|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông chủ mua cảng Quy Nhơn giá bèo là ai?

08:11 | 25/01/2018
Chia sẻ
Sau khi mua cảng Quy Nhơn, Công ty Hợp Thành không đầu tư, nâng cấp khiến cảng biển này có nguy cơ bị bỏ mặc như các dự án khác của doanh nghiệp này
ong chu mua cang quy nhon gia beo la ai Phải mua lại cảng Quy Nhơn
ong chu mua cang quy nhon gia beo la ai Bình Định tha thiết muốn cảng Quy Nhơn là cảng của Nhà nước
ong chu mua cang quy nhon gia beo la ai Số phận lận đận Cảng Quy Nhơn sau cổ phần hoá

Trong một số bài báo trước đây, Báo Người Lao Động có đề cập nhà đầu tư chiến lược được chỉ định mua lại 86,23% vốn điều lệ Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP; gọi chung "cảng Quy Nhơn") là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (trụ sở TP Hà Nội). Câu hỏi đặt ra là vì sao doanh nghiệp (DN) này được ưu ái đến vậy?

Ưu ái chỉ định

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Hợp Thành, có trụ sở tỉnh Thái Bình, hoạt động trên các lĩnh vực khai khoáng, luyện thép, bất động sản, xây lắp..., do ông Lê Hồng Thái (SN 1974, quê tỉnh Thái Bình) thành lập vào năm 2002. Đến năm 2007, Công ty TNHH Hợp Thành được đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (sau đây gọi tắt là Công ty Hợp Thành).

Cuối tháng 9-2010, ông Trịnh Xuân Thanh, lúc đó là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC), ký tờ trình bầu bổ sung ông Lê Hồng Thái làm Ủy viên HĐQT của PVC. Ông Thái là đại diện do nhóm cổ đông Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và Công ty CP Chứng khoán Thăng Long đề cử. Trước đó, ông Lê Hồng Thái đã có 2 năm làm Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico - đơn vị thành viên của PVC.

Đến tháng 9-2013, sau khi xác định Công ty Hợp Thành là "nhà đầu tư chiến lược", QNP đã bán cho DN này 4,04 triệu CP với mức giá 12.792 đồng/CP, tương đương 10% vốn điều lệ.

Theo Đề án tái cấu trúc QNP của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - đơn vị quản lý QNP) giai đoạn 2012-2015 và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, QNP nắm giữ 75% vốn điều lệ (Vinalines đại diện phần vốn). Thế nhưng, tháng 6-2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu CP, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu QNP cho Công ty Hợp Thành. Chỉ 3 tháng sau, tháng 9-2015, Vinalines tiếp tục bán cho Công ty Hợp Thành toàn bộ phần vốn còn lại trong QNP là 19,8 triệu CP, tỉ lệ sở hữu 49%, giúp DN này tăng tỉ lệ nắm giữ QNP lên 86,23% vốn điều lệ, với số tiền mua CP khoảng 440 tỉ đồng.

Trong thương vụ bán cảng Quy Nhơn với giá thấp gấp nhiều lần so với tài sản của cảng này, ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015, là người ký văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thoái hết phần vốn của nhà nước tại QNP vào ngày 13-7-2015 nhưng không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định. "Tôi ký văn bản đề nghị bán phần vốn nhà nước để có nguồn đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn, tránh ùn tắc. Tôi đâu ngờ sau khi mua CP xong, Công ty Hợp Thành lại không có tiền đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng" - ông Thiện nói sau khi sự việc đã rồi.

ong chu mua cang quy nhon gia beo la ai

Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có nhiều bất thường Ảnh: ANH TÚ

Năng lực tài chính "có vấn đề"

Trước khi được xác định là "nhà đầu tư chiến lược" để chỉ định mua CP tại QNP, Công ty Hợp Thành chưa một ngày kinh doanh trên lĩnh vực cảng biển. Chỉ sau khi có chủ trương cổ phần hóa QNP, vào tháng 5-2013, Công ty Hợp Thành mới đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh này.

Bên cạnh đó, theo phương án cổ phần hóa QNP, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết không chuyển nhượng số CP được mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Dù vậy, cuối năm 2016, Công ty Hợp Thành đã bán ra hơn 3,3 triệu CP, giảm tỉ lệ sở hữu tại QNP còn 78,03%, tương ứng hơn 31,53 triệu CP.

Đến giữa năm 2017, sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa tại QNP, ông Lê Hồng Thái nhanh chóng chuyển nhượng 45% vốn điều lệ của mình tại Công ty Hợp Thành cho người đại diện pháp luật của công ty là bà Trần Thị Quỳnh Yên, tổng giám đốc. Bà Yên hiện là thành viên HĐQT của QNP. Phần vốn của vợ và con ông Thái (lần lượt là 36% và 19%) vẫn giữ nguyên.

Đáng chú ý là thời điểm thâu tóm QNP cũng là lúc có thông tin Công ty Hợp Thành phát triển mạnh với tổng tài sản 2.733,6 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 460 tỉ đồng, nắm trong tay hàng loạt công ty con, như Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hóa cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty Sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty CP Khoáng sản Miền Trung...

Tuy nhiên, đến năm 2017, hàng loạt công ty trên gặp "đại hạn", làm dấy lên hoài nghi về năng lực tài chính của Công ty Hợp Thành. Cụ thể, 2 dự án nhà máy sản xuất than cốc (vốn 1.400 tỉ đồng) và nhà máy sản xuất khí công nghiệp ôxy, nitơ (200 tỉ đồng) tại KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh) do Công ty Hóa cốc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, đã bị thu hồi. Dự án khai thác và chế biến quặng sắt tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi của Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 320 tỉ đồng bị "trùm mền" từ sau khi được cấp phép vào năm 2009 đến nay.

Còn dự án tuyển quặng sắt của Công ty CP Khoáng sản Miền Trung (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) có công suất 400.000 tấn/năm, vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng, đã bị "đắp chiếu" sau khi đi vào hoạt động vào năm 2012. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho biết đơn vị này vừa ra thông báo xiết nợ Công ty Khoáng sản Miền Trung do không trả nợ từ 3 năm qua, với nợ vốn và lãi lên 230 tỉ đồng.

Dừng hồ sơ niêm yết cổ phiếu QNP

Ngày 24-1, Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP HCM ra thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của QNP. Nguyên nhân là do đến ngày 29-12-2017, Sở GDCK TP HCM vẫn không nhận được hồ sơ chỉnh sửa bổ sung của QNP theo yêu cầu. Theo đơn vị này, từ cuối năm 2016, QNP đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu toàn bộ hơn 40,4 triệu cổ phiếu tại Sở GDCK TP HCM. Từ đó đến nay, QNP có khá nhiều biến động về nhân sự, chủ sở hữu vốn nhưng không điều chỉnh, bổ sung.

Nhóm Phóng viên

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.