Nữ nghệ sĩ 'kiểu mới' với giấc mơ lan tỏa lối sống xanh
Hẹn gặp chị Quyên tại một quán cafe nhỏ ở TP HCM, hình ảnh đầu tiên xuất hiện là một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng đầy nghị lực và gai góc.
Đi đến đâu chị cũng có thể mang máy tính để làm việc. Chị chia sẻ: "Ngoài 8 tiếng để ngủ thì tôi dành thời gian còn lại cho công việc, và cho Lại Đây Refill Station. Thời gian là thứ duy nhất mà tôi có nên tôi phải làm việc hiệu quả".
Nguyễn Dạ Quyên, Giám đốc Công ty tư vấn quản trị cung ứng CEL Consulting, đồng Sáng Lập Lại Đây Refill Station |
Chị có suy nghĩ về sống xanh hay phong trào sống Zero Waste như hiện nay?
Ý nghĩa của từ "xanh" không còn đơn giản chỉ là để nói về một màu sắc. Hiện nay, từ ngữ này được sử dụng một cách liên tục trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường để nói về hầu hết thứ liên quan đến việc đem lại lợi ích cho môi rường, từ các hành động, phong trào cho đến cả trong kiến trúc và thời trang.
"Thân thiện với môi trường" thì lại không mang một nghĩa quá rộng. Nó nói tới một thứ gì đó không gây hại cho trái đất.
Còn "bền vững" lại là thuật ngữ được định nghĩa chính xác nhất ở đây, và nó đại diện cho một phạm vi rộng các vấn đề và hoạt động, theo Liên Hợp Quốc, "bền vững" có nghĩa là không gây ảnh hưởng đến khả năng, cơ hội của thế hệ tương lai trong việc đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu trong cuộc sống lúc đó.
Sự bền vững chủ yếu hướng tới tương lai. Nó nói đến các công cụ hay hành động đang tạo ra giá trị lợi ích cho môi trường, xã hội và kinh tế, đồng thời không sử dụng quá nhiều tài nguyên hoặc gây ô nhiễm. Tất cả các khía cạnh này đều được bao hàm trong một từ "bền vững".
So với "xanh" và "thân thiện với môi trường", "bền vững" có tiêu chuẩn cao hơn nhiều. Tính bền vững bao gồm các hoạt động thân thiện với môi trường và các sản phẩm xanh, nhưng "xanh" lại không phải lúc nào cũng có nghĩa là "bền vững".
Ví dụ, một sản phẩm được làm từ nguyên liệu tái tạo có thể được coi là xanh, nhưng nếu việc phân tích cả vòng đời của sản phẩm này chỉ ra rằng người ta đã phải dùng nhiều năng lượng để sản xuất và vận chuyển món hàng này, và nếu nó chưa có một phương pháp hợp lí để xử lý sản phẩm này sau khi dùng xong thì nó vẫn chưa được xem là bền vững.
Thành thật mà nói, không có nhiều sản phẩm trong thế giới đồ tiêu dùng ngoài kia thực sự bền vững. Mà thay vào đó là một số sản phẩm bền vững hơn một chút khi so sánh với các sản phẩm thay thế của nó.
Tôi thấy rằng từ "zero" đang tạo ra quá nhiều áp lực cho phần lớn chúng ta, mặc dù trong thực tế là không có cái gì là "zero waste" ở đây cả. Ít nhất là không phải trong nền kinh tế và nơi mà chúng ta đang sống. Không có ai là hoàn hảo cả, tại sao chúng ta lại phải thay đổi khi mọi thứ bắt đầu chuyển sang "zero waste" chứ?
Thuật ngữ "zero waste" cũng mang đến hiệu ứng tiêu cực cho rất nhiều người bởi vì nó có vẻ quá cao siêu và không thể với tới và thật sự trong thực tế nó là như vậy.
Một vấn đề khác khiến tôi không thích đó là nó khiến con người ta chỉ tập trung vào chuyện còn thứ gì chưa "zero" nữa không?" khiến chúng ta chỉ hướng vào những điều tiêu cực.
