|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ hoàng Anh - 'bậc thầy' xử lí khủng hoảng

20:47 | 18/01/2020
Chia sẻ
Khi nhà Windsor gặp sóng gió vì vợ chồng Hoàng tử Harry thông báo rời hoàng gia, Nữ hoàng Anh tiếp tục bảo vệ thành công danh tiếng dòng tộc.

Ở tuổi 93, các bậc cao niên trong gia đình thường sẽ dành thời gian quây quần bên người thân và lui về sau để thế hệ trẻ đầy tham vọng giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, vai trò của Nữ hoàng Anh Elizabeth II dường như vẫn không suy chuyển.

Nữ hoàng 93 tuổi đã triệu tập cuộc họp gia đình tại khu nhà riêng ở Sandringham, sau khi Hoàng tử Harry, cháu trai của bà, và Công nương Meghan thông báo rút khỏi vị trí cấp cao trong hoàng gia. 

Mặc dù báo chí đưa tin Thái tử Charles, con trai bà, sẽ hỗ trợ xử lý vấn đề, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn là người đưa ra thông báo cá nhân về sự việc sau cuộc họp.

Nữ hoàng Anh - 'bậc thầy' xử lý khủng hoảng - Ảnh 1.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II (phải) và Công nương Meghan tại một sự kiện ở hạt Cheshire, Anh hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Truyền thông Anh không ngừng đưa tin về những mối bất hòa cũng như góc khuất bên trong hoàng gia sau thông báo gây sốc của Hoàng tử Harry. Tuy nhiên, quyền lực của Nữ hoàng chưa bao giờ trở thành chủ đề gây tranh cãi. Penny Junor, nhà sử học về hoàng gia, cho rằng Nữ hoàng Elizabeth II là hình mẫu trong việc giữ bình tĩnh dưới áp lực.

"Nữ hoàng có thể vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác. Bà ấy rất giỏi xử lý khủng hoảng với sự chuyên nghiệp ở mức bậc thầy", Junor nhận định.

Lên ngôi năm 1952 ở tuổi 25 sau khi vua cha George VI qua đời, Nữ hoàng Elizabeth II từng thề phụng sự đất nước suốt đời, dù quãng thời gian đó ngắn hay dài. Đó là điều bà vẫn thực hiện tới hôm nay. 

Một số người cho rằng phong cách của Nữ hoàng lỗi thời và tẻ nhạt, nhưng không ai có thể phủ nhận bà luôn là một nhà đàm phán mạnh mẽ, sắc sảo, đã làm việc với 14 thủ tướng Anh, từ Winston Churchill tới Boris Johnson.

Trong vài tháng qua, Nữ hoàng vẫn giữ vị trí nhất định trong bối cảnh chính trường Anh gặp nhiều biến động.

Bà đã ra thông báo về việc Theresa May từ chức, giúp cựu thủ tướng giữ tự trọng sau khi không thể đưa đất nước đạt thỏa thuận Brexit, rồi chào đón Johnson lên nắm quyền. Nữ hoàng cũng đưa ra hai bài phát biểu khai mạc kỳ họp quốc hội trong thời gian ngắn, nhưng không sai sót dù chỉ một chữ.

Johnson hôm 14/1 cho biết ông "hoàn toàn tự tin" hoàng gia sẽ tìm ra giải pháp phù hợp cho Harry và Meghan. 

"Quan điểm của tôi về vấn đề này rất đơn giản. Như hầu hết mọi người, tôi là người hâm mộ cuồng nhiệt của Nữ hoàng và hoàng gia, luôn coi họ là báu vật tuyệt vời của đất nước", Thủ tướng Anh nói.

Lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, hồi tháng 12 năm ngoái tới Anh để dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh. 

Giữa lúc London đặt hy vọng vào một thỏa thuận thương mại hậu Brexit có lợi với Washington, Nữ hoàng đã hai lần gặp ông chủ Nhà Trắng tại Lâu đài Windsor và Cung điện Buckingham, sau đó khéo léo sắp xếp tiệc trà giữa vợ chồng Tổng thống Mỹ với vợ chồng Thái tử Charles.

Nữ hoàng Elizabeth II còn nỗ lực lấp khoảng trống của Hoàng thân Philip, người chồng 98 tuổi đóng vai trò mờ nhạt. Ông rút khỏi các công việc hoàng gia từ năm 2017 do sức khỏe yếu, từng nhập viện hai lần vào năm ngoái và quyết định từ bỏ giấy phép lái xe sau khi gây va chạm với phương tiện khác.

