|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trường hợp nào bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế?

20:06 | 10/06/2025
Chia sẻ
Theo quy định tại Nghị định số 70, từ ngày 1/6, nhiều trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải sử dụng hoá đơn điện tử và thiết bị tính tiền kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Ngày 20/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6.

Theo Nghị định 70, Chính phủ bổ sung đối tượng sử dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế đối với các trường hợp là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên, có sử dụng máy tính tiền và doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ. 

Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hoá, dịch vụ sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ cũng phải sử dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Một số lĩnh vực bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng được quy định cụ thể gồm: trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ, trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Từ ngày 1/6, nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải sử dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. (Ảnh minh hoạ).

Ngày 31/5 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 70.

Theo đó, các doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng đã đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử có mã, hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế phục vụ hoạt động bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng nêu trên trước ngày 1/6 sẽ được lựa chọn chuyển đổi áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền hoặc tiếp tục sử dụng hoá đơn điện tử đã đăng ký sử dụng với cơ quan thuế

Cụ thể, nếu doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử thì được tiếp tục sử dụng loại hoá đơn đã đăng ký, không bắt buộc phải chuyển sang xuất hoá đơn điện tử trực tiếp từ máy tính tiền.

Với trường hợp chưa đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử với cơ quan thuế mà thuộc diện phải sử dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định 70 thì phải đăng ký sử dụng từ ngày 1/6.

Đối với các cơ sở có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm, theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có thể nộp thuế theo hai phương pháp là kê khai hoặc khoán. Tuy nhiên, Nghị quyết 198 của Quốc hội quy định, từ ngày 1/1/2026, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế và nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.

Như vậy, đến hết năm 2025, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm vẫn có thể lựa chọn nộp thuế bằng một trong hai phương pháp trên và chỉ được nộp thuế theo phương pháp kê khai kể từ ngày 1/1/2026.

Xử phạt tới 20 triệu đồng nếu không xuất hoá đơn

Theo quy định tại Nghị định 125 được Chính phủ ban hành năm 2020, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhưng không dùng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế sẽ bị xử phạt hành chính tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm.

Trong đó, hành vi không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ cho người mua sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Trường hợp lập hoá đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế thì bị phạt tiền từ 4 - 8 triệu đồng.

Trường hợp không lập hoá đơn đối với các hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất cũng sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1,5 triệu đồng.

Anh My