Ô tô SUV 5 chỗ khan hàng, đồng loạt rủ nhau tăng giá
Liên tiếp tăng giá
Hiện tại, một số khách hàng mua Honda CR-V muốn lấy ngay trong tháng 5 với 2 bản 1.5G và 1.5L đều phải bắt buộc mua một bộ phụ kiện với giá khoảng 60 triệu đồng, còn không, ký hợp đồng lúc này sẽ nhận xe vào tháng 8/2018.
Nissan đã điều chỉnh giá bán các phiên bản X-Trail tăng từ 25-27 triệu đồng so với mức giá công bố vào tháng 12/2017. Mitsubishi Outlander cũng điều chỉnh giá bán đối với phiên bản 2.0 CVT, tăng thêm 15 triệu đồng từ tháng 5/2018, nâng giá bán phiên bản này lên 823 triệu đồng. Trường Hải vừa nâng giá bán của mẫu Peugeot 3008 All New thêm 40 triệu đồng so với tháng trước, giá bán hiện nay là 1,199 tỷ đồng.
Các phiên bản X-Trail tăng từ 25-27 triệu đồng |
Với dòng xe sang, kể từ tháng 5/2018, Mercedes-Benz Việt Nam tăng giá bán thêm 60 triệu đồng trên hai phiên bản GLC 250 và GLC 300. Cụ thể, giá bán mới của hai phiên bản này trong tháng 5/2018 lần lượt là 1,879 tỷ và 2,149 tỷ đồng.
Nhu cầu về ô tô dòng Crossover vẫn cao, hiện đang thiếu xe. Honda Việt Nam sau khi nhập 2.000 xe CR-V đã nhập thêm 3.000 xe nữa, nhưng số lượng này dự báo cũng nhanh chóng tiêu thụ hết khi về Việt Nam và nhu cầu thị trường vẫn không hạ nhiệt. Cung không đủ cầu vì vậy giá tăng. Dù các DN không tăng giá thì các đại lý cũng điều chỉnh tăng, dưới nhiều hình thức, như bắt buộc mua bộ phụ kiện giá chát.
Theo số liệu từ Hiệp hội các DN ô tô Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2018, số lượng xe Crossover tiêu thụ đạt khoảng 10.000 chiếc, chiếm gần 20% trong tổng số xe cá nhân bán ra. Mazda CX-5 là mẫu xe bán chạy nhất trong phân khúc với 4.078 chiếc.
Số lượng người tiêu dùng ô tô tại Việt Nam chọn mua các mẫu xe thuộc phân khúc này như Mazda CX-5, Honda CR-V hay Nissan X-Trail liên tục tăng trong vài năm trở lại đây. Mặc dù có giá bán ngang ngửa với các mẫu xe SUV 7 chỗ trên thị trường, nhưng vẫn có nhiều lý do để những chiếc Crossover thuyết phục người tiêu dùng. Xét về tính năng, công nghệ cũng như hệ thống an toàn, hiện nay các mẫu xe Crossover đều được các nhà sản xuất trang bị đầy đủ.
Mazda CX-5 đang là mẫu xe Crossover bán chạy nhất |
Bên cạnh đó, thiết kế mới hiện đại, đẹp mắt và gọn gàng của những mẫu Crossover, nhìn chung phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng cũng như mục đích sử dụng khác nhau. Đặc biệt, hiện nay dòng xe Crossover được các nhà sản xuất cải tiến, phát triển với biến thể 5+2 chỗ. Đây được xem là yếu tố giúp các mẫu Crossover cạnh tranh với dòng xe SUV 7 chỗ truyền thống.
Giá có giảm?
Trong số xe Crossover duy nhất chỉ có Honda CR-V là xe nhập khẩu nguyên chiếc, còn lại đều sản xuất lắp ráp trong nước. Các DN cho biết, dây chuyền dành cho lắp ráp xe Crossover đều chạy hết công suất. Nếu nhu cầu vẫn cao, trong khi nguồn cung không đáp ứng đủ thì giá xe khó giảm.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, sắp tới xe nhập khẩu về nhiều, khách hàng có thêm những lựa chọn mới. Hiện nay xe nhập từ Indonesia sắp về nước, cùng với đó xe từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại. Nhiều mẫu xe sắp cập cảng, làm thủ tục thông quan, thị trường ô tô sẽ được giải “cơn khát” khan hàng. Các DN cho biết, cuối tháng 5 và sang tháng 6/2018 có nhiều mẫu xe nhập về nước, sẽ làm giảm tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu.
Mitsubishi Outlander cũng điều chỉnh giá bán đối với phiên bản 2.0 CVT, tăng thêm 15 triệu đồng |
Tại một số đại lý Honda ở Hà Nội, nếu khách hàng ký hợp đồng mua xe CR-V vào thời điểm này, nhận xe đầu tháng 8, vẫn được đại lý tặng 1 bộ phụ kiện trị giá 15 triệu đồng. Các đại lý cũng dự báo, khi xe về nhiều, giá khó có thể tăng. Và để kéo khách thì phải tăng khuyến mãi.
Với xe trong nước, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản cho biết sẽ xem xét về việc bãi bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), phần giá trị sản xuất trong nước cho ô tô và giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất linh kiện ô tô, theo như kiến nghị của các DN đã đề nghị trước đây.
Nếu chính sách này thành hiện thực thì giá xe sản xuất lắp ráp trong nước, trong đó có các mẫu Crossover, sẽ có điều kiện giảm thêm khoảng 10% trở lên so với hiện nay.