|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nuôi và xuất khẩu tôm hùm buộc phải thay đổi: Người nuôi lẫn doanh nghiệp đều lúng túng

14:02 | 24/09/2019
Chia sẻ
Từ trước đến nay, tôm hùm nước ta chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Từ cuối năm 2018 đến nay, khi phía Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch, thì thủy hải sản nói chung, tôm hùm nói riêng bị ứ đọng, rớt giá thê thảm.
Nuôi và xuất khẩu tôm hùm buộc phải thay đổi: Người nuôi lẫn doanh nghiệp đều lúng túng - Ảnh 1.

Hiện nay, thi thoảng mới có thương lái thu mua tôm hùm, nhưng chỉ chọn mua tôm loại 1. Ảnh: Đình Thung.

Từ cuối năm 2018, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong chính sách biên mậu đối với nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam.

Do chưa nắm rõ các quy định đang được Hải quan Trung Quốc áp dụng, nên tôm hùm của Việt Nam cứ ùn ứ tại cửa khẩu. Sự thể này đã khiến cả người nuôi tôm hùm lẫn doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó.

Nuôi nhiều lỗ nhiều

Theo ghi nhận PV Báo NNVN, từ đầu năm nay, giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, vùng nuôi tôm hùm chủ lực của cả nước bắt đầu lao dốc. Có thời điểm giá tôm hùm xanh tại các địa phương chỉ còn 500 - 600 ngàn đồng/kg, tôm hùm bông từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/kg. 

Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm 2018, tôm hùm xanh có giá từ 900.000 đến 1,2 triệu đồng/kg, và tôm hùm bông từ 1,8 - 2 triệu đồng/kg.

Không chỉ giá bán hạ tuốt tuột, hiện tôm hùm nuôi trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ còn lâm cảnh thê thảm hơn là chẳng được thương lái ngó ngàng. Thi thoảng lắm mới có thương lái hỏi mua, nhưng chỉ chọn mua tôm chất lượng loại 1.

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình (TP Cam Ranh), nơi được mệnh danh là thủ phủ tôm hùm của tỉnh Khánh Hòa, cho biết từ tháng 2 đến nay, người nuôi tôm hùm trên địa bàn không hề biết đến đồng tiền lãi. 

Việc tôm rớt giá, tiêu thụ chậm đã khiến sản lượng tôm thịt trên địa bàn có thời điểm bị tồn đọng hàng trăm tấn. Xót của, nhiều chủ nuôi “cầm lồng” không thu hoạch tôm, nuôi cầm cự chờ giá. Tôm nuôi ngày càng quá lứa mà đầu ra vẫn tắt, cuối cùng đành bán đổ bán tháo, chịu thua lỗ.

“Chưa khi nào người nuôi tôm hùm ở địa phương lâm bi cảnh như thời gian qua. Người nuôi nhiều lỗ càng nhiều. Đến nay trên địa bàn đã có nhiều hộ nuôi thua lỗ đến hàng tỷ đồng”, ông Tuấn chia sẻ.

Nuôi và xuất khẩu tôm hùm buộc phải thay đổi: Người nuôi lẫn doanh nghiệp đều lúng túng - Ảnh 2.

Nhiều chủ lồng thu hoạch cả 1.000 con tôm hùm, nhưng khi đưa vào bờ thương lái chỉ mua 300 - 400 con. Ảnh: Đình Thung.

Ông Nguyễn Hữu Danh, một người nuôi tôm hùm ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, cho biết với giá tôm hùm hiện hành, người nuôi ít nhất cũng lỗ hàng trăm triệu, còn người nuôi nhiều lỗ lên đến tiền tỷ.

“Gia đình tôi thả nuôi chỉ có 20 lồng tôm hùm bông, mà vừa qua đã lỗ khoảng 700 triệu đồng. Tháng giêng năm ngoái tôi thả khoảng 2.000 con tôm hùm bông, giá tôm giống lúc ấy từ 250.000 - 300.000 đồng/con, đầu tư cho đến khi thu hoạch mất gần 1 tỷ đồng, vậy mà vừa rồi thu hoạch xong, tôi bán chỉ được 200 triệu đồng, do tôm “đại hạ giá” chỉ còn từ 1,1 - 1,2 triệu đ/kg”, ông Danh than vãn.

Tình hình nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu (Phú Yên) trong thời gian vừa qua nghe càng thê thảm hơn. Từ đầu năm đến nay dịch bệnh liên tục hoành hành đã tiêu diệt số lượng lớn tôm hùm nuôi ở đây. Do tôm nuôi bị dịch bệnh nên tôm giống cũng ế ẩm, hạ giá. 

Thấy tôm giống hạ giá, người nuôi ở đây liền chấp nhận rủi ro thả nuôi ào ào để mong gỡ gạc. Đã thả nuôi thì phải đầu tư cho tôm ăn, mua thuốc trị bệnh cho chúng, vậy là số tiền hàng trăm triệu lại được “đổ” xuống biển. Đến khi đầu ra của tôm hùm bị tắc thì người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu lại thêm một lần nữa “ôm đầu máu”.