Nếu chúng ta không thể tiếp cận được với điều kiện, môi trường, cơ sở vật chất nhất định, hoặc có một nhu cầu đặc biệt khiến bạn không thể loại bỏ nhựa trong một vài hoạt động cuộc sống hằng ngày thì thuật ngữ "zero waste" sẽ làm chúng ta cảm thấy khó chịu và nản lòng, bởi vì chúng ta trông như là một chuyên gia phá hủy môi trường vậy.
Đây là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng dành cho tất cả chúng ta, rằng hãy đừng chỉ lan truyền ý thức và sự tử tế đến người khác, mà hãy tử tế với chính bản thân mình.
Lại Đây Refill Station chuẩn bị khai trương, chị có thể chia sẻ đôi điều về mô hình kinh doanh này?
Tại Việt Nam, những con số về lượng bao bì nhựa được gửi đến bãi rác mỗi tuần đang ở mức báo động.
Bằng những thói quen sử dụng một lần từ nhu cầu của con người nói chung, đến những sản phẩm khó phân huỷ nói riêng, chúng ta, mỗi ngày đang lãng phí hàng tấn nhựa. Trong khi 9% nhựa trên thế giới được tái chế, 12% đã bị thiêu huỷ và 79% còn lại được kết thúc tại các bãi rác hoặc môi trường.
Lại Đây Refill Station ra đời cùng với một niềm tin rằng, bằng những hành động nhỏ, chúng ta có thể tạo nên những thay đổi lớn nếu bạn bắt đầu ngay hôm nay.
Từ những cuộc trò chuyện về một trạm dừng, nơi mà chúng ta có thể thuận tiện mang chai lọ đến và làm đầy các sản phẩm cần thiết trong nhà, trong văn phòng hay trong trường học để tiết kiệm các chai nhựa được thải ra mỗi ngày khi dùng hết nhưng lại mất 70 đến 450 năm để phân huỷ.
Hệ quả là chúng ta - những người đang sinh sống trên một bầu không khí - đang phải đối diện với những báo động về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và sức khoẻ con người đang bị đe doạ. Nhưng đáng sợ hơn là thế hệ tương lai, lại không có cơ hội được sinh ra trong một môi trường đầy đủ điều kiện như cách chúng ta được nhận từ môi trường.
Có thể tưởng tượng, Lại Đây Refill Station là cửa hàng tiện dụng, quảng bá và thương mại các sản phẩm, dịch vụ cần cho "lối sống xanh" để bất cứ ai có nhu cầu đều tìm thấy đầy đủ giải pháp sản phẩm thân thiện với môi trường, từ các sản phẩm cho việc chăm sóc, vệ sinh nhà cửa và cá nhân, đến các sản phẩm thân thiện môi trường cho "văn hoá mang đi" cần cho đi chợ, đi chơi, đi học, đi làm, đi ăn, đi uống, đi tập gym, đi du lịch, đi công tác…
Lại Đây Refill Station, mô hình kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam, cho phép người tiêu dùng được chiết các sản phẩm cần cho sinh hoạt cá nhân vào chai lọ cũ để vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm rác nhựa từ các bao bì. Mô hình đầu tiên sẽ được khai trương tại phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM, với hơn 200 sản phẩm và giải pháp cho lối sống bền vững, sống thân thiện với môi trường, sống xanh.
Khó khăn lớn nhất khi chị thực hiện dự án Lại Đây Refill Station là gì? Chị kỳ vọng gì từ mô hình?
Tôi quan niệm rằng "be a part of solutions, not pollution" - nếu không thể là một phần của giải pháp khắc phục, giải quyết vấn đề, thì hãy đừng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Trong rất nhiều ý tưởng kinh doanh, tôi chọn làm Lại Đây Refill. Tôi biết để đi xa, để lan tỏa lối sống xanh trong bối cảnh hiện nay, thì phải xây dựng và phát triển một hệ sinh thái cho lối sống bền vững.
