|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản, thực phẩm chớp cơ hội vàng

16:13 | 18/04/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm toàn cầu bị trục trặc là lúc người tiêu dùng tăng sử dụng hàng nội địa

Mới đây, tại hội thảo trực tuyến về giải pháp cho nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Trương Gia Bình nhấn mạnh doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có cơ hội lớn khi người tiêu dùng chuyển sang dùng thực phẩm nội.

Lợi thế hàng tại chỗ

Theo chủ tịch VIDA, trước đây người dân sử dụng thực phẩm nhập khẩu nhiều thì nay giảm do logistics bị đình trệ khắp nơi trên thế giới và DN có 9-12 tháng để chớp cơ hội này.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy 3 tháng đầu năm 2020, ngành rau quả Việt Nam nhập khẩu 294 triệu USD, giảm đến 29,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh nhất, lên tới 90%, kế đến là Trung Quốc (giảm 27,7%), Úc (giảm 18,5%).

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (tỉnh Long An), cho hay xu hướng người tiêu dùng chuyển từ sản phẩm nhập khẩu sang hàng nội khá rõ. 

Theo ông Huy, dịch Covid-19 tuy khiến các ngành khó khăn nhưng nông nghiệp Việt Nam nếu được tiếp sức có thể xác lập vị trí mới, khẳng định lợi thế. Không chỉ cạnh tranh tốt ở thị trường trong nước mà cả trên phương diện xuất khẩu. "Chuối hiện nay xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc rất tốt vì đây là nhóm mặt hàng có lợi cho sức khỏe, tăng sức đề kháng. 

Trong khi đó, chuối Ecuador, đối thủ của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, sụt giảm sản lượng mạnh bởi dịch bệnh. Đây là cơ hội của chuối Việt Nam khi chúng ta vẫn giữ được sản xuất và thị trường" - ông Huy nhấn mạnh.

Nông sản, thực phẩm chớp cơ hội vàng - Ảnh 1.

Nhiều loại trái cây Việt đang được tiêu thụ khá tốt ở thị trường trong nước. Ảnh: THANH NHÂN

Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (TP Cần Thơ), cho rằng giữa lúc sức mua sụt giảm do dịch, nếu người sản xuất nông sản sạch đáp ứng tiêu chuẩn các kênh cửa hàng tiện lợi, siêu thị thì vẫn "sống khỏe". 

Chỉ có người dân quen làm hàng chợ, bán tiểu ngạch sang Trung Quốc mới gặp khó khăn vì thiếu nơi tiêu thụ. 

"Thị trường Việt Nam rất lớn nhưng người tiêu dùng cần hàng sạch, giá cả phải chăng. Theo tôi, đã đến lúc người sản xuất cần phải có ý thức trách nhiệm về sản phẩm và coi trọng việc phát triển bền vững hơn là chạy đua sản lượng. 

Thời gian qua, nông dân trồng trái cây dùng phân, thuốc để cây nhiều trái dẫn đến giá thành cao, dễ tồn dư thuốc, nếu không bán được giá cao sẽ bị lỗ. 

Tại sao người dân không nghĩ đến việc giảm phân, thuốc để giảm giá thành, bảo đảm chất lượng để cung cấp hàng an toàn ra thị trường?" - ông Cung đặt vấn đề.

Vấn đề thu hái, đóng gói, bảo quản trái cây theo tiêu chuẩn xuất khẩu để phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng là cách để trái cây Việt lấy lòng người Việt. Mới đây, bà Nguyễn Thị Thành Thực, chuyên gia về xuất khẩu trái cây, đã hỗ trợ một DN tại Đắk Lắk để chuẩn bị đưa khoảng 6.000 tấn vải thiều chín sớm ra thị trường. 

Theo bà Thực, giai đoạn này xuất hàng sang Trung Quốc không thuận lợi nên người dân có cơ hội được thưởng thức nhiều trái cây ngon, bởi trước đây khi Trung Quốc hút hàng, họ chấp nhận mua loại ngon với giá cao ngất ngưởng, nên không còn hàng tốt để bán nội địa. 

Với thị trường trong nước, trước đây thương lái đưa hàng về TP HCM thường bị chua và xấu mã do không có kinh nghiệm về bảo quản.

Nhanh nhạy tận dụng thời cơ

Về giải pháp thúc đẩy đầu ra cho hàng Việt trong bối cảnh tiêu dùng thị trường trong nước lẫn xuất khẩu đều bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng hơn lúc nào hết, thời điểm này DN cần vững vàng, khai thác tốt thị trường nội địa. 

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bên cạnh việc hỗ trợ kết nối thị trường, xúc tiến thương mại của ngành công thương và sự chủ động của các DN.

DN dẫn đầu trong lĩnh vực giết mổ, chế biến thịt heo là Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) ở TP HCM cũng nhanh nhạy tham gia hình thức bán hàng đang phát triển rầm rộ bằng cách triển khai dịch vụ đặt hàng và giao tận nhà qua hotline và fanpage từ đầu tháng 4-2020. 

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc VISSAN, cho biết kênh bán hàng mới này ra đời sau một thời gian triển khai thử nghiệm và được người tiêu dùng ủng hộ, đặc biệt là chọn đúng thời điểm người dân được khuyến khích hạn