|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ Tencent lấy lại vị trí giàu nhất Trung Quốc nhờ Black Myth: Wukong

06:57 | 17/09/2024
Chia sẻ
Tỷ phú Pony Ma, nhà đồng sáng lập Tencent Holdings Ltd., vừa trở lại vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc, trở thành tỷ phú công nghệ mới nhất đạt được danh hiệu này, theo Bloomberg.

Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, vào lúc 14h23 phút (giờ địa phương), khối tài sản của Pony Ma ước tính đạt 43,9 tỷ USD, vượt qua tỷ phú nước đóng chai Zhong Shanshan để trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Ông Zhong Shanshan đã tụt xuống vị trí thứ ba, trong khi Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance - công ty mẹ của TikTok, đứng ở vị trí thứ hai.

Sự gia tăng tài sản của Pony Ma diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của Tencent tăng trưởng mạnh mẽ, vượt qua các đối thủ cùng quy mô nhờ sự phục hồi của ngành công nghiệp trò chơi tại Trung Quốc - thị trường di động lớn nhất thế giới.

Các tựa game đình đám như DnF Mobile và Black Myth: Wukong mà Tencent đã hậu thuẫn, cùng với các cam kết hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh, đã giúp cổ phiếu của Tencent tăng lên mức cao nhất kể từ thời điểm đỉnh cao của các công ty internet trong đại dịch COVID-19.

 Tỷ phủ Pony Ma. (Ảnh: Forbes).

Tỷ phú Pony Ma luôn kín tiếng trước truyền thông. Sinh ra tại tỉnh Quảng Đông, ông học ngành khoa học máy tính tại Đại học Thâm Quyến và từng là lập trình viên phần mềm trước khi đồng sáng lập Tencent cùng 4 người khác.

Ông Pony Ma thành lập Tencent vào năm 1998 với số vốn 500.000 nhân dân tệ (tương đương 70.450 USD) từ một dự án kinh doanh trước đó. Tại thời điểm đó, số tiền này tương đương với mức lương trung bình trong 62 năm của người lao động Trung Quốc.

Tencent, nhà phát hành game lớn nhất thế giới, đã phát triển mạnh mẽ trong những năm trước khi Trung Quốc bắt đầu thắt chặt quản lý các công ty công nghệ. Ở thời kỳ đỉnh cao, Tencent từng là công ty có giá trị lớn thứ 5 thế giới. Công ty này cũng đã đầu tư vào Tesla Inc., Reddit Inc., Snap Inc., Spotify Technology SA và nhiều thương hiệu giải trí toàn cầu khác.

Khi các công ty công nghệ Trung Quốc bị chính quyền giám sát, Tencent đã giảm quy mô bằng cách thoái vốn hoặc bán cổ phần trong các mảng thương mại điện tử và trò chơi. Chính phủ cũng yêu cầu công ty tái cấu trúc mảng kinh doanh tài chính.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, Bắc Kinh đã phát đi những tín hiệu nới lỏng quản lý, một phần do nhu cầu khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phục hồi nền kinh tế.

Năm ngoái, họ kết thúc cuộc điều tra đối với Ant Group và ngành fintech sau khi áp dụng các mức phạt hơn 1 tỷ USD. Mặc dù tài sản của Ma vẫn giảm khoảng 40% so với đỉnh cao vào tháng 1/2021, nhưng ông đã là người thứ ba giữ danh hiệu giàu nhất Trung Quốc từ tháng 7.

Những đợt bán tháo kỷ lục đã xóa sổ hàng tỷ USD khỏi tài sản của những người giàu nhất Trung Quốc và làm lộ rõ lo ngại ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất châu Á.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thành Vũ