|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nước Mỹ chìm trong khủng hoảng là cơ hội để Trung Quốc đánh bóng bản thân

07:33 | 16/06/2020
Chia sẻ
Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội Mỹ đang phải vật lộn với biểu tình bạo loạn và COVID-19 để thể hiện mình là cường quốc ưu việt hơn.
Trung Quốc dùng Mỹ để đánh lạc hướng người dân về tình hình bất ổn trong nước - Ảnh 1.

Trung Quốc đang quan sát tình hình khi Mỹ bị tấn công bởi các cuộc biểu tình bạo loạn và số ca tử vong COVID-19 cao nhất thế giới. Ảnh: Nikkei Montage/ AP

Trong bối cảnh nước Mỹ bị bủa vây bởi khủng hoảng bất ổn chủng tộc và COVID-19, Trung Quốc dường như đang rất hả hê.

Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu hàng ngày đều lên tiếng chế giễu Mỹ. Trong tweet đăng ngày 11/6, ông viết: "Với số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ vượt quá 2 triệu người, tôi muốn nói rằng mình đã không nhận ra chủ nghĩa tư bản của Mỹ lại tàn nhẫn đến vậy. Nước Mỹ mà thế hệ của tôi từng ngưỡng mộ thời còn trẻ đã chết".

Bà Hoa Xuân Oánh, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mượn lời nói cuối cùng của người đàn ông da đen George Floyd trước khi bị cảnh sát Mỹ sát hại trên đường phố. "Tôi không thở được", bà Xuân Oánh đáp trả tweet của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khi ông này cáo buộc Bắc Kinh đã bội hứa với người dân Hong Kong.

Ngược lại, Tổng thống Trump đã giảm bớt các công kích trên mạng xã hội về Trung Quốc.

Dòng tweet vỏn vẹn hai chữ "TRUNG QUỐC!" đăng ngày 29/5 là lần cuối cùng ông Trump trực tiếp gọi Bắc Kinh là kẻ thù của Mỹ, dù việc tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc vẫn là một trong những chiến lược ông Trump sử dụng cho cuộc tái tranh cử.

Việc tạm ngừng công kích Trung Quốc ám chỉ rằng với các rắc rối trong nội bộ nước Mỹ lớn đến mức ông Trump không còn thời giờ và tâm trí để chọc tức Bắc Kinh.

Tương tự, việc Trung Quốc sử dụng lời nói để châm chọc Mỹ có thể được coi là dấu hiệu của tình hình bất an trong nước.

Bắc Kinh muốn thổi bùng chủ nghĩa dân tộc nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề kinh tế và xã hội đang đe dọa sự bình ổn của Trung Quốc: Dưới tác động của COVID-19, GDP quí I của nước này giảm 6,8% so với cùng kì năm trước, số người thất nghiệp cũng tăng mạnh.

Nhưng hiện tại, Trung Quốc rõ ràng vẫn đang thích thú khi chứng kiến Mỹ phải vật lộn để giải quyết các vấn đề nội bộ.

Ông Willy Lam, giáo sư tại Đại học Trung Văn Hương Cảng nói với Nikkei Asian Review: "Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình tin tưởng rằng nước Mỹ đang suy yếu còn Trung Quốc là cường quốc đang lên".

"Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc mô tả Mỹ là một xã hội không có sự bình đẳng, không có nhân quyền. Bộ máy này chỉ vào các cuộc biểu tình bạo loạn và cách xử lí COVID-19 lộn xộn của Mỹ để thể hiện với người dân trong nước rằng Trung Quốc tốt đẹp, hiệu quả và nhân đạo hơn nhiều so với Mỹ", ông Lam nói.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng họ sẽ phải giữ cho nền kinh tế số hai thế giới tiếp tục tăng trưởng để duy trì sự hòa thuận giữa 1,4 tỉ dân.

2020 từng được cho là năm mà Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu trở thành xã hội của tầng lớp trung lưu bằng cách tăng gấp đôi GDP so với thập niên trước và xóa bỏ nghèo đói.

Để đạt được cột mốc này, Trung Quốc cần mức tăng trưởng GDP ít nhất là 5,6%; nhưng cú lao dốc của GDP quí I khiến viễn cảnh này trở nên rất xa vời.

Bà Bonnie Glaser, một giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết: "Khôi phục tăng trưởng kinh tế rõ ràng là mối quan tâm trước mắt và giải quyết thất nghiệp là mối lo nghiêm trọng với Chủ tịch Tập Cận Bình".

Tuy vậy, theo dự đoán của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc vẫn sẽ vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Trung Quốc dùng Mỹ để đánh lạc hướng người dân về tình hình bất ổn trong nước - Ảnh 2.

Phiên họp Quốc hội Trung Quốc cuối tháng 5. Ảnh: Reuters

Ông Kerry Brown, Giám đốc Viện Lau China tại trường King's College ở Hong Kong tin rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện một "cuộc lật đổ về tuyên truyền" nếu kinh tế Trung Quốc hồi phục sau đại dịch nhanh hơn các quốc gia khác.

"Bắc Kinh sẽ làm mọi thứ để đạt được điều này vì đây là một cơ hội quá hấp dẫn và không thể bị bỏ lỡ", ông Brown cho biết.

Về tình hình ở Mỹ, ông Brown nói rằng Trung Quốc "có lẽ cảm thấy khá mơ hồ về những gì đang xảy ra, nhưng hoàn toàn nhận thức được các cơ hội."

Trung Quốc đã bắt đầu soạn thảo dự luật an ninh mới cho Hong Kong, tăng cường luận điệu về Đài Loan và đối đầu với Ấn Độ. Nhưng các nhà phân tích cho rằng lập trường cứng rắn của Trung Quốc là một phần của kế hoạch lâu dài và không bị ảnh hưởng bởi việc ông Trump đang tập trung vào vấn đề nội bộ của Mỹ.

Ông Brown nói: "Trung Quốc sẽ tiếp tục thể hiện sự quyết đoán và đáp trả các hành động của Mỹ. Nhưng Trung Quốc sẽ chờ đợi và quan sát tình hình. Mỹ đang tự hủy hoại bản thân nên hiện tại Trung Quốc không phải làm gì cả".

Giang

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.