|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ tiệm tạp hoá Vũ Lai: Từ thư ký hãng buôn đến triệu phú dây đờn Sài Gòn xưa

14:41 | 26/02/2018
Chia sẻ
Trên đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng), đối diện chợ Tân Định, có một tiệm tạp hóa Vũ Lai, bán đủ thứ hàng hóa linh tinh, từ dụng cụ học sinh, văn phòng phẩm, các loại xà bông, bột đánh răng, cao đơn hườn tán và cả... dây đờn. Chủ nhân của tiệm chính là Nguyễn Kim Thạch.

Năm 1944, rời ghế nhà trường, với vốn Pháp ngữ vững vàng, anh thanh niên Nguyễn Kim Thạch được hãng buôn của một thương gia người Pháp bên Khánh Hội (quận 4, TP.HCM ngày nay) tuyển dụng làm thư ký.

Thời đó, nghề thư ký hãng buôn, nhất là hãng buôn ngoại quốc là một nghề khá "hót" với những thanh niên có học nhưng xuất thân từ tầng lớp bình dân, vì thu nhập khá cao, được xã hội coi trọng, lại được tiếp xúc với giới thượng lưu nên cơ hội để tiến tới cuộc sống trưởng giả luôn trước mặt.

Thế nhưng chưa đầy một năm làm thư ký, Nguyễn Kim Thạch quyết định nghỉ việc vì tự thấy nghề bàn giấy phải luôn tới sở đúng giờ, công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, không hợp với tánh tình và chí hướng.

Sau đó không lâu người ta thấy trên đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng), đối diện chợ Tân Định, có một tiệm tạp hóa hiệu Vũ Lai mà Nguyễn Kim Thạch chính là chủ nhân.

Thời kỳ này phong trào nhạc mới, còn được gọi là tân nhạc, rất thịnh hành trong sinh hoạt văn nghệ của giới trẻ nước ta với sự xuất hiện một thế hệ nhạc sĩ tài năng, rất được ngưỡng mộ, như Đặng Thế Phong, Lê Thương, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương, Phạm Duy, Lê Trực, Hoàng Quí, Hoàng Thi Thơ, Phan Huỳnh Điểu...

Phong trào tân nhạc không chỉ sôi nổi ở các thành thị mà còn lan truyền đến nhiều vùng nông thôn khắp trong Nam ngoài Bắc, trở thành một nét sinh hoạt thanh lịch, thời thượng, nhất là trong giới trẻ có xu hướng Tây học. Phong trào nhạc mới đã làm nhiều loại nhạc cụ Tây phương du nhập vào nước ta, nhất là các loại đờn dây như Mandoline (Măng cầm), Banjo (Băng cầm), Guitare Espagnole (Tây ban cầm), Guitare Hawaienne (Hạ uy cầm)...

Một ngày nọ có một khách hàng vào tiệm Vũ Lai hỏi mua một số lượng khá lớn dây đờn Mandoline, nhưng người này chỉ mua hai loại dây La và Mi. Trong bộ dây đờn mandoline bốn đôi (8 sợi), đôi dây La và Mi là hai đôi dây mảnh, rất dễ bị đứt khi chơi hay lên dây quá căng. Nhưng thời ấy, ngành cơ khí nước ta còn rất thô sơ, chưa sản xuất được dây đờn.

Toàn bộ dây đờn bán trên thị trường Đông Dương đều phải nhập từ Pháp. Lúc đó, nhãn hiệu dây đờn Argentine nổi tiếng độc chiếm thị trường ba nước Việt, Miên, Lào. Nhưng dây đờn Mandoline hiệu Argentine được đóng gói và bán thành từng bộ, dù người mua đôi lúc chỉ cần một dây vẫn phải mua cả bộ. Không chỉ dây đờn Mandoline mà dây đờn Guitare Espagnole, Guitare Hawaienne..., là những loại đờn phổ biến trong giới chơi nhạc thời ấy đều cùng chung tình trạng như vậy.

Tất nhiên chủ tiệm Nguyễn Kim Thạch không thể bán lẻ dây La và Mi theo đề nghị của người khách ấy. Nhưng yêu cầu thật chính đáng của người khách đã làm lóe lên trong đầu chủ tiệm Vũ Lai một ý tưởng kinh doanh mới mẻ: cung cấp dây đờn tùy yêu cầu của người sử dụng.

Ngày hôm sau, Nguyễn Kim Thạch tìm hỏi các tiệm bán dây đờn lớn nhỏ trong châu thành Sài Gòn, nhưng không chỗ nào chịu bán cho anh chỉ những sợi dây mảnh trong những bộ dây đờn. Thực tế khảo sát này đã dẫn Nguyễn Kim Thạch tới một quyết định kinh doanh táo bạo: nhập khẩu dây đờn từng loại riêng.