Dự án Lại Đây Refill Station thai nén được 10 tuần, khó khăn chủ yếu là vấn đề nhận thức, thói quen của người tiêu dùng.
Theo tôi, tiềm thức, nhận thức của con người cực kỳ khó thay đổi. Đây là bài toán của phụ thuộc vào chính sách của nhà nước, phía doanh nghiệp sản xuất. Để lan tỏa được lối sống xanh cần trách nhiệm của mọi người.
Ý định mở rộng quy mô dự án dĩ nhiên là có.
Muốn có nhiều người giảm nhựa thì phải tăng điểm bán. Hiện dự án hoạt động ở TP HCM là chủ yếu. Ngoài chuyện kinh doanh, giới thiệu sản phẩm, Lại Đây Refill Station còn có những hoạt động về cộng đồng và giáo dục. Phiên chợ Lại Đây mua đồ nhằm gây quỹ, phục vụ cho dự án bảo tồn rùa sinh vật biển, trồng cây gây rừng và thực hiện các chương trình giáo dục cho học sinh về ý thức giảm thiểu nhựa rác thải.
Ngoài sáng lập Lại Đây Refill Station, chị còn là CEO CEL Consulting, hoạt động trong lĩnh vực quản trị cung ứng. Chị có thể cho biết ngành nghề nào hiện nay đang làm tốt hoạt động này nhất tại Việt Nam?
Quản trị cung ứng là một lĩnh vực mới mẻ và chưa có nhiều dữ liệu cũng như bảng xếp hạng dù đã có mặt ở Việt Nam từ mười năm nay.
Đa phần doanh nghiệp đều biết quản trị cung ứng là cần thiết, nhưng lại chưa đề cao tính cấp bách và tầm quan trọng.
Họ chỉ xem chuỗi cung ứng là một bộ phận đi sau kinh doanh - tiếp thị, trong khi đó là một chiến lược cạnh tranh và quyết định "sống còn" trên thị trường hiện nay. Mặt khác, sự quan tâm của doanh nghiệp đối với việc quản trị cung ứng thường hời hợt, chạy theo phong trào là chủ yếu.
Hiện tại Việt Nam chưa có thống kê nào cho biết được hiệu quả thật sự của doanh nghiệp hay ngành nghề trong chuỗi cung ứng. Bởi, đa phần doanh nghiệp vẫn đang sử dụng những công cụ lạc hậu để quản trị như Microsoft Excel, các số liệu thu nhập chưa có độ tin cậy cao.
Bên cạnh công việc rất bận rộn, vì sao chị vẫn có được cho mình rất nhiều triển lãm tranh, ảnh tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp… và từng đoạt giải thưởng Sáng tạo châu Á 2014 tại Nhật Bản?
Trong chúng ta, ai cũng có một phần nghệ sĩ. Tôi trở thành họa sĩ vì tôi luôn nghĩ mình có thể trở thành họa sĩ và dành thời gian lao động, sáng tạo nghệ thuật, đơn giản vậy thôi. Tôi đam mê tranh ảnh từ nhỏ nhưng không chọn theo con đường nghệ thuật vì nghĩ rằng cuộc sống của nghệ sĩ rất bấp bênh.
Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Khi trưởng thành, tôi thấy thành công trong công việc không thật sự mang lại cho bản thân một cảm giác trọn vẹn. Tôi vẫn luôn cảm thấy cuộc sống của mình thiếu một điều gì đó. Rất may, thời điểm đó, tôi được gia đình khuyến khích học vẽ và rồi, con đường sáng tác của mình bắt đầu.
Năm 2010, tôi tự học vẽ, sáng tác tranh và bắt đầu con đường nghệ thuật theo cách riêng của mình. Theo tôi, chỉ cần có tư duy nghệ sĩ là đủ trở thành một nghệ sĩ "kiểu mới".
Chị từng đưa triển lãm ảnh "Pot-Au-Phở" sang Paris, một thị trường nghệ thuật theo chị từng chia sẻ là đầy sáng tạo và cạnh tranh, chị học điều gì từ chuyến đi này?
