|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nước xả đập từ Trung Quốc 'khó về đến miền Tây'

06:52 | 25/02/2020
Chia sẻ
Các chuyên gia về biến đổi khí hậu cho rằng, việc Trung Quốc xả đập với lưu lượng 850 m3/giây là quá ít, nước chỉ giải hạn cho thượng nguồn Mekong.

"Nước xả từ đập thủy điện Trung Quốc rất khó đến được Đồng bằng sông Cửu Long", tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nhận định.

Bốn hôm trước, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 5 tổ chức ở Lào, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết sẽ tăng xả đập trên thượng nguồn sông Mekong để giúp các quốc gia láng giềng giảm hạn hán.

Nước xả đập từ Trung Quốc 'khó về đến miền Tây' - Ảnh 1.

Nhiều con kênh ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đang khô cạn. Ảnh: Hoàng Hạnh.

Với hàng chục năm nghiên cứu sự biến đổi dòng Mekong, tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, việc xả đập là đến kỳ hạn của Trung Quốc, không thể trữ nước hơn được trước tình trạng băng tan nhiều. 

Đồng thời, dòng Mekong từ quốc gia này xuống Thái Lan, Lào đang cạn kiệt do thiếu mưa, nên phải xả đập để đảm bảo cho tàu bè lưu thông, giao thương hàng hóa.

"Đợt cao điểm hạn mặn năm 2016 Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100 m3/giây nhưng nước còn không tới được đồng bằng sông Cửu Long", ông Tuấn nói và nhận định lần này, chỉ xả ở mức 850 m3/giây thì trên đường đi, nước sẽ được giữ lại hết ở nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào.

Theo chuyên gia này, với tình trạng hiện nay, phải xả đập với lưu lượng ít nhất là 2.500 m3/giây thì nước mới tới được miền Tây, nhưng cũng phải mất 3-4 tuần. Khi đó, diện tích lúa đang khô hạn đã chết hết. 

Về lâu dài, nên tập trung các giải pháp tích trữ nước ngọt; hạn chế sản xuất lúa, nhất là vùng ven biển.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho rằng động thái của Trung Quốc chủ yếu phục vụ mục tiêu giải hạn trên lãnh thổ của họ. 

"Với lượng nước xả quá ít như thế, trên quãng đường đi, dòng nước sẽ đổ vào các chỗ trũng, sông nhánh và phục vụ sản xuất của người dân các nước thượng nguồn. Nước xả không thể nào về tới Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cách xa gần 3.000 km", ông Vinh nói.

Sông Mekong dài 4.880 km, chảy qua 6 nước gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc dài 2.130 km được gọi là sông Lan Thương. Nước này đã xây dựng khoảng 20 đập thủy điện trên dòng Lan Thương.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của triều cường, độ mặn trên các sông Nam Bộ có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào ngày 23-25/2. 

Hiện ranh mặn 4 phần nghìn (4.000 mg/l) xâm nhập 80-90 km trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây; 45-52 km ở sông Cửu Tiểu, Cửa Đại; 55-76 km trên sông Hàm Luông, Cổ Chiên; sông Hậu, sông Cái Lớn 40-55 km.

Nước xả đập từ Trung Quốc 'khó về đến miền Tây' - Ảnh 2.

Đồng lúa ở Sóc Trăng nứt nẻ sau 45 ngày không có nước. Ảnh: Cửu Long.

Dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long trong cuối tháng 2 và tháng 3 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5 đến 20%. 

Mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho miền Tây không nhiều. Tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn gay gắt hơn...

Đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại 30.000 ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, bằng 7,3% so tổng diện tích thiệt hại năm 2015-2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.

Cửu Long

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.