|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ôm nợ xấu, ngân hàng 'năn nỉ' giúp nhà máy thép hoạt động

08:50 | 31/08/2019
Chia sẻ
Việc hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc đóng tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng (Đà Nẵng) dừng sản xuất khiến hàng loạt ngân hàng dính nợ xấu trên 600 tỉ đồng.
Ôm nợ xấu, ngân hàng năn nỉ giúp nhà máy thép hoạt động - Ảnh 1.

Sau khi bị dừng hoạt động, giải pháp xử lý đối với 2 nhà máy th ép hiện vẫn chưa rõ ràng - Ảnh: Đ. CƯỜNG

Ngày 29-8, ông Huỳnh Văn Tân, chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Dana - Ý, cho biết đến nay mọi hoạt động của Nhà máy thép Dana - Ý vẫn tê liệt.

Theo ông Tân, từ sau khi bị chính quyền Đà Nẵng nhiều lần dừng hoạt động nhà máy, hiện số tiền nợ xấu các ngân hàng của công ty là hơn 600 tỉ đồng, thiệt hại khác trên 600 tỉ đồng, cổ phiếu bị Ủy ban Chứng khoán đưa vào diện cảnh báo, không có giao dịch mua bán.

Trước đó, Công ty CP thép Dana - Ý đã nộp đơn khởi kiện UBND TP Đà Nẵng đòi bồi thường thiệt hại gần 400 tỉ đồng. Theo đơn, người bị kiện là UBND TP Đà Nẵng và chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; trong đó Dana - Ý khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng vào ngày 28-8, đại diện một số ngân hàng "kêu trời" vì ôm nợ xấu liên quan hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý.

Theo đó, từ khi hai nhà máy thép này bị UBND TP Đà Nẵng đình chỉ hoạt động kéo theo các khoản nợ xấu tại các ngân hàng.

Ông Nguyễn Quang Việt, giám đốc chi nhánh Vietcombank Đà Nẵng, cho biết hiện 228 tỉ đồng mà đơn vị cho Nhà máy thép Dana - Úc vay vốn đã chuyển thành nợ xấu do doanh nghiệp dừng hoạt động, mất khả năng trả nợ.

Cùng tình trạng, đại diện Agribank và Ngân hàng Đầu tư phát triển Hải Vân lần lượt chịu các khoản nợ xấu 174 tỉ đồng và 218 tỉ đồng vì cho Nhà máy thép Dana - Ý vay.

Việc nợ xấu kéo dài khiến các ngân hàng gặp khó khăn về tài chính. Các ngân hàng đề nghị TP sớm có giải pháp xử lý đối với hai nhà máy thép, giúp họ khôi phục hoạt động để có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển Hải Vân, than thở: "Chúng tôi mong TP quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ Nhà máy thép Dana - Ý sớm khôi phục hoạt động để có nguồn thu trả nợ đã vay.

Hiện càng kéo dài không cho nhà máy hoạt động thì khoản nợ này càng khó đòi. Mà cứ nợ xấu như bây giờ, chúng tôi ngày càng áp lực, không có đường gỡ".

Nghiên cứu hỗ trợ lãi vay, di dời

Ông Hồ Kỳ Minh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành liên tục đối thoại, trao đổi thường xuyên với hai công ty thép để tìm hướng giải quyết.

Thống nhất cho phép di dời phân xưởng cán thép về các KCN; giao Sở Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hai nhà máy cho phù hợp với định hướng phát triển; đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP làm việc với các ngân hàng thương mại để xem xét khoanh nợ cho hai công ty, tiếp tục hỗ trợ việc di dời phân xưởng cán thép...

UBND TP đã giao Sở KH-ĐT, Sở Tài chính nghiên cứu trình HĐND TP hỗ trợ lãi suất trong việc di dời dự án này.

"Việc xử lý các tồn tại của hai nhà máy này được giải quyết theo đúng pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp" - ông Minh nói.

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN LỰC

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.