|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nửa cuối 2024 kinh tế thế giới phục hồi, sản xuất của Việt Nam mới tăng trưởng tích cực

19:00 | 08/01/2024
Chia sẻ
Các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại chính của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khác nhau. Dự báo kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 khó có chuyển động tích cực đáng kể. Sự phục hồi này sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Tại chương trình WeTalk "Đầu tư gì 2024?" được tổ chức mới đây, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nói về sức khỏe các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Theo ông Báu, Mỹ đã duy trì được tăng trưởng bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm 2022, đến cuối năm 2023, Fed mới phát tín hiệu dừng lại. Ông đánh giá đây là tín hiệu lạc quan với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đang dần hồi phục nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. Tăng trưởng GDP quý III/2023 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 1,3% so với quý trước, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. 

 Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: WiGroup).

Với nền kinh tế châu Âu, khu vực này tiềm ẩn rủi ro suy thoái lớn nhất, nguyên nhân bắt nguồn từ xung đột kéo dài Nga - Ukraine dẫn tới khủng hoảng năng lượng ở các nền kinh tế vốn lệ thuộc quá lâu vào dầu mỏ, khí đốt Nga. Tuy nhiên, CEO WiGroup đánh giá suy thoái với khu vực này sẽ không nặng nề nhờ khả năng cân bằng của thị trường khí đốt và hỗ trợ mạnh từ chính sách tài khóa. Ngoài ra tín hiệu tín hiệu tích cực là lạm phát tiếp tục giảm do giá năng lượng đã được kiểm soát.

 

"Các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại chính của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khác nhau. Dự báo kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 khó có chuyển động tích cực đáng kể. Lạm phát giảm về sát mục tiêu vẫn là điều kiện quan trọng để các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Sự phục hồi này được kỳ vọng xuất hiện vào nửa cuối năm 2024, đầu năm 2025", đại diện WiGroup nói.

Mỹ, châu Âu và Anh đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất nên dự kiến sẽ không có thêm quyết định tăng lãi suất nào trong tương lai gần. Ông Báu cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào nửa sau năm 2024, bắt đầu từ Fed, sau đó là châu Âu và Anh.

Về vĩ mô Việt Nam, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 2,84% - mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. PMI sản xuất tháng 12 tăng lên 48,9 điểm, cải thiện hơn mức 47,3 điểm của tháng 11, song vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy sự suy giảm trong kinh doanh sản xuất. Doanh nghiệp giảm sản lượng, tồn kho và việc làm vì đơn đặt hàng mới giảm. 

 

 

Dự báo hoạt động sản xuất sẽ phục hồi dần trong năm 2024 nhờ niềm tin của người tiêu dùng tăng ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU.

Bên cạnh đó, xuất khẩu có thể tăng trưởng tích cực do hồi phục niềm tin tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu chính như thị trường Mỹ.

Về vốn đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vẫn duy trì ở mức cao, song có thể chịu áp lực khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Khu vực tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng chậm, thấp hơn trung bình 5 năm trước, do thu nhập người dân bị ảnh hưởng. Ngành du lịch dự kiến hồi phục trong năm 2024, với số lượng khách quốc tế tăng trở lại.            

Anh Đào