Ông chủ thực sự đứng sau công ty mẹ TikTok
Ngày 12/3, TikTok đã gửi thông báo tới người dùng Mỹ kêu gọi phản đối dự luật cấm ứng dụng này của Hạ viện Mỹ. Đến ngày 13/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật này, trong bối cảnh lo ngại rằng TikTok có thể được sử dụng để giám sát và thao túng người Mỹ.
TikTok có 170 triệu người dùng tại Mỹ và động thái cứng rắn của quan chức Mỹ thể hiện mối lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây, đặc biệt là trong năm bầu cử. Nếu lệnh cấm có hiệu lực, điều này có thể gây ra nhiều bất lợi đối với một trong những công ty internet thành công nhất Trung Quốc.
Nhiều nhà lập pháp Mỹ cho rằng TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia. Họ đưa ra nghi ngờ Trung Quốc có thể yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ, mặc dù nền tảng đã nhiều lần tuyên bố chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra những yêu cầu như vậy và TikTok sẽ không tuân thủ nếu chúng được đưa ra.
Trong quá khứ, TikTok nhiều lần tái khẳng định nền tảng không bị Trung Quốc hay bất kỳ tổ chức nào chi phối.
“Hãy để tôi nói rõ điều này: ByteDance không phải là chi nhánh của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác,” CEO TikTok, ôngShou Zi Chew, nói trong phiên điều trần vào tháng 3 năm ngoái trước Hạ viện Mỹ.
Theo Wall Street Journal, một thông cáo phát hành vào tháng 5/2023 của TikTok cho biết khoảng 60% cổ phần ByteDance huộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu như Carlyle Group, General Atlantic, BlackRock, Susquehanna International Group và Sequoia.
Còn lại, khoảng 20% thuộc sở hữu của nhân viên ByteDance trên toàn thế giới và 20% thuộc sở hữu của những người sáng lập.
Theo Bloomberg, tỷ phú người Mỹ - Jeff Yass, chủ sở hữu của Susquehanna là một trong những người đầu tiên đầu tư vào công ty. Thông qua SIG China, công ty đầu tư mạo hiểm được Yass thành lập năm 2005, ông đã sở hữu khoảng 15% cổ phần ByteDance.
CNBC đưa tin rằng số cổ phần cá nhân của Yass tại công ty mẹ TikTok là 7%.
ByteDance được thành lập vào năm 2012 trong một căn hộ 4 phòng ngủ ở phía bắc Bắc Kinh. Khi đó, người sáng lập Zhang Yiming là một kỹ sư phần mềm 29 tuổi. Ông mang theo tầm nhìn sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ máy học để phân tích và quản lý nội dung theo sở thích của người dùng.
Zhang được mô tả là người có giọng nói nhẹ nhàng, lớn lên ở thành phố Long Nham, thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông học ngành kỹ thuật phần mềm tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân.
Sau khi tốt nghiệp, Zhang làm việc trên công cụ tìm kiếm vé máy bay cũng như nền tảng blog trước khi gia nhập Microsoft. Ông rời đi sau nửa năm. Trước khi thành lập ByteDance, ông đã thử khởi nghiệp với một nền tảng bất động sản. Zhang Yiming không che giấu tham vọng đưa ByteDance trở thành một ty toàn cầu như Google.
ByteDance được mệnh danh là “nhà máy ứng dụng” do hệ sinh thái ứng dụng mà họ đã cho ra mắt trong nhiều năm qua. Một trong những sản phẩm sớm nhất và phổ biến nhất của ByteDance là công cụ tổng hợp tin tức được hỗ trợ bởi AI, Jinri Toutiao. Nền tảng này phần lớn được sử dụng ở Trung Quốc.
Năm 2016, công ty ra mắt ứng dụng video ngắn Douyin - phiên bản Trung Quốc của TikTok. Một năm sau đó, công ty đã ra mắt phiên bản quốc tế là TikTok.
TikTok được nhiều người coi là ứng dụng Trung Quốc đầu tiên vươn ra toàn cầu. Năm ngoái, ByteDance được định giá 268 tỷ USD và được xem là một trong những công ty internet thành công nhất của Trung Quốc.
Tại Mỹ, để chống lại những lo ngại về dữ liệu người dùng, ByteDance đã đưa ra sáng kiến "Dự án Texas" với một công ty con hoạt động tại Mỹ đảm nhiệm việc quản lý và giám sát dữ liệu người dùng Mỹ. TikTok cho biết công ty con có tên TikTok US Data Security sẽ báo cáo với một hội đồng độc lập chứ không phải với lãnh đạo của TikTok hay ByteDance.
Dữ liệu của người dùng Mỹ sẽ được lưu trữ bởi công ty công nghệ Oracle có trụ sở tại Austin. Tuy vậy, chính phủ Mỹ vẫn chưa chấp thuận sáng kiến này.
Hiện TikTok vẫn còn cơ hội để giải quyết cứu lấy mình. Dù được ủng hộ ở Hạ viện, nhưng số phận của dự luật này ở Thượng viện vẫn chưa rõ ràng.
Tại phiên điều trần của ủy ban Hạ viện năm ngoái, CEO TikTok, Shou Zi Chew khẳng định rằng việc buộc ByteDance thoái vốn cổ phần sở hữu trong ứng dụng sẽ không thay đổi cách thức hoạt động của TikTok.
Theo tạp chí Variety, lệnh cấm TikTok của Mỹ sẽ làm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung. Các quan chức Trung Quốc cho biết chính phủ sẽ kiên quyết phản đối bất kỳ hành động ép bán TikTok nào.
Trung Quốc cho rằng điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng niềm tin của các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Trung Quốc, vào Mỹ.
Một đại diện của TikTok nêu quan điểm: "Dự luật thông qua ở Hạ viện không có bằng chứng. Chúng tôi hy vọng rằng Thượng viện sẽ xem xét thực tế, lắng nghe cử tri của họ và nhận ra tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là 7 triệu doanh nghiệp nhỏ và 170 triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ của chúng tôi".
Trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Wang Wenbin đã gọi hành động lập pháp này là “hành vi bắt nạt" và gây tổn hại đến trật tự kinh tế và thương mại quốc tế thông thường.