Cái khó của thời đó là các nhà nhập cảng, chủ yếu là người Pháp và người Hoa thường giữ bí mật kinh doanh, không tiết lộ tên mấy hãng sản xuất bên Pháp. Sau thời gian sục sạo, thời may Nguyễn Kim Thạch tìm thấy tại Bưu điện Sài Gòn một quyển niên giám về các nhà sản xuất và kinh doanh bên Pháp, trong đó có địa chỉ của hãng Lindustrie du Boyau - nơi sản xuất các loại dây đờn mang nhãn hiệu Argentine. Do có vốn Pháp ngữ vững vàng và có thời gian làm thư ký cho một hãng buôn của Pháp nên Nguyễn Kim Thạch có được kinh nghiệm về các thủ tục nhập cảng.

ong chu tiem tap hoa vu lai tu thu ky hang buon den trieu phu day don sai gon xua
Khách đến thay dây đờn. Ảnh: Q.H

Thế là Nguyễn Kim Thạch viết thư liên hệ với hãng Lindustrie du Boyau và đề nghị được đặt dây đờn các loại theo yêu cầu riêng cho từng loại dây. Đề nghị này đã được nhà sản xuất chấp thuận và hai bên mau chóng thiết lập các thủ tục mua bán.

Chẳng bao lâu sau Nguyễn Kim Thạch đã biến cửa hàng tạp hóa Vũ Lai thành một hiệu buôn sỉ dây đờn, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Để mở rộng kinh doanh, Nguyễn Kim Thạch mở thêm hiệu buôn thứ hai tại số 19 đường Frostin (nay là đường Bà Lê Chân, quận 1), vừa là hiệu buôn dây đờn, vừa là hiệu sách, lấy tên là Nhà sách Kim Thạch.

Từ đó nghiễm nhiên những nơi bán lẻ dây đờn trong đô thành Sài Gòn và sau đó là Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... đều trở thành chi nhánh tiêu thụ dây đờn của Nhà sách Kim Thạch, do chẳng có nơi nào tiện lợi hơn trong việc mua bán như nơi này, vì khách hàng có thể đặt hàng tùy theo ý muốn. Chẳng bao lâu sau, thành phố Vientiane của Lào và Phnom Penh của Campuchia cũng gia nhập vào hệ thống bán dây đờn do Nhà sách Kim Thạch nhập cảng.

Công việc làm ăn của Nguyễn Kim Thạch phát đạt một cách không ngờ, doanh số và lợi nhuận tăng nhanh, đến nỗi hãng sản xuất dây đờn Lindustrie du Boyau của Pháp đã cử đại diện đến Sài Gòn để thương lượng giao cho Nguyễn Kim Thạch làm đại lý độc quyền dây đờn Argentine trên toàn cõi Đông Dương.

Trong mấy năm liên tiếp, dây đờn tiêu thụ tại Đông Dương vượt cả mức sản xuất của Lindustrie du Boyau, khiến hãng này phải đặt hàng thêm từ những hãng sản xuất dây đờn khác cùng chất lượng, rồi cho mang nhãn Argentine để giao đủ theo hợp đồng với Nguyễn Kim Thạch.

Vì nhu cầu phát triển, Nguyễn Kim Thạch mở thêm chi nhánh và nhà kho tại số 64D, đường Địa Hạt 15, Bà Chiểu, Gia Định (nay là 70 Lê Quang Định, quận Bình Thạnh). Mặc dù việc kinh doanh phát đạt nhưng anh thanh niên Nguyễn Kim Thạch vẫn tự mình làm mọi việc, từ đặt hàng, viết văn thư, đánh máy, mở tín dụng nhập cảng, khai quan thuế lãnh hàng, giao hàng và làm kế toán... Do đó, chi phí được giảm đến mức tối thiểu.

Năm 1953, Pháp thay đổi hối suất đồng quan (franc), một số nhà nhập cảng phát tài bất ngờ. Hàng hóa đặt mua của Pháp đã có hóa đơn, hàng hóa trên đường vận chuyển và hàng hóa tồn kho đều tăng giá trị gần gấp đôi, càng làm cho nhà buôn dây đờn Nguyễn Kim Thạch trở nên phát đạt.

Theo thời gian, nhu cầu sử dụng dây đờn ít đi, nhất là khi radio và máy hát bán rộng rải với giá cả mà giới bình dân cũng có thể mua được. Tuy nhiên, nhìn lại tư duy kinh doanh của anh thanh niên Nguyễn Kim Thạch, thì có thể xem là một trường hợp khởi nghiệp độc đáo và thành công ngoạn mục.

Ngoài việc kinh doanh dây đờn, Nguyễn Kim Thạch còn đóng góp rất đáng kể trong việc xuất bản những nhạc phẩm nổi tiếng đương thời của hầu hết các nhạc sĩ trong Nam ngoài Bắc bằng các bản in giấy. Nhiều bản nhạc có số lượng in đến cả trăm ngàn bản.

Có lẽ lịch sử âm nhạc Việt Nam cần ghi nhận sự đóng góp của Nguyễn Kim Thạch trong việc phổ biến các tác phẩm của nền tân nhạc nước nhà.