|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nước Mỹ đối mặt với các rủi ro kinh tế mới trong năm 2023

06:46 | 23/12/2022
Chia sẻ
Trang mạng project-syndicate.org mới đây đăng tải bài viết trong đó đề cập những rủi ro mới mà các chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt trong năm 2023.

Cửa hàng hạ giá sản phẩm tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng project-syndicate.org mới đây đăng tải bài viết trong đó đề cập những rủi ro mới mà các chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt trong năm 2023, trong bối cảnh tình hình của nền kinh tế đầu tàu thế giới đang phát đi những tín hiệu trái ngược nhau.

Theo tác giả bài viết, hiện nay, thị trường lao động Mỹ vẫn khá mạnh mẽ, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,7% và chỉ có 1,7 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động. Mặc dù tỷ lệ việc làm đã trở lại mức trước đại dịch COVID-19, nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn chậm lại, đáng lo ngại nhất là ở nam giới trong độ tuổi trưởng thành (25-54 tuổi).

Tổng cộng, có khoảng 1-2 triệu người lao động "biến mất” bởi lẽ ra họ vẫn còn ở trong lực lượng lao động của Mỹ nếu không bị gián đoạn công việc vì đại dịch. Một bộ phận người lao động lớn tuổi hơn bị mất việc thì chọn cách nghỉ hưu sớm, nhưng một số khác thì không quay lại làm việc vì lo ngại vấn đề sức khỏe, chăm sóc con cái. Trong khi đó, các khoản trợ cấp mở rộng của chính phủ khiến người dân không có động lực đi làm và gia tăng tiền kiết kiệm (một nửa trong đó có lẽ đã được rút ra), hoặc những thay đổi trong các lựa chọn cân bằng cuộc sống-công việc.

Ngoài lạm phát dai dẳng và chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn (sẽ được duy trì cho đến khi đạt được tiến bộ đáng kể đối với mục tiêu lạm phát 2%), yếu tố lớn nhất trong triển vọng năm 2023 là cách các công ty phản ứng với tình trạng giảm nhu cầu mua sắm. Theo các chuyên gia, hiện chưa rõ các doanh nghiệp sẽ ra thông báo sa thải hàng loạt như thường lệ hay hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để giữ chân người lao động có trình độ hoặc tuyển dụng thêm nhân sự.

Quang cảnh bên ngoài trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN

Yếu tố tiêu cực lớn nhất là lạm phát đã giảm dần nhưng vẫn cao hơn nhiều lần so với mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Chưa rõ liệu sự ổn định giá có thể nhanh chóng được khôi phục thông qua việc nhu cầu tăng chậm hơn, giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng và chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn hay không.

Một rủi ro lớn là các công ty sẽ tăng lương để thu hút hoặc giữ chân nhân viên, tạo ra vòng xoáy giá lương. Cho đến nay, tăng trưởng tiền lương đã bị tụt hậu so với tăng trưởng giá cả, nhưng không có gì đảm bảo xu hướng này sẽ kéo dài.

Fed cho rằng việc thắt chặt tiền tệ có độ trễ dài và có thể thay đổi (thường là 12-18 tháng), và lãi suất mục tiêu phải tăng cao hơn tỷ lệ lạm phát dự kiến trong tương lai trong một khoảng thời gian nào đó. Lạm phát năm 2023 dự báo vào khoảng 4% - theo dự báo của Blue Chip (phản ánh quan điểm của 50 nhà dự báo khu vực tư nhân); dưới 3% - theo thị trường trái phiếu; và gần 5% - theo khảo sát tâm lý người tiêu dùng.

Những người lạc quan đang mong đợi các đợt tăng lãi suất bổ sung vừa phải của Fed từ mức 4,25-4,5% hiện tại. Fed hình dung mức cao nhất là 5,1%. Tuy nhiên, hy vọng về một số nới lỏng vào cuối năm tới đã giảm đi trong tháng này khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đề xuất rằng việc cắt giảm lãi suất trở lại mức 4,1% sẽ không diễn ra cho đến năm 2024.

Triển vọng thậm chí ảm đạm hơn đối với nhiều nền kinh tế khác sẽ làm tăng thêm khó khăn trong việc thiết kế một cuộc “hạ cánh mềm”, trong đó số lượng mất việc làm ít nhất có thể. Trong bối cảnh tăng trưởng yếu hoặc suy thoái hoàn toàn từ Trung Quốc và châu Âu cho đến các nước đang phát triển ở châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi, sự tăng giá liên tục của đồng USD là tin xấu đối với ngành xuất khẩu của Mỹ.

Bích Ngọc