|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cùng Trung Quốc tìm nguyên nhân nước sông Mekong thấp kỷ lục

22:30 | 06/02/2020
Chia sẻ
"Chúng tôi đang hợp tác với Trung Quốc để thực hiện nghiên cứu chung, nhằm tìm ra các nguyên nhân khiến mực nước thấp trong năm 2019", Tiến sĩ An Pich Hatda, CEO Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) trả lời câu hỏi của VnExpress về hướng hợp tác giữa Trung Quốc với các nước thành viên MRC.

Phát biểu được ông Hatda đưa ra bên lề Diễn đàn khu vực của các bên liên quan lần thứ 9 diễn ra trong hai ngày 5/2 và 6/2 tại Luang Prabang, Lào.

"Khi MRC tiến hành nghiên cứu chung với Trung Quốc, tôi hy vọng hai bên sẽ tìm ra các bằng chứng khoa học, giúp lý giải mực nước thấp kỷ lục ở sông Mekong thời gian gần đây", ông nói.

Cùng Trung Quốc tìm nguyên nhân nước sông Mekong thấp kỷ lục - Ảnh 1.

Tiến sĩ Hatda tại Diễn đàn khu vực các bên liên quan lần thứ 9 ngày 6/2 tại Luang Prabang, Lào. Ảnh: VA.

Báo cáo của MRC vào giữa tháng 7/2019 cho thấy mực nước sông Mekong xuống thấp nhất trong lịch sử. Tại Chiang Saen, phía bắc Thái Lan, mực nước sông thấp hơn mức trung bình cùng kỳ trong suốt gần 6 thập kỷ qua. Tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, người dân phải đối diện với đợt hạn hán nghiêm trọng vào tháng 6/2019. Đến tháng 12/2019, MRC nhận định một số đoạn sông Mekong chuyển màu xanh lục lam do mực nước xuống quá thấp.

Các nhà nghiên cứu của MRC cho rằng có ba nguyên nhân chính khiến nước sông giảm là lượng mưa thấp trong khu vực, tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường và do dòng chảy yếu từ thượng nguồn phía Trung Quốc.

Cuối năm 2019, Trung Quốc thông báo đập thủy điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam giảm lưu lượng xả nước trong đầu tháng 1/2020 để "bảo trì lưới điện". Khi đó, Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan (ONWR) cảnh báo mực nước sông Mekong qua một số tỉnh của nước này giảm.

Cảnh Hồng là một trong 8 đập thuỷ điện của Trung Quốc ở thượng lưu sông Mekong, được cho là chặn 40 tỷ m3 nước, gây ra dòng chảy thấp bất thường của sông Mekong.

Nhắc đến Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa MRC và Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương (LMC) của Trung Quốc ký vào tháng 12/2019, ông Hatda cho rằng cơ chế này sẽ giúp hai bên tăng cường hành động, thay vì tập trung vào thảo luận.

Ông Kol Vathana, Phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia sông Mekong Campuchia, cho rằng vào mùa khô, khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc các đập thuỷ điện trên thượng nguồn trữ nước làm tăng hạn hán ở hạ lưu. Các đập thuỷ điện ở Mekong còn làm giảm lượng cá và phù sa dành cho nông nghiệp của Campuchia.

Ông Vathana cho biết Campuchia rất quan ngại về các tác động này với nền kinh tế nên đang nỗ lực thực hiện tham vấn với các nước trong khu vực về tình trạng hạn hán, từ đó tìm cách giảm thiểu tác hại.

Campuchia cũng nỗ lực cùng các nước thành viên khác của MRC là Việt Nam, Thái Lan, Lào tăng hợp tác về chia sẻ thông tin với Trung Quốc, nhất là về việc xả nước từ các đập thuỷ điện ở thượng nguồn Mekong. "Chúng tôi hợp tác trong MRC để đưa ra một thông điệp chung, không phải là một nước riêng lẻ", ông Vathana nói.

Việt Anh