|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Biden khởi động chuyến công du nước ngoài đầu tiên kèm cảnh báo đến Nga

09:11 | 10/06/2021
Chia sẻ
Hôm 9/6, Tổng thống Biden bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu bằng việc khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh và cảnh báo Nga sẽ lãnh hậu quả nặng nề nếu tham gia vào các hoạt động gây hại.
Ông Biden khởi động chuyến công du nước ngoài đầu tiên với cảnh báo đến Nga - Ảnh 1.

Ông Biden phát biểu trước khoảng 1.000 quân nhân Mỹ và gia đình trước khi chuyên cơ cất cánh. (Ảnh: Reuters).

Theo kế hoạch, ông Biden sẽ tham gia nhiều hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), G7 và châu Âu. Tiếp đến ông sẽ gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thụy Sĩ.

Ông Biden nói với các phóng viên trước giờ khởi hành: "Chúng ta không muốn gây hấn với Nga. Chúng ta muốn một mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước… Nhưng tôi đã nói rõ: Mỹ sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ nếu chính phủ Nga tham gia vào các hoạt động có hại".

Ông Biden quyết tâm nối lại các liên kết xuyên Thái Bình Dương và định hình lại quan hệ của Mỹ với Nga sau 4 năm chính sách ngoại giao của Mỹ bị đảo lộn dưới thời ông Trump.

Ông Biden nhấn mạnh: "Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tôi với tư cách là tổng thống Mỹ. Tôi hướng đến G7, các bộ trưởng NATO và sau đó gặp ông Putin để nói ông ấy nghe những gì tôi muốn ông ấy biết".

"Tại mọi điểm dừng chân, chúng ta sẽ làm rõ rằng Mỹ đã quay trở lại và các nền dân chủ đang sát cánh cùng nhau để giải quyết những thách thức khó khăn nhất, những vấn đề quan trọng nhất của tương lai".

Mục tiêu của ông Biden là "củng cố liên minh, cho Putin và Trung Quốc thấy rõ rằng châu Âu và Mỹ rất khăng khít".

Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Putin ở Thụy Sĩ là trọng tâm của cả chuyến đi, là cơ hội để trực tiếp nêu mối quan ngại của Mỹ với tổng thống Nga về tấn công mạng, căng thẳng quân sự với Ukraine và một loạt vấn đề khác.

Ông Biden đến châu Âu với cử chỉ thiện chí. Theo nguồn tin của Reuters, vào ngày 10/6, ông Biden sẽ chính thức công bố rằng Mỹ sẽ mua và quyên góp 500 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech cho khoảng 100 nước trong hai năm tới.

Hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo châu Âu

Điểm đến đầu tiên của ông Biden là thị trấn Cornwall ở Anh, nơi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Dự kiến cuộc họp sẽ xoay quanh ngoại giao vắc xin, thương mại, khí hậu và sáng kiến tái thiết cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Quan chức Mỹ coi chương trình cơ sở hạ tầng là biện pháp để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ông Biden sẽ có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 10/6 tại Cornwall. Đây là cơ hội để nối lại "quan hệ đặc biệt" Mỹ-Anh sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU).

Hai ông Biden và Johnson cũng sẽ thảo luận về biến đổi khí hậu, đề xuất nhằm chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng và việc phương Tây rút quân khỏi Afghanistan.

Khi ông Biden gặp gỡ với các quan chức Đức, một trong những vấn đề quan trọng sẽ được đưa ra là đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) của Nga. Chính quyền Biden phản đối dự án đường ống khí đốt 11 tỷ USD này, nhưng phía Đức muốn nó được hoàn thành.

Sau ba ngày hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden và vợ sẽ đến thăm Nữ hoàng Elizabeth tại Lâu đài Windsor. Ông Biden từng gặp Nữ hoàng vào năm 1982 khi còn là thượng nghị sĩ bang Delaware, Mỹ.

Nga và Trung Quốc

Sau đó, ông Biden sẽ lên đường tới Bỉ để hội đàm với các lãnh đạo NATO và EU. Chương trình nghị sự chủ yếu sẽ xoay quanh Nga, Trung Quốc và yêu cầu các đồng minh NATO đóng góp nhiều hơn cho phòng thủ chung.

Thách thức lớn nhất của ông Biden có lẽ là cuộc gặp gỡ với ông Putin, người có mối quan hệ thân thiện với cựu tổng thống Trump.

Cuộc gặp giữa hai tổng thống Mỹ-Nga không được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá lớn.

Khi được các phóng viên hỏi liệu cuộc gặp với ông Putin có thể đạt được thỏa thuận về an ninh mạng hay không, ông Biden không hứa trước điều gì.

Giang