"Pot-Au-Phở" là tập hợp những bức ảnh lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật ở Việt Nam và mối liên hệ độc đáo trong ngôn ngữ Việt - Pháp.
Nhan đề của nó được ghép bởi từ "Pot-au-feu" (món súp bò hầm) của Pháp và "phở" của Việt Nam, thể hiện nét giao thoa văn hóa Việt - Pháp, hay dấu ấn từ gốc Pháp trong tiếng Việt.
Khi được trải nghiệm triển lãm ở nhiều nơi khác nhau, tôi cảm thấy là dù là ở đâu, luôn có một nhóm nghệ sĩ đi theo "kiểu mới", họ là những người có tư duy kiểu mới. Đó chính là "không ai sinh ra đã là một nghệ sĩ, muốn trở thành nghệ sĩ thì đầu tiên hết là phải có ý muốn trở thành nghệ sĩ và rồi dành thời gian để học hỏi, thực hành để trở thành". Rồi người nghệ sĩ "kiểu mới" không ngồi "chờ sung rụng" – thụ động chờ người khác "phát hiện" – mà họ chính là người sắp xếp và tự tạo cho chính mình những cơ hội được chia sẻ tác phẩm hay tương tác trong môi trường nghệ thuật.
Có một điểm thú vị là dường như người "nghệ sĩ" khi "xuất ngoại" chia sẻ tác phẩm ngoài môi trường sống hiện tại, dường như lại được đón nhận thú vị hơn, dường như thoát khỏi những giới hạn của môi trường hiện tại.
Chị nghĩ gì về ngày 20/10? Chị dung hòa cuộc sống bằng cách nào với những áp lực về công việc, gia đình?
Khi nói đến ngày 20/10, tôi nghĩ nên có ngày của đàn ông. Tại sao mỗi năm có hai dành cho phụ nữ (ngày 8/3, ngày 20/10), vậy thì 363 ngày còn lại là của ai? Càng gần đến những ngày này tôi lại cảm thấy phụ nữ chúng ta quá nhỏ bé.
Mọi người đều bình đẳng như nhau thì ngày nào cũng là ngày của phụ nữ, mà ngày nay đâu chỉ có mỗi khái niệm "nam" hay "nữ", mà rất cần cởi mở với bình đẳng các giới.
Với quan điểm mọi người đều bình đẳng như nhau, tôi cho rằng không nên có những suy nghĩ ngay cả từ bé thơ như kiểu "con gái phải mặc đồ màu hồng, con trai mặc đồ xanh dương" hay "nghề này không dành cho con gái…" hay "việc này là việc của đàn ông…"
Nhiều chị em luôn thấy áp lực vì mình chưa hoàn thành việc trong nhà mà ra xã hội mình cũng không bằng ai. Chúng ta phải hiểu rằng ai cũng có những giá trị nhất định trong cuộc đời này. Còn trong công việc thì ngày hôm nay chúng ta làm tốt hơn hôm qua đã là thành quả đáng ghi nhận rồi.
Quyền sách nào chị yêu thích nhất?
Tôi thích đọc hai quyền sách The Book of Woman (tạm dịch "Cuốn sách về Phụ nữ") của tác giả Osho và The Four Agreements (tạm dịch là "Bốn hiệp định") của Don Miguel Ruiz.
Hai cuốn sách này có những cách nhìn đơn giản mà khác biệt, cho phụ nữ thấy cách sống nhẹ nhàng, tự do và hạnh phúc hơn. Chẳng hạn lời nói có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến tâm trạng, tinh thần của người khác.
Vì vậy, nếu không nói được lời tử tế thì chúng ta nên im lặng để không làm tổn thương người khác.
Phụ nữ cũng tránh thói quen suy diễn quá mức, tự biến mình trở thành nguyên nhân khiến người khác thất vọng, từ đó họ trở nên khủng hoảng, tự ti…
Cảm ơn chị với những chia sẻ thú vị trên!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/