) và theo hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao). Theo đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ mua tàu và quản lý việc kinh doanh. Còn doanh nghiệp sẽ đầu tư hạ tầng, đường ray...và bàn giao lại cho thành phố quản lý, kinh doanh.

"Số tiền doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước sẽ trả bằng quyền sử dụng đất để Nhà nước thu hồi vốn và Nhà nước cũng có thể trả lại doanh nghiệp một phần bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp", ông Hiển cho biết thêm.

Cũng theo Chủ tịch T&T Group, đây là một dự án phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao nên bước 1 thì Tổng công ty Tư vấn và Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) khảo sát nhưng ở các giai đoạn tiếp theo: Nhà ga, bến đỗ,...thì phải thuê tư vấn của nước ngoài.

Đáng chú ý, ông Đỗ Quang Hiển khẳng định, vì đây là dự án có qui mô vốn lớn (trên 10 ngàn tỷ đồng), có tầm ảnh hưởng kinh tế-xã hội lớn nên sẽ phải báo cáo lên Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến mới được triển khai.

"Việc trình Chính phủ, rồi trình Quốc hội sẽ phải làm sớm, ngay trong tháng này để tháng 5, phải có báo cáo ra Quốc hội", ông Hiển khẳng định.

Được biết, T&T là tập đoàn tư nhân, thành lập từ năm 1993, hiện có qui mô tổng tài sản lên tới 15.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 5000 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn này gồm: Bất động sản, khoáng sản, năng lượng, hạ tầng giao thông, đầu tư tài chính, xuất nhập khẩu...

Mới đây nhất, trong chuyến thăm Pháp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tập đoàn T&T đã ký với Tập đoàn Bouygues biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội. Hai bên cũng đồng thời ký với nhau bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án nâng cấp mở rộng Sân vận động Hàng Đẫy-Hà Nội.

Ông Hiển cho biết, Bouygues là tập đoàn đầu tư, xây dựng hàng đầu của Pháp và sẽ là đối tác rất mạnh để cùng T&T hoàn thành các dự án trên với chất lượng, công nghệ hàng đầu. "Chúng tôi cũng hi vọng, qua việc hợp tác với các tập đoàn lớn như Bouygues, sẽ nâng cao trình độ quản trị, chuyên môn, nâng cao khả năng quản lý chuyên nghiệp", ông Hiển nói.

Mạnh Quân