Theo anh Nguyễn Minh Dũng ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), không những giá tôm xuống thấp mà các tư thương chỉ mua những con tôm loại 1. Nhiều hộ nuôi thu hoạch đến 1.000 con tôm nhưng khi đưa vào đến bờ thì các đầu nậu chỉ chọn mua khoảng 300 - 400 con, số còn lại người nuôi phải chuyển ngược ra lồng thả nuôi lại.

"Từ trước đến nay, chưa bao giờ người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu gặp phải tình cảnh như thế này. Do vận chuyển thời gian dài, tôm bị sốc nên khi thả nuôi lại đã bị chết", anh Dũng bộc bạch.

Trong khi cùng kỳ này năm ngoái, tôm hùm xanh ở đây có giá từ 900.000 đến 1 triệu đồng/kg; còn tôm hùm bông chỉ còn 1 - 1,2 triệu đồng/kg, cùng kỳ này năm ngoái giá cao đến 1,4 - 1,6 triệu đồng/kg.Theo những chủ lồng bè nuôi tôm hùm, từ tháng 3 đến cuối tháng 8/2019, nhiều người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu gặp khó khăn vì giá tôm thương phẩm hạ xuống rất thấp. Giá tôm hùm xanh loại 1 khi xuất bán còn khoảng 500.000 - 550.000 đồng/kg. 

Doanh nghiệp cũng lao đao

Không chỉ người nuôi lâm cảnh khốn đốn, các DN chuyên thu mua và XK tôm hùm sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch cũng đang lao đao khi hàng không xuất được.

Ông Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Cty TNHH Hải Sản Bình Thơm, 1 DN chuyên XK tôm hùm sang thị trường Trung Quốc ở phường Cam Phúc Nam, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), cho biết từ cuối năm 2018 đầu 2019, phía Trung Quốc thắt chặt đường tiểu ngạch, từ đó các DN tham gia XK trở nên điêu đứng. Con tôm hùm khi qua đến đây còn gặp phải nhiều vướng mắc về thủ tục.

“Bây giờ, vừa đưa tôm qua cửa khẩu là liền bị ngành chức năng Trung Quốc chặn hàng lại để kiểm dịch chặt chẽ. Nếu DN thực hiện không đúng những quy định bắt buộc của phía Trung Quốc, đương nhiên hàng của mình sẽ không qua được”, ông Bình cho hay.

Theo ông Trịnh Đức Thạnh, một người chuyên thu mua tôm hùm XK đi Trung Quốc ở TX Sông Cầu, từ trước đến nay tôm hùm thương phẩm của Việt Nam chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, tôm hùm ở nhiều nước khác cũng đang ào ạt “đổ” vào thị trường này. Trước thực trạng này, tôm hùm Việt Nam không thể không rớt giá. Đó là chưa nói đến những rào cản kỹ thuật mà ngành chức năng Trung Quốc đang áp lên tôm hùm Việt Nam.

Nuôi và xuất khẩu tôm hùm buộc phải thay đổi: Người nuôi lẫn doanh nghiệp đều lúng túng - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Minh Dũng, người nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu, Phú Yên), than thở ai nuôi càng nhiều càng lỗ càng to. Ảnh: Đình Thung.

Theo các thương lái ở Phú Yên, từ cuối tháng 5/2019, phía Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chứng thư kiểm dịch, quy cách đóng gói sản phẩm và nhãn mác. 

Từ những quy định trên, nhiều lô hàng tôm hùm của Việt Nam đã bị trả về do không có các hồ sơ, thủ tục trên. Sau đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục siết chặt thêm điều kiện truy xuất hồ sơ DN, chỉ những DN được cấp mã nhập khẩu vào Trung Quốc mới được phép xuất hàng hóa sang thị trường này.

Từ khi phía Trung Quốc thắt chặt kiểm soát hàng hóa đường tiểu ngạch, hầu hết DN XK sang thị trường này đều giảm mạnh về doanh thu. Nhiều DN đã bị thiệt hại đáng kể, vì lượng hàng tươi sống bị ứ đọng hàng giờ ở cửa khẩu bị thất thoát lớn. Trước đây, thời gian hàng đi qua cửa khẩu trung bình chỉ từ 1 - 2 tiếng, mỗi xe hàng bị thất thoát nhiều lắm cũng chỉ 5 - 7 kg; nay hàng bị "giam" thời gian dài tại cửa khẩu, có xe bị chết 50 - 70kg tôm, thậm chí có xe hàng bị chết đến 1 - 2 tạ tôm hùm.

Nghề nuôi tôm hùm lồng là thế mạnh của các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, nhất là ở Phú Yên và Khánh Hòa. Hiện ở Phú Yên có đến 100.628 lồng nuôi tôm hùm, cao hơn gấp 2,15 lần so với quy hoạch; trong đó riêng TX Sông Cầu đã chiếm đến 91.280 lồng, cao hơn 2,77 lần so với quy hoạch; và tại vũng Rô (huyện Đông Hòa) thì có hơn 7.220 lồng, cao hơn gấp 2 lần so với quy hoạch tạm thời. Còn ở Khánh Hòa đang có gần 50.000 lồng nuôi tôm hùm.



Kim Sơ - Đình Thung

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.