Trong khi đó, Nữ hoàng Anh duy trì sức khỏe dẻo dai một cách ấn tượng. Bà vẫn đi dạo với những con chó cưng, tự lái xe xung quanh khu nhà riêng và cưỡi ngựa ngay cả khi trời mưa.

Nữ hoàng Anh - 'bậc thầy' xử lý khủng hoảng - Ảnh 2.

Nữ hoàng Elizabeth II cưỡi ngựa tại lâu đài Windsor hồi tháng 11/2019. Ảnh: Image Direct.

Nhà Windsor có tuổi đời hơn một thế kỷ, một trong những chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới còn tồn tại, từng cùng đất nước trải qua hai cuộc thế chiến. Tuy nhiên, nhiều thách thức mà nữ Hoàng Elizabeth II phải đối mặt xuất phát từ chính gia đình bà, như những mối quan hệ, ly hôn, giao dịch tài chính và bê bối cá nhân.

Hoàng gia Anh từng chấn động với cuộc ly hôn giữa Thái tử Charles và Công nương Diana. Nữ hoàng ban đầu đánh giá thấp phản ứng của công chúng sau cái chết của công nương trong vụ tai nạn xe hơi hồi năm 1997, nhưng cuối cùng xử lý một cách thích hợp khi quyết định tổ chức đám tang theo nghi thức hoàng gia, với tất cả sự long trọng mà cung điện có thể trao tặng.

Chỉ vài tuần trước "cuộc khủng hoảng" Harry - Meghan, Hoàng tử Andrew, con trai thứ ba của Nữ hoàng Elizabeth II, cũng xin rút khỏi các công việc hoàng gia sau những lùm xùm quanh mối quan hệ với tỷ phú ấu dâm Mỹ Jeffrey Epstein. Nữ hoàng được cho là đã lặng lẽ ra yêu cầu này.

Trong tuyên bố cá nhân khá khác thường hôm 13/1, Nữ hoàng Elizabeth II cho biết bà và hoàng gia "hoàn toàn ủng hộ mong muốn tạo dựng cuộc sống mới của Harry và Meghan", dấu hiệu cho thấy bà đã nắm được vấn đề. Tuy nhiên, Nữ hoàng cũng nhấn mạnh sẽ có "giai đoạn chuyển đổi", trong đó vợ chồng Harry phải chia thời gian hoạt động tại Canada và Anh.

Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là cách xử lý "thiên tài", khi cho cặp vợ chồng trẻ khoảng thời gian để bình tĩnh hơn, cũng như cơ hội rút khỏi hoàng gia êm đềm hơn.

Robert Lacey, người viết tiểu sử hoàng gia, cho rằng Nữ hoàng vừa để lại hình ảnh một người bà quan tâm, ủng hộ và yêu thương Harry cũng như cháu dâu, vừa quản thúc họ bằng cách gửi đi thông điệp rằng "hãy sắp xếp mọi thứ trong vài ngày, không phải vài tuần".

"Nữ hoàng một lần nữa phải đứng ra kiểm soát mọi thứ. Bà ấy có bàn tay thép bên trong chiếc găng bằng nhung. Tôi cho rằng đó là điều mà Nữ hoàng luôn làm. Bà chưa từng quan tâm tới bất cứ điều gì khác ngoài các nhiệm vụ và danh dự, luôn đặt hoàng gia lên trên hết", Ingrid Seward, tổng biên tập tạp chí Majesty, nhận định.

Sau gần 7 thập kỷ từ khi lên ngôi, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn nắm quyền và chứng minh vị trí nguyên thủ quốc gia. 

Nhà làm phim tài liệu Denys Blakeway giải thích Hoàng gia Anh duy trì được quyền lực trong thời gian dài nhờ chăm sóc hình ảnh, đảm bảo những người không đủ tiêu chuẩn bị gạt ra ngoài, đồng thời chú trọng các lý tưởng của vua George V, gồm nghĩa vụ, phụng sự và thận trọng.

Trong bài phát biểu nhân dịp Giáng sinh trên truyền hình cuối năm ngoái, Nữ hoàng Elizabeth II đề cao tầm quan trọng của sự hòa giải, cho biết "từng bước nhỏ được thực hiện với niềm tin và hy vọng có thể giúp vượt qua những khác biệt lâu dài và chia rẽ sâu sắc, mang lại sự hòa hợp và thấu hiểu".

"Đương nhiên con đường không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đôi lúc dường như khá gập ghềnh trong năm nay, nhưng những bước đi nhỏ có thể tạo nên một thế giới khác biệt", Nữ hoàng nói thêm.

Ánh Ngọc