|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ đứng sau Giao hàng tiết kiệm

16:19 | 30/01/2024
Chia sẻ
Có giai đoạn lợi nhuận Giao hàng tiết kiệm thậm chí cao hơn cả Vietnam Post và Viettel Post.

Mới đây, Giao hàng tiết kiệm là cái tên gây chú ý trong lĩnh vực giao vận khi nhiều đơn vị kinh doanh online phản ánh nền tảng này đột ngột thông báo dừng nhận đơn hàng mới, đặc biệt trong dịp cao điểm mua sắm cuối năm. 

Một số hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các kho hàng của Giao hàng tiết kiệm không hoạt động, đội xe không tải trong bãi và hàng hoá chất cao. 

Trả lời chúng tôi ngày 30/1, phía Giao hàng tiết kiệm khẳng định không xảy ra đình công như những đồn đoán. Lượng hàng từ các sàn thương mại điện tử dịp cuối năm đổ về tăng cao đột biến nên Giao hàng tiết kiệm "buộc phải tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực cục bộ nhằm đảm bảo chất lượng vận hành".

Công ty cam kết "ngay trong tuần này sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy năng suất xử lý đơn hàng để nhận thêm đơn, kịp thời chuyển hàng Tết cho các chủ shop bán hàng".

Tuy nhiên theo quan sát, đến thời điểm hiện tại trên các nhóm bán hàng online, người bán nhiều nơi phản ánh vẫn chưa thể tiếp tục sử dụng dịch vụ của Giao hàng tiết kiệm. Nhiều đơn hàng bị "mắc kẹt" trong các kho tổng và chưa được vận chuyển đến tay người mua.

Trước khi xảy ra ồn ào, ít ai biết được có giai đoạn lợi nhuận Giao hàng tiết kiệm thậm chí cao hơn cả Vietnam Post và Viettel Post.

Theo dữ liệu từ Vietdata, năm 2020 Giao hàng tiết kiệm đạt doanh thu 7.240 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2019. Đáng chú ý, từ năm 2019, lợi nhuận của Giao hàng tiết kiệm đã đạt mức cao hơn cả Vietnam Post và Viettel Post. Lãi sau thuế năm 2020 của Giao hàng tiết kiệm đạt 520 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5% với năm trước. 

 

 

 

 

Cùng năm, Vietnam Post đứng đầu với tổng doanh thu đạt được 24.109 tỷ đồng, giảm nhẹ 2.5% so với kết quả năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn duy trì đà tăng với mức tăng nhẹ 1.95% đạt 378 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu của Viettel Post năm 2020 có bước tăng đột biến 121% so với năm 2019 đạt 17.234 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ nhỉnh hơn trước đó gần 1% đạt 383 tỷ đồng do chi phí giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu.

Theo lý giải, nguyên nhân dẫn tới việc mặc dù có doanh thu chưa quá cao song lợi nhuận của Giao hàng tiết kiệm lại ở mức top đến từ việc lãi gộp cao.

Cụ thể, năm 2020, tỷ suất lãi gộp của Giao hàng tiết kiệm lên tới 17%, trong khi con số tương tự của Vietnam Post và Viettel Post lần lượt chỉ là 7,6% và 9,7%. Tới năm 2021, Giao hàng tiết kiệm cũng đạt mức doanh thu thuần 6.875 tỷ đồng với lãi sau thuế hơn 300 tỷ đồng.

 

 

 

Ai đứng sau Giao hàng tiết kiệm?

 

Năm 2013, Giao hàng tiết kiệm được thành lập bởi cựu sinh viên trường Đại học Thuỷ Lợi Hà Nội, Phạm Hồng Quân. Ông Quân sinh năm 1987, từng làm chuyên viên xây dựng sản phẩm cho Zamba, dự án sàn thương mại điện tử "sớm nở chóng tàn" của VCCorp.

Trong thời gian tham gia lĩnh vực thương mại điện tử, ông Quân nhận thấy dịch vụ chuyển phát thời điểm đó không được tốt. Từ thực trạng này, ông đã nảy ra ý định lập công ty giao nhận với chất lượng tốt hơn.

Ở tuổi 26, Phạm Hồng Quân bắt đầu startup giao vận của mình. Thời gian đầu, ông tham gia vào tất cả mắt xích của hoạt động giao nhận. Chia sẻ trên tạp chí Forbes Việt Nam, Phạm Hồng Quân cho biết trong hơn một năm đầu ở Giao hàng tiết kiệm, ông khá bận rộn. Sáng ngồi họp với Giám đốc Công nghệ, chiều lại làm shipper giao hàng.

 Ông Phạm Hồng Quân, nhà sáng lập Giao hàng tiết kiệm. (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Thời điểm năm 2017, nhiều nguồn tin cho biết công ty mẹ của Garena và Shopee là Sea đã mua lại cổ phần của hai startup tiềm năng tại Việt Nam là Foody (nay đã được đổi tên thành ShopeeFood) và Giao hàng tiết kiệm.

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Quân phủ nhận thông tin này. Nhà sáng lập Giao hàng tiết kiệm cho biết nguồn đơn hàng từ Shopee chiếm tỷ trọng không đáng kể trong doanh thu của công ty. Ngoài ra, chính Shopee cũng có bộ phận giao nhận riêng là Shopee Express.

“Các cổ đông nước ngoài tại Giao hàng tiết kiệm dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng đóng vai trò đầu tư tài chính, Quân và các cộng sự là người giữ các quyết định vận hành công ty. Với Giao hàng tiết kiệm khách hàng nhỏ lẻ mới là khách hàng chủ yếu, với mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt và phải bán được giá. Giao hàng tiết kiệm không chấp nhận ép giá thật thấp hay chịu lỗ để lấy đơn”, ông Quân chia sẻ với Forbes Việt Nam.

"Hiện tại có nhiều hiểu lầm và Giao hàng tiết kiệm đang có sắp xếp về cổ phần trước IPO. Tuy nhiên, Giao hàng tiết kiệm sẽ là công ty của Việt Nam, do người Việt lãnh đạo và phát triển bằng công nghệ Việt. Cổ đông ngoại sẽ không giữ quá 49% cổ phần và chỉ có vai trò đối tác tài chính", ông Quân khẳng định vào thời điểm năm 2022.

Theo đăng ký doanh nghiệp năm 2017, ông Quân nắm hơn 16% cổ phần Giao hàng tiết kiệm. Cổ đông Nguyễn Nguyệt Minh nắm hơn 1% cổ phần. Trong khi hơn 78% cổ phần còn lại không được tiết lộ. Tới tháng 6/2020, cơ cấu cổ đông Giao hàng tiết kiệm thay đổi khi 42% cổ phần được một công ty Singapore nắm giữ.

Năm 2015, Giao hàng tiết kiệm mở rộng hoạt động tại TP HCM, năm 2017 công ty xây dựng hệ thống chuyển phát tại 63 tỉnh thành và hệ thống hoàn thành vào năm 2018. Số lượng đơn hàng của Giao hàng tiết kiệm từ đó tăng nhanh.

Tháng 4/2022, sau 9 năm hoạt động, Giao hàng tiết kiệm chính thức cán mốc thực hiện một tỷ đơn hàng luân chuyển qua hệ thống.

Hiện tại, Giao hàng tiết kiệm đã mở rộng mạng lưới tới 63 tỉnh thành phố của Việt Nam, phục vụ hơn 4,5 triệu nhà bán hàng trực tuyến. Giao hàng tiết kiệm có đội ngũ hơn 30.000 nhân viên, hơn 1.500 kho và đội xe tải là hơn 2.500 chiếc.

Thuỳ Trang