|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

OECD: Kinh tế toàn cầu vẫn mắc bẫy tăng trưởng trì trệ đến năm 2017

00:27 | 22/09/2016
Chia sẻ
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu với nhận định rằng, tăng trưởng thương mại chậm chạp cùng với những biến động mạnh trong lĩnh vực tài chính khiến kinh tế toàn cầu càng thêm trì trệ.

Trong báo cáo sơ bộ vừa công bố, OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn so với năm ngoái ở 2,9% trong năm 2016, trước khi dần tăng tốc trở lại 3,2% vào năm 2017. So với dự báo được OECD công bố hồi tháng 6/2016, hai con số này đều thấp hơn 0,1 điểm %.

Trong đó, dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2017 của cả Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đều bị hạ xuống. Kinh tế Mỹ giai đoạn 2016 – 2017 được dự báo lần lượt tăng trưởng 1,4% và 2,1%; kinh tế Eurozone trong cùng kỳ cũng được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 1,5% và 1,4%.

Ngược lại, kinh tế Nhật Bản có phần khả quan hơn khi OECD nâng dự báo tăng trưởng năm 2017 từ 0,4% lên 0,7%. Ngoài ra, tổ chức vẫn giữ nguyên dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – Trung Quốc, lần lượt là 6,5% trong năm 2016 và 6,2% trong năm tiếp theo.

Bảng tóm tắt thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2016 - 2017. (Ảnh: OECD)

Dự báo đợt này nhìn chung không thay đổi nhiều so với báo cáo triển vọng hồi tháng 6/2016, chủ yếu nhờ đà phục hồi của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là các nước xuất khẩu hàng hóa lớn, đã bù lại tình trạng tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể thoát khỏi bẫy tăng trưởng trì trệ khi đồn đoán xung quanh thực trạng yếu ớt của các nền kinh tế lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực thương mại, đầu tư, hoạt động sản xuất và lương bổng, OECD nhận định.

Trong đó, lĩnh vực thương mại toàn cầu suy yếu một phần do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa – dịch vụ giảm, một phần do những yếu tố liên quan đến cơ cấu kinh tế và tư duy thiếu mở cửa của thị trường quốc tế. OECD cho rằng, tăng trưởng thương mại nếu cứ tiếp tục trì trệ sẽ kéo năng suất sản xuất của kinh tế toàn cầu giảm mạnh trong vài năm tới.

Trong bối cảnh thị trường dồn tâm điểm vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), OECD khẳng định kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, từ chính sách lãi suất âm, tình trạng định giá cổ phiếu luôn ở mức cao dù tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm, cho đến thực trạng giá cả trên thị trường bất động sản tăng chóng mặt trong khi chất lượng và độ phủ tín dụng lại giảm xuống.

Chính sách tiền tệ của các nước đang trở thành gánh nặng và bóp méo thị trường tài chính toàn cầu. OECD cho rằng, chính phủ các nước, thay vì phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, nên cải cách chính sách tài khóa (như thuế và chi tiêu) để thúc đẩy tăng trưởng.

"Để chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả thì cần phải tăng cường chính sách tài khóa cũng như thực hiện cải cách cơ cấu, từ đó mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện. Hệ thống chính sách càng cân bằng thì kinh tế toàn cầu càng tăng trưởng nhanh hơn và các rủi ro tài chính cũng dần biến mất," theo nhận định của OECD.

Thiên An