Novaland bán thành công 120 triệu USD cổ phần cho nhà đầu tư ngoại
Đây một phần trong kế hoạch huy động vốn của Novaland trước khi công ty này tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Novaland trước đó cho biết.
Theo website của Novaland, công ty này sẽ tiến hành chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư tài chính nổi bật để tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Bloomberg cho biết Novaland đã bán 10% cổ phần cho 18 nhà đầu tư. Hãng tin Bloomberg dẫn lời CEO Novaland Phan Thành Huy cho biết công ty đã nhận được chào mua gấp đôi khối lượng chào bán. Khoảng 70% nhà đầu tư của Novaland là các tổ chức tài chính nước ngoài, đến từ Hong Kong, Singapore và Thailand.
Trước đó, Novaland cho biết đã huy động được 60 triệu USD bằng trái phiếu chuyển đổi từ các nhà đầu tư Thụy Sỹ và Hong Kong đầu năm nay, sau khi huy động 50 triệu USD năm 2015. Việc bán cổ phần lần này là khoản đầu tư lớn nhất vào một doanh nghiệp bất động sản Việt Nam kể từ khi Warburg Pincus đầu tư 200 triệu USD vào công ty bán lẻ Vincom Retail của tập đoàn Vingroup năm 2013, sau đó năm 2015 Vincom Retail còn nhận thêm 100 triệu USD tiền đầu tư từ doanh nghiệp đầu tư cổ phiếu toàn cầu này.
Warburg Pincus mới đây cũng tuyên bố thành lập liên doanh với công ty quản lý quỹ VinaCapital, doanh nghiệp đầu tư 15 triệu USD vào Novaland, để đầu tư vào bất động sản khách sạn tại Việt Nam. Theo Deal Street Asia, hiện không rõ liệu VinaCapital có loại bỏ Novaland khỏi danh mục đầu tư của mình không, cho dù nhà quản lý quỹ này cho biết muốn giảm đầu tư vào bất động sản.
Năm 2015, Deal Street Asia đưa tin rằng Novaland dự kiến sẽ IPO vào năm 2017, tuy nhiên các thông báo mới đây cho thấy công ty này dự kiến kết thúc việc niêm yết vào tháng sau. "Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) của công ty được dự kiến là khoảng 20 - 25% sau niêm yết", Phan Lê Hòa, người đứng đầu bộ phận quan hệ nhà đầu tư và huy động vốn của Novaland cho biết tháng trước. Novaland sẽ niêm yết toàn bộ cổ phiếu của mình tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE). Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập sẽ được giữ lại ở mức khống chế là khoảng 51%, theo Novaland.
Ông Hòa tiết lộ công ty được định giá vào khoảng 1,2 đến 1,4 tỷ USD. Việc niêm yết sẽ tạo thuận lợi cho Novaland trong việc huy động vốn và các hoạt động M&A khi công ty muốn nắm giữ đa số cổ phần hay toàn bộ sở hữu tại một dự án, ông Hòa cho biết.
Novaland cũng đặt mục tiêu trở thành một trong 30 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất. Là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu ở khu vực miền Nam, tập trung vào các dự án tầm trung - cao và dự án hỗn hợp cao cấp, Novaland ghi nhận doanh thu 6,7 nghìn tỷ đồng năm 2015 và lợi nhuận ròng đạt 446 tỷ đồng.
Tiền thân của Novaland là công ty TNHH Thành Nhơn. Năm 2007, Thành Nhơn được tách thành Novaland và công ty thức ăn chăn nuôi Anova. Anova cũng đã thu hút đầu tư hàng triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB).