OECD cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ mắc kẹt trong sự suy giảm
Triển vọng kinh tế toàn cầu đang mắc kẹt trong sự suy giảm và tình trạng này nhiều khả năng sẽ không chấm dứt cho đến khi chính phủ các nước cách mạng hóa chính sách cũng như cách họ đầu tư, chính phủ các nước không nên chỉ hy vọng vào sự phục hồi mang tính chu kỳ, theo khẳng định của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Trong nghiên cứu công bố mới nhất của OECD, OECD cảnh báo về một số rủi ro tăng trưởng bao gồm đầu tư yếu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và dòng chảy thương mại. Tất cả những yếu tố thách thức này sẽ vẫn tồn tại, tuy nhiên cần phải tính đến nhiều rủi ro hệ thống khác như biến đổi khí hậu, công nghệ và khả năng chiến tranh thương mại là một phần trong sự thay đổi của trật tự toàn cầu.
Đối với chuyên gia kinh tế trưởng của OECD, ông Laurence Boone, rủi ro nằm ở chỗ thế giới sẽ có thể tiếp tục phải chịu đựng hậu quả xấu trong những thập kỷ tới nếu giới chức điều hành các nền kinh tế vẫn coi các biện pháp tài khóa và tiền tệ như cách ứng phó duy nhất.
Ông Boone nói: “Rủi ro lớn nhất là ở chỗ nếu triển vọng kinh tế tiếp tục xấu đi, nó sẽ phản ánh nhiều thay đổi cấu trúc không thể giải quyết được chứ không phải bất kỳ cú sốc chu kỳ nào. Sẽ là một sai lầm chính sách nếu coi đó như yếu tố tạm thời có thể được giải quyết bằng chính sách tài khóa và tiền tệ”.
Tâm lý bi quan về những vấn đề ăn sâu bám rễ trong kinh tế toàn cầu tương phản với nhiều dấu hiệu lạc quan từ thị trường tài chính nơi mà nhà đầu tư ngày một kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm sau bất chấp nhiều tín hiệu bi quan từ các cuộc đối thoại thương mại.
Morgan Stanley dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục từ đầu năm sau, dù rằng rủi ro suy giảm vẫn còn, cùng lúc đó Goldman Sachs khẳng định rằng chính sách thương mại tốt hơn đồng nghĩa với yếu tố tác động đến tăng trưởng sẽ giảm đi.
OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức 2,9% trong năm nay và năm sau, và dần rồi sẽ phục hồi lên mức 3% vào năm 2021. OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống 2,3% từ mức 2,4% trước đó. Kinh tế toàn cầu năm 2020 được dự báo ở mức 2%.
Đối với vấn đề thương mại, OECD cho rằng rủi ro leo thang căng thẳng thực sự đáng lo ngại. OECD sợ rằng ngay cả nếu các biện pháp hạn chế hiện tại được đảo ngược, bất ổn sẽ vẫn kéo dài.
Tăng trưởng đầu tư kinh doanh tại nhiều nền kinh tế phát triển sẽ vẫn chịu nhiều áp lực, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chững lại còn 1,25%/năm từ mức gần 2% vào năm 2018.