Ông chủ SoftBank tuyên bố sắp nghỉ hưu, nhà đầu tư lo 'rắn mất đầu'
Tỷ phú Masayoshi Son - Ảnh: Bloomberg. |
The Bloomberg, dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Son sẽ rút khỏi vị trí giám đốc điều hành (CEO) của SoftBank trong thời gian gần, tuyên bố nghỉ hưu trong độ tuổi 60 của ông gây chú ý khi SoftBank vừa chào bán trái phiếu đồng Yên kỳ hạn 6 năm hồi đầu tháng.
Nhiều nhà đầu tư trái phiếu thời điểm đó bày tỏ quan ngại về việc tỷ phú này sẵn sàng chấp nhận những khoản nợ khổng lồ để tài trợ cho các thương vụ đầu tư, thâu tóm. Giờ đây họ càng lo lắng hơn về việc rốt cục khi ông về hưu thì người kế nhiệm sẽ làm thế nào để quản lý danh mục đầu tư khổng lồ đó.
Vào tháng 2 vừa rồi, Son một lần nữa nói về kế hoạch nghỉ hưu của mình, dù ông nói thêm rằng sẽ vẫn tham gia vào công ty trong suốt phần đời còn lại. Các kế hoạch kế nhiệm cho tỷ phú 60 tuổi này chỉ là một phần trong nỗi lo của các nhà đầu tư tổ chức tại Nhật. Việc SoftBank với quỹ đầu tư 93 tỷ USD Vision Fund đã sở hữu danh mục đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới cũng làm dấy lên quan ngại về chiến lược trọng tâm của tập đoàn này.
"Son đã đưa SoftBank đi đến ngày hôm nay dựa trên những đánh giá xuất sắc và sự cân bằng giữa các khoản đầu tư", Takahiro Oashi, quản lý quỹ cấp cao của Asahi Life Asset Management, cho biết. "Công ty này có thể vấp ngã nếu không có sự dẫn dắt của ông ấy".
Nợ ròng của SoftBank đã tăng hơn 6 lần lên 13,7 nghìn tỷ Yên (125 tỷ USD) trong vòng 5 năm qua, theo dữ liệu của Bloomberg. Đầu tháng 6, công ty này đã bán ra 410 tỷ Yên trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân và 40 tỷ Yên khác cho các nhà đầu tư tổ chức.
Hơn 90% trái phiếu bằng đồng Yên đang lưu hành của SoftBank - tương đương 3,36 nghìn tỷ Yên, là loại bán lẻ nhắm tới các nhà đầu tư cá nhân, bao gồm 400 tỷ Yên đáo hạn vào 20/6 tới. Son thường nói rằng khối nợ thật sự của SoftBank là không đáng kể so với lợi nhuận khổng lồ từ các khoản đầu tư, bao gồm vào tập đoàn Alibaba của Trung Quốc. Theo thông tin trên website của SoftBank, số lợi nhuận này tổng cộng đạt 17,9 nghìn tỷ Yên tính đến ngày 14/6.
"Không ai biết được liệu công ty này sẽ tiếp tục hay sẽ chuyển sang một hướng hoàn toàn khác khi Son nghỉ hưu", Katsuyuki Tokushima, nhà phân tích đầu tư trưởng của Viện nghiên cứu NLI nói.
2 năm trước, Nikesh Arora - được xem là người thừa kế rõ ràng của công ty, đột ngột rời SoftBank sau Son quyết định tiếp tục giữ vị trí CEO. Trong một thông cáo, Son cho biết ông muốn thực hiện "những ý tưởng điên rồ hơn nữa" và cần phải tiếp tục vị trí CEO trong ít nhất 5 - 10 năm nữa để làm điều đó.
Năm ngoái, Son thành lập Vision Fund - quỹ đầu tư trị giá gần 100 tỷ USD với các khoản rót vốn từ các quỹ từ Saudi Arabia hay công ty như Apple. Ngày 1/6, SoftBank công bố bổ nhiệm 3 phó chủ tịch, gồm giám đốc hoạt động (COO) Marcelo Claure, CEO của Vision Fund Rajeev Misra, và Giám đốc chiến lược Katsunori Sago, làm dấy lên những đồn đoán về kế hoạch kế nhiệm cho ông Son, dù quyết định này đang chờ được hội đồng cổ đông chấp thuận.
Theo nhà chiến lược cấp cao Amir Anvarzadeh của Asymmetric Advisors (Singapore), hội đồng quản trị của SoftBank hiện đã có những quản lý hàng đầu Nhật Bản như người sáng lập Fast Retailing Co. - Tadashi Yanai.
"Công ty sẽ phải hợp nhất và tìm một quản lý đầu tư có thể tiếp quản danh mục đầu tư mạo hiểm hiện tại", Anvarzadeh nói. "SoftBank sẽ phải được vận hành một cách thận trọng hơn rất nhiều".