|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nửa đầu năm buồn với ngành cá tra Việt: Nuôi cá gần như không công

20:39 | 14/07/2019
Chia sẻ
Giá cá tra nửa đầu năm 2019 giảm mạnh tới 16.000 đồng/kg, chạm đáy hai năm. Ở mức giá này, người sản xuất không có lãi hoặc lãi rất thấp.

Giá cá tra chạm đáy hai năm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm trong quý II/2019, chỉ đạt 21.500 - 22.000 đồng/kg, ở giá này, người sản xuất không có lãi hoặc lãi rất thấp. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định nhìn chung thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong nửa đầu năm nay có xu hướng suy yếu dần sau một năm liên tục tăng nóng.

Nếu so với cùng kì giảm gần 16.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018, giảm gần 10.000 đồng/kg so với đầu năm nay và đang ở mức thấp nhất trong khoảng hai năm qua.

ảnh_Viber_2019-07-12_16-38-49

Diễn biến giá cá tra của An Giang và Vĩnh Long 6 tháng đầu năm 2019. Đvt: đồng/kg. Số liệu: Bộ NN&PTNT. (Đức Quỳnh tổng hợp)

Mặc dù giá cá tra quý II xuống thấp nhưng sản lượng vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ do năm trước do giá cá tra nguyên liệu năm trước cao kỉ lục nên diện tích nuôi cá tra được mở rộng. 

Tính chung 6 tháng đầu năm, diện tích nuôi cá tra đạt hơn 3.900 ha, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Sản lượng cá tra nuôi của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nửa đầu năm 2019 ước đạt 644.600 tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018. 

Do ảnh hưởng bởi giá cá tra nguyên liệu giảm nên nhu cầu giống thả nuôi trong dân cũng giảm. Giá cá giống cũng giảm mạnh. 

Theo số liệu từ Tổng Cục Thủy sản, xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm 2019 giảm nhẹ 1,2% so với  cùnh kì năm ngoái xuống 991 triệu USD. Trong khi đó, ngành cá tra đặt tiêu hoàn mục tiêu trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỉ USD và sản lượng đạt hơn 1,5 triệu tấn.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2019 nhưng xuất khẩu cá tra vẫn chưa đạt được 50% mục tiêu ngành đặt ra.

Theo đó, loại 30 con/kg dao động ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg, giảm tới gần 70% so với cuối năm 2018. Nguyên nhân giá giảm là do xuất khẩu giảm mạnh đặc biệt là xuất khẩu sang hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Theo Tổng Cục Thủy sản, tính đến hết tháng 6, cả nước có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra; diện tích ương gần 3.000 ha, không đổi so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng được hơn 1,5 tỉ con cá tra giống.

11 quốc gia đệ trình hồ sơ xuất khẩu cá tra sang Mỹ

Chia sẻ bên lề Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành thủy sản, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cho biết vừa qua có 11 nước gửi hồ sơ đề nghị xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Tuy nhiên, tính đến hiện tại chỉ có có ba quốc gia có thể xuất khẩu cá tra sang thị trường này là Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan.

"Có thể nói cạnh tranh khá gay gắt. Sản lượng cá tra của Ấn Độ, Indonesia cũng rất cao. Chúng ta phải nỗ lực giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh ở thị trường này", ông Cẩn nói.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, trong khi sản phẩm tôm từ một số công ty Việt Nam đã được chính phủ Mỹ gỡ áp thuế chống phá giá, thì sản phẩm cá tra lại bị tăng lên. 

Đẩy mạnh sang các thị trường Trung Quốc, EU và ASEAN

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho rằng, về ngắn hạn, các doanh nghiệp tăng cường mở rộng xuất khẩu cá tra sang các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, EU và ASEAN.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP),  5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN đạt 87,3 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. VASEP cho biết theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, ASEAN thực sự là một thị trường cần được lưu tâm trong thời gian tới.

Ngoài ra, về dài hạn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho rằng các cơ sở chế biến nên nâng cấp, mở rộng hệ thống bảo quản tích trữ, các nhà máy tiệt trùng, chế biến... tương đương với chất lượng các nhà máy của Trung Quốc. 

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất – một điều kiện để Bộ Thương mại Mỹ xem xét khi áp mức thuế phá giá, qua đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ hơn cho doanh nghiệp.

Ông Cẩn cho rằng thời gian tới ngành cần ứng dụng công nghệ mới, tăng cường liên kết theo chuỗi giữa sản xuất, chế biến tiêu thụ, giảm khâu trung gian. 

"Thay vì bán cho các vựa thu gom thì người nuôi bán thẳng cho nhà máy. Nhiều khi các vượn không biết tiêu chuẩn sản phẩm ra sao, bà con cũng làm theo tự nhiên dẫn đến sự bấp bênh. Khi thị trường lên cao thì người ta gom nhiều còn khi thị trường xuống thấp thì không biết bán cho ai", ông Cẩn nói.

Đức Quỳnh