|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Đặng Văn Thành: ‘Vùng mía đường của HAGL là hoài bão lớn của TTC’

06:45 | 11/08/2017
Chia sẻ
Trong câu chuyện chia sẻ về hòa nhập văn hóa khi thực hiện M&A, Chủ Tập đoàn Thành Thành Công Đặng Văn Thành không giấu giếm về hoài bão sở hữu vùng mía đường của HAGL, từ đó phát triển để đáp ứng nhu cầu đường khu vực Đông Dương.

Tại diễn đàn M&A 2017, Chủ Tập đoàn Thành Thành Công Đặng Văn Thành đã có những chia sẻ về văn hóa tiếp nhận khi doanh nghiệp tham gia M&A, một trong những rào cản mà theo ông, phải mất ít nhất hai năm mới có thể dung hòa được.

ong dang van thanh vung mia duong cua hagl la hoai bao lon cua ttc
Chủ tịch TTC Group Đặng Văn Thành. (Ảnh: TV).

4 vai trò của doanh nhân trong M&A

“M&A là một sự thay đổi tích cực của Việt Nam trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường”, doanh nhân Đặng Văn Thành đánh giá.

Ông nhắc đến 4 vai trò của doanh nhân hiện nay. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội sao cho cán cân thương mại thặng dư. Thứ hai là tạo giá trị gia tăng cho khách hàng, để có những sản phẩm sánh ngoại với giá chấp nhận được. Thứ ba là tạo ra gia tăng giá trị cho cán bộ công nhân viên sao cho có môi trường làm việc ổn định và quyền lợi chính đáng.Thứ tư là tạo giá trị cho nhà đầu tư. Theo đó, M&A đòi hỏi các trách nhiệm và vai trò của người doanh nhân trong việc tạo ra các giá trị.

“Khi nào mình mua và khi nào mình bán? Người bán cũng phải hết sức thông minh và trách nhiệm, bán khi nào giá trị còn tốt, thời điểm tốt. Người mua khi nào, mua để làm gì?, nếu mua để chiếm lĩnh thị trường thì chúng ta phải chấp nhận chi phí cơ hội”, ông Thành nói.

38 năm làm nông nghiệp, ông nhận thấy nông nghiệp Việt Nam đang là thách thức với các yếu tố về hạn điền. Trong đó không thể bỏ qua trách nhiệm của người làm công tác nông nghiệp phải luôn nỗ lực. Với sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chính sách cùng với lộ trình hội nhập của Việt Nam, người doanh nhân điều hành phải có trách nhiệm, có kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển, ông Thành nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng về cây mía đường: “Nói tới cây mía phải nói tới thiết chế đồng ruộng. Nếu không có thiết chế lại hệ thống luật pháp thì thượng tầng muốn nhưng hạ tầng không làm được. Cái thiết chế đồng ruộng là cái quyết định vấn đề năng suất và hiệu quả”.

“Cách đây khoảng một năm, tôi phải đi một vòng hết tất cả 60.000 ha đất mà chúng tôi có trách nhiệm, bản thân TTC sở hữu canh tác trên 15.000 ha, còn lại của nông dân. Tôi phải đi các tỉnh để vận động chương trình làm giàu cho nông dân, giá mía phải giảm để có điều kiện cạnh tranh với nông dân. Như vậy bắt buộc phải có cơ giới hóa, muốn cơ giới hóa thì phải thiết chế đồng ruộng”, ông kể về trải nghiệm,

Mặt khác, khi kinh tế phát triển thì lao động phổ thông càng ngày càng hiếm, điều này buộc phải cơ giới hóa. Để cây mía cạnh tranh được, cần làm sao để nông dân làm giàu, nhà máy có lãi. “Đây là trách nhiệm của những người làm mía đường”, ông Thành nhấn mạnh một lần nữa.

Vùng mía đường của HAGL là hoài bão lớn của TTC

Chia sẻ về thương vụ với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), ông Thành cho hay ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL đã thống nhất chuyển nhượng lại toàn bộ vùng mía đường của HAGL.

Đây được coi là thương vụ M&A mà ông Thành rất tâm đắc, ông bày tỏ “Sự thật đây là ao ước, chiến lược, hoài bão lớn của TTC”.

Bởi những điều tại Việt Nam ông chưa làm được, nay ông muốn làm tại vùng mía nguyên liệu của HAGL ở Attapeu với diện tích 6.000 ha, cộng với 4.000 ha để tổ chức thành cánh đồng mẫu lớn, nhằm hướng đến kiểm soát giá thành.

Bên cạnh việc hỗ trợ cho ngành đường Việt Nam, ông Thành không giấu hoài bão, khát vọng sẽ đầu tư Attapeu một cách hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu về đường ở khu vực Đông Dương.

Mất 2 năm để hòa nhập văn hóa khi thực hiện M&A

“Khi mua lại Bourbon Tây Ninh tôi mới thấy trách nhiệm của doanh nhân”, ông Thành cho biết. Đặc biệt là đối tác nước ngoài ở Pháp, tìm được người kế thừa chiến lược phát triển, trách nhiệm, sản phẩm và khách hàng của đối tác là điều không hề dễ dàng.

“Khi tôi tiếp nhận doanh nghiệp này, khó khăn đầu tiên nhất là tiếp nhận văn hóa”, ông Thành thừa nhận khó khăn trong M&A. Với những trường hợp này, ông Thành cho rằng cần phải hết sức mềm dẻo. Kinh nghiệm của ông cho thấy việc điều hànhmất ít nhất phải là 2 năm để đưa bộ máy vận hành theo quy chế, quy định của TTC.

Tương tự đối với doanh nghiệp nhà nước, TTC cũng mất 2 năm để vận hành. Vượt qua những rào cản M&A, TTC phát triển và đầu tư hàng loạt, đến nay Tập đàn có 8 nhà máy đường chiếm 30% thị trường Việt Nam.

ong dang van thanh vung mia duong cua hagl la hoai bao lon cua ttc
Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh. (Ảnh: TTC).

Một trong những thuận lợi để TTC đạt được sự thông nhất văn hóa cho hàng chục nghìn lao động và hợp tác với nông dân ở những vùng nguyên liệu là mô hình Tập đoàn. Ông chủ TTC đánh giá cao về mô hình này và xem đây là sự trưởng thành của nền kinh tế.

“Quan điểm từ xưa tới giờ của tôi là nền kinh tế không cạnh tranh làm sao phát triển. Quản trị doanh nghiệp là phải minh bạch, kiểm soát là phải trách nhiệm, điều hành là phải chuyên nghiệp”, ông Thành bày tỏ.

Ánh Dương