|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nửa cuối năm, đất nền, BĐS du lịch, công nghiệp… phía Nam sẽ ra sao?

16:31 | 15/07/2019
Chia sẻ
Lãnh đạo Batdongsan.com.vn nhận định, trong khi chung cư sẽ có nhiều cơ hội để phát triển thì đất nền TP HCM lại đang giảm tốc. Các phân khúc BĐS du lịch, công nghiệp ảnh hưởng mạnh mẽ bởi bối cảnh quốc tế.

Đất nền TP HCM đang giảm tốc

Tại buổi báo cáo thị trường quí II mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn đưa ra một số nhận định về thị trường địa ốc TP HCM 6 tháng cuối năm.

IMG_9319 (2)

Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định, trong khi chung cư sẽ có nhiều cơ hội để phát triển thì đất nền TP HCM lại đang giảm tốc. (Ảnh: N. Lê)

Cụ thể, ông cho rằng, với lượng hàng ra tốt, nhu cầu quan tâm lớn, từ nay đến cuối năm phân khúc căn hộ chung cư có nhiều cơ hội để phát triển. Chung cư sẽ tiếp tục là loại hình nhiều người quan tâm tìm kiếm và giá cũng sẽ tiếp tục tăng.

Loại hình nhà riêng, nhà phố xu hướng sẽ tiếp tục ổn định. Mức tăng trưởng giá của phân khúc này thời gian gần đây rất tốt. Lãnh đạo Batdongsan.com.vn chưa nhìn thấy dấu hiệu nào sẽ kìm hãm sự tăng trưởng này.

"Còn với đất nền, nhận định thị trường sắp tới là một câu hỏi khó. Xu hướng người tìm kiếm đất nền đang giảm, xu hướng người quan tâm cũng đang có dấu hiệu giảm. Thị trường phải có động thái thực sự mạnh mẽ về quy hoạch cũng như những thông tin về chính sách liên quan thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng. Hiện tại, chúng tôi chỉ nhìn thấy những động thái dịch chuyển ở các quận huyện ngoại thành TP HCM", ông Nguyễn Quốc Anh nói.

Việt Nam chưa đón được xu thế đầu tư BĐS nghỉ dưỡng từ khách ngoại

Đối với bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng, lãnh đạo Batdongsan.com.vn đánh giá tiềm năng thị trường Việt Nam đang rất lớn.

Ông Quốc Anh nói: "Điểm chung của BĐS nghỉ dưỡng đang vào giai đoạn khá bão hòa, lượng tìm kiếm lớn nhưng không có nhiều giao dịch. Dù vậy, lượng khách du lịch của Việt Nam đến nay mới khoảng 17 triệu khách – bằng 1/3 của Singapore, trong khi tốc độ tiêu dùng của khách du lịch ở Việt Nam mới bằng 1/2 so với Thái Lan.

Chúng ta cũng chưa thể đáp ứng các đoàn khách du lịch rất lớn đến từ Trung Quốc hoặc châu Âu. Ở Đà Nẵng mới có khoảng 15.000 phòng từ 4 – 5 sao, chưa thể đáp ứng được các đoàn khách từ 200 – 300 người đến từ Trung Quốc hoặc châu Âu. Cơ sở vật chất, nền công nghiệp du lịch chưa đáp ứng nên chúng ta mới chỉ đón được các đoàn quy mô rất nhỏ đến từ các nước thôi…".

viber_image_2019-07-15_16-26-31

Việt Nam cũng chưa đón được những xu hướng BĐS mới của thế giới. (Ảnh: N.Lê)

Chưa kể, theo lãnh đạo Batdongsan.com.vn, Việt Nam cũng chưa đón được những xu hướng BĐS mới của thế giới.

Ví dụ, trong khoảng 3 - 5 năm trở lại đây, xu hướng phát triển loại hình BĐS dành cho người nghỉ hưu rất phát triển ở Thái Lan, Malaysia.

Ở Mỹ thậm chí còn có khái niệm thế hệ những người sinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai, họ được chính phủ Mỹ ưu tiên bằng nhiều chính sách khuyến khích, giảm thuế… Thế hệ này hầu hết đã nghỉ hưu, có nhiều tiền tích lũy nên vấn đề họ quan tâm là tìm kiếm cơ hội đầu tư, họ không chỉ cần 1 - 2 khu đô thị mà cần cả thành phố để đáp ứng nhu cầu của mình.

Không những thế, các nước trong khu vực như Trung Quốc có khí hậu phía Bắc rất lạnh, họ thường tìm đến BĐS ở phía Nam và nhiều người Trung Quốc chọn mua các dự án ở Việt Nam.

"Thái Lan và Malaysia đã đón đầu được những xu hướng và cơ hội này. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng và việc đón đầu xu hướng đầu tư mới tại Việt Nam chưa tốt, chủ đầu tư trong nước cũng chưa hẳn muốn mang dự án của mình ra nước ngoài", ông Quốc Anh nêu ý kiến.

Cơ hội lớn từ EVFTA và IPA

Liên quan tới phân khúc BĐS công nghiệp, ông đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khác rằng đang có những lợi thế cho Việt Nam, nhưng ta chưa có bước đi nào cụ thể.

"Về cơ sở hạ tầng, cơ sở giao thông, liệu chúng ta đã sẵn sàng đón nhận những cơ hội này hay chưa? Nếu không đón nhận được chúng ta sẽ mất đi những cơ hội này. Đây là giai đoạn có nhiều biến động phức tạp. Dù vậy, nếu tận dụng tốt các cơ hội thì thị trường vẫn có thể có sức bật sang giai đoạn tiếp theo", ông Quốc Anh khẳng định.

Nói nhiều hơn về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mĩ – Trung, vị này cho rằng sức ảnh hưởng còn vượt ra ngoài cả phân khúc BĐS công nghiệp.

Ông phân tích: "Chúng ta đang chuẩn bị kí hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại Việt Nam – EU), đi kèm với đó là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA). Đây là nội dung các nhà đầu tư, dù là EU hay Mĩ, đều rất chú trọng. Họ quan tâm đến việc các khoản đầu tư có đảm bảo hay không, có bị quốc hữu hóa, trong điều kiện chiến tranh, thiên tai, bão lũ có được nhà nước bảo toàn hay không…

Khi IPA được EU thông qua tức là EU tin tưởng Chính phủ Việt Nam có biện pháp đảm bảo những việc này. Khi nhà đầu tư đến từ EU yên tâm thì chắc chắn dòng vốn FDI sẽ đổ vào Việt Nam tương đối nhiều, từ không chỉ EU, mà có thể là cả Mĩ. Và khi đó, BĐS sẽ được hưởng lợi rất lớn từ nguồn đầu tư FDI".

N. Lê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.