'Núi nợ' 20.000 tỉ USD đang chờ ông Donald Trump xử lý
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Theo Business Insider, đây là vấn đề được truyền lại cho ông Trump và chắc chắn vẫn sẽ đẩy chính quyền mới vào thế khó. Xét từ bất cứ góc độ nào, con số trên cũng nặng nề. Tỷ lệ vay nợ vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ khá nhiều kể từ những năm cuối thập niên 1970.
Cách ông Trump xoay sở trước sức ép ngày càng tăng này sẽ là yếu tố quyết định xem liệu chính quyền của ông có thể “Make America Great Again”, hay làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, hay không.
Hồi năm 1979, tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ khiêm tốn 31,8% và chính phủ liên bang chỉ nợ có 826 tỉ USD. Giờ đây, tỷ lệ nợ trên GDP là 104,2% và tổng số nợ leo đến cận mốc 20.000 tỉ USD.
Xét theo giá trị tuyệt đối, nợ công của Mỹ đang cao hơn bao giờ hết. Sử dụng biện pháp phổ biến là tính tỷ lệ nợ trên GDP, nợ Mỹ đang ở ngưỡng cao nhất trong 70 năm qua. Lần cuối cùng tỷ lệ này vượt 100% là những năm cuối của Thế chiến thứ hai.
Tình hình nợ của Mỹ không xấu như nợ của Hy Lạp, đảo Síp hay Nhật Bản. Song khi xét tỷ lệ nợ trên nguồn thu, một biện pháp so sánh nợ quốc gia với tổng tiền thuế mà chính phủ thu được, Mỹ có núi nợ cao nhất trong số 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Thế giới (OECD).
Chia tổng nợ ra cho đầu người, mỗi người dân Mỹ “gánh” 61.300 USD - con số cao thứ nhì hành tinh. Nếu chia tổng nợ ra cho số người nộp thuế, số liệu lên đến mức 167.000 USD.
Thật khó để xác định ông Trump nghĩ gì về chuyện nợ của Mỹ vì quan điểm của ông đã và đang thay đổi.
Khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, ông từng nói rằng nợ là vấn đề hàng đầu đối với chính quyền của ông. Tháng 2.2016, ông Trump cho hay Mỹ đã trở thành “phiên bản quy mô lớn của Hy Lạp” và chuyện giải quyết các khoản nợ sẽ “dễ dàng” nếu nền kinh tế năng động hơn. Tháng 4.2016, ông nói rằng ông có thể trả hết số nợ sau tám năm tại nhiệm.
Ý kiến của ông tương đồng với quan điểm của đảng Cộng hòa, đảng nói rằng các khoản nợ quốc gia “đã đặt gánh nặng đáng kể lên các thế hệ tương lai”, kêu gọi “nền kinh tế mạnh hơn” và “kiềm chế chi tiêu” để giảm nợ.
Song hiện giờ, quan điểm của Tổng thống Mỹ đắc cử có thể đã khác. Kế hoạch kinh tế gần đây nhất của ông, gồm 1.000 tỉ USD chi tiêu cơ sở hạ tầng và 5.000 tỉ USD cắt giảm thuế, có thể bơm thêm vào nợ Mỹ từ 5.300 tỉ USD đến 11.500 tỉ USD. Ông cũng nói rằng Mỹ sẽ chẳng bao giờ vỡ nợ, vì nước này có thể đơn giản là đi “in tiền”.
Cách Donald Trump đối mặt với nợ là dấu hỏi lớn và chỉ có thời gian mới trả lời được liệu ông có giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại hay không.