Ocean Group chìm trong khủng hoảng
Tòa án yêu cầu dừng khẩn cấp thực hiện nghị quyết đại hội cổ đông OceanGroup |
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã CK: OGC) vừa thông báo bác đề nghị họp Hội đồng quản trị bất thường từ hai thành viên là bà Nguyễn Thị Lan Hương và Hoàng Thị Phương Lan.
Lý do triệu tập họp bất thường nhằm thông qua nội dung miễn nhiệm hàng loạt chức danh quan trọng tại OGC, việc sử dụng con dấu và bàn về nhiệm vụ của các thành viên HĐQT. Tuy nhiên phía OGC với đại diện là Chủ tịch Lê Quang Thụ đã bác yêu cầu này với lý do HĐQT đã tổ chức họp và một số nội dung họp đã được trả lời bằng văn bản trước đó.
Sự việc này, thực tế, chỉ là động thái nối dài thêm những căng thẳng từ phiên họp thường niên năm 2018 liên quan đến nhân sự ban điều hành và cơ cấu cổ đông của Ocean Group. Sự tranh cãi về quyền cổ đông của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (công ty có liên quan đến nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm), mâu thuẫn trong ban điều hành, cùng hàng loạt vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh khiến tương lai của Ocean Group trở nên khó đoán định.
Ocean Group, doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm, đang loay hoay tìm lối thoát kể từ khi lãnh đạo công ty vướng vòng lao lý cách đây 4 năm.
Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của Ocean Group đạt hơn 11.400 tỷ đồng với lợi nhuận chưa phân phối gần 100 tỷ. Tuy nhiên bước sang năm 2014, công ty này ghi nhận khoản lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. Bốn năm sau đó, tổng tài sản của OGC giảm hơn một nửa so với trước biến cố, với số lỗ lũy kế tăng lên gần 2.900 tỷ, ăn mòn gần 97% vốn điều lệ.
Bốn năm chìm trong khủng hoảng, điểm sáng hiếm hoi mà nhà đầu tư thấy được ở công ty này là việc thanh lý dần các tài sản để tháo gỡ khó khăn. Khu đất vành khăn Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến của công ty con được OGC chuyển nhượng lại cho một đối tác phát triển bất động sản vào năm 2015. Nhờ khoản lợi nhuận đột biến gần 700 tỷ đồng trong năm đó, lỗ lũy kế của công ty đã có xu hướng thu hẹp.
Tuy nhiên năm 2015 cũng là năm duy nhất OGC có lãi kể từ sau biến cố. Không còn tài sản nào đáng kể để thanh lý, điệp khúc lỗ trở lại với doanh nghiệp một thời được xem là tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam.
Hai năm 2016 và 2017, OGC báo lỗ lần lượt 728 tỷ và 465 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, công ty tiếp tục lỗ thêm 10 tỷ đồng, dù đã giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng việc tiếp tục báo lỗ khiến "án tử" hủy niêm yết đang cận kề doanh nghiệp.
Cuối tháng 9, còn hơn 3 tháng để kết thúc năm tài chính 2018, ban lãnh đạo Ocean Group trình phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay. Theo phương án mới được Hội đồng quản trị thông qua, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2018 của Ocean Group dự kiến còn 58 tỷ đồng so với phương án trước điều chỉnh là 186 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 70%. Doanh thu hợp nhất cũng được điều chỉnh giảm gần 16% xuống còn 1.172 tỷ.
Dù giảm mạnh, nhưng con số này vẫn thực sự là thách thức. Không chỉ bởi kết quả kinh doanh không có lãi trong nửa đầu năm mà doanh nghiệp này còn đang vướng phải những căng thẳng liên quan đến ban lãnh đạo và nhóm cổ đông có liên quan đến nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm.
Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và ông Hà Văn Thắm - nhóm cổ đông lớn nhất tại Ocean Group với sở hữu hơn 72 triệu cổ phần, tương đương khoảng 24% vốn - đã không được thông qua quyền cổ đông tại phiên họp thường niên 2018.
Theo văn bản từ Cục thi hành án dân sự gửi đến Ocean Group ngày 14/8, gần 69 triệu cổ phiếu OGC thuộc sở hữu của Hà Bảo và 3,3 triệu cổ phiếu của ông Hà Văn Thắm đã bị cơ quan chức năng kê biên để thi hành án. Theo đại diện Ocean Group khi đó, Hà Bảo và người đại diện của ông Hà Văn Thắm không còn quyền cổ đông tại phiên họp.
Hà Bảo và đai diện luật sư đã lên tiếng phản bác lại quyết định này cùng thời điểm đó nhưng không được HĐQT OGC chấp thuận. Tuy nhiên, chỉ gần hai tháng sau khi phiên họp được tổ chức, Tòa án quận Ba Đình đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Ocean Group tạm dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan xét xử xem xét đơn của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo.
Ocean Group ngay sau đó cũng đã có đơn kháng nghị về quyết định này. Tuy nhiên sự tranh chấp liên tiếp về pháp lý khiến việc xác định quyền cổ đông của người có liên quan đến ông Hà Văn Thắm trở nên phức tạp hơn. Cùng lúc đó, những nhân sự trong HĐQT cũng xảy ra bất đồng khi nhóm có liên quan đến nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm đưa ra nhiều yêu cầu về việc cải tổ công ty.
Mức độ căng thẳng của những tranh chấp ngày càng được đẩy lên cao, trong khi hoạt động kinh doanh của Ocean Group vẫn chìm trong khủng hoảng khiến tương lai doanh nghiệp này trở nên bất định. Trên sàn chứng khoán, mỗi cổ phiếu OGC hiện chỉ còn giao dịch ở mức 3.000 đồng, tương đương với giá trị vốn hóa của Ocean Group khoảng 850 tỷ đồng, con số chưa tới một phần mười ở thời điểm đỉnh cao của tập đoàn này.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/