|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông chủ Nhật Cường buôn hàng lậu gần 3.000 tỷ qua sân bay, đường bộ, đường biển như thế nào?

10:47 | 14/01/2021
Chia sẻ
Số hàng lậu trị giá gần 3.000 tỷ đồng được ông chủ Nhật Cường - Bùi Quang Huy cùng các đồng phạm vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam qua đường biển, đường bộ và đường hàng không, thu lời bất chính hơn 220 tỷ đồng.

Chi hơn 72 tỷ đồng thuê 9 đường dây vận chuyển hàng lậu

Theo kết luận điều tra vụ án "buôn lậu", "rửa tiền" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), giai đoạn 2014 - 2019, Tổng giám đốc công ty Nhật Cường - Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống nhân sự của công ty để mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng trị giá 2.927 tỷ đồng. 

Số hàng công nghệ trên được nhập từ 16 chủ hàng nước ngoài có địa chỉ tại Mỹ, UAE, Singapore, Hong Kong....

Sau khi mua hàng, bị can Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi hơn 72 tỷ đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển hàng lậu.

Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ hơn 254.000 sản phẩm, thu được số tiền là hơn 3.200 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 221 tỷ đồng (đã trừ tiền mua hàng, tiền cước phí vận chuyển). Còn lại 947 sản phẩm chưa tiêu thụ được, trị giá mua là hơn 7 tỷ đồng.

Ông chủ Nhật Cường buôn hàng lậu gần 3.000 tỷ qua sân bay, đường bộ, đường biển như thế nào? - Ảnh 1.

Bị can Bùi Quốc Việt (trái) là anh trai của Bùi Quang Huy (phải). (Ảnh: Bộ Công an)

Cơ quan điều tra xác định nhóm được thuê tiếp nhận hàng của nhà cung cấp tại Hong Kong - Trung Quốc, tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, đường biển qua Cảng Hải Phòng, đường bộ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Lạng Sơn và TP Móng Cái (Quảng Ninh).

Cụ thể, để đưa hàng lậu qua sân bay Nội Bài, ông chủ Nhật Cường thuê 3 đường dây do bị can Nguyễn Bảo Trung, Đoàn Mạnh Phong và người tên Yến (chưa rõ lai lịch) cầm đầu.

Từ tháng 1/2016 đến tháng 11/2017, đường dây của bị can Nguyễn Bảo Trung dùng lập khống hồ sơ hải quan, vận chuyển trót lọt hơn 40.000 sản phẩm (trị giá gần 550 tỷ đồng) từ Hong Kong về Việt Nam qua sân bay Nội Bài. 

Bị can Bùi Quang Huy và đồng phạm sau đó thanh toán cho bị can Trung gần 14 tỷ phí vận chuyển.

Từ cuối năm 2017 đến tháng 9/2018, đường dây do bị can Yến cầm đầu tiếp nhận gần 17.000 loại hàng hóa (trị giá hơn 307 tỷ) của nhà cung cấp tại Hong Kong để gửi về Việt Nam theo đường hàng không.

Khi hàng về đến sân bay Nội Bài, nhóm của bị can Đoàn Mạnh Phong dùng thủ đoạn lập công ty "ma" để lấy pháp nhân khai báo hải quan bằng mặt hàng khác. Sau đó, nhóm này mở tờ khai hải quan để nhận hàng lậu từ sân bay đưa về trung tâm Hà Nội giao cho Huy và đồng phạm. 

Sau khi nhận hàng, bị can Huy trả phí vận chuyển cho 2 đường dây này với số tiền hơn 7,9 tỷ đồng.

Với đường bộ, bị can Huy và đồng phạm thuê 4 đường dây chuyển hàng theo 2 tuyến: Hong Kong - Đông Hưng, Quảng Châu, Trung Quốc - TP Móng Cái, Quảng Ninh - Hà Nội và Hong Kong - Bằng Tường, Quảng Châu, Trung Quốc - Lạng Sơn - Hà Nội.

Trên đường biển, bị can Huy thuê Đỗ Văn Hùng vận chuyển hàng qua Cảng Hải Phòng. Từ năm 2016 đến tháng 5/2019, Đỗ Văn Hùng và đồng phạm đã vận chuyển trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam 375 đơn hàng, với hơn 52.000 sản phẩm, tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi hơn 37 tỷ đồng.

Lập hai hệ thống sổ sách, trốn thuế gần 30 tỷ đồng

Ông chủ Nhật Cường buôn hàng lậu gần 3.000 tỷ qua sân bay, đường bộ, đường biển như thế nào? - Ảnh 2.

Một cửa hàng của Công ty Nhật Cường thời điểm cơ quan công an khám xét hồi giữa năm 2019. (Ảnh: TTXVN).

Cơ quan điều tra cho biết, hàng lậu sau khi lọt vào Việt Nam được bị can Bùi Quang Huy và nhân viên tiếp nhận, tập kết tại kho hàng của Công ty Nhật Cường ở số 39 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Để "qua mặt" cơ quan chức năng, bị can Bùi Quang Huy còn lập hai hệ thống sổ sách kế toán để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường.

Hai bị can Nguyễn Thị Bích Hằng (kế toán trưởng) và Nguyễn Bảo Ngọc (giám đốc tài chính) theo chỉ đạo của bị can Huy, đã ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty tại hai hệ thống sổ sách trên phần mềm ERP và MISA. 

Trong đó, phần mềm ERP để theo dõi nội bộ ghi chép nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư cho các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập... Các số liệu này không được ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

Cơ quan điều tra xác định hành vi trên của bị can Bùi Quang Huy và đồng phạm, chỉ tính riêng phần nghĩa vụ nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh đã gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại tài sản nhà nước) là gần 30 tỷ đồng. 

Ngoài ra, hành vi lập hai hệ thống sổ sách kế toán còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền...), tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Các bị can Bùi Quang Huy, Đoàn Mạnh Phong và 5 người khác đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Trong số các bị can, ông chủ Nhật Cương - Bùi Quang Huy là người duy nhất bị khởi tố về tội Rửa tiền. Song, người này đang bị truy nã quốc tế nên ngày 7/1, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ bị can, khi bắt được bị can Huy sẽ xử lý sau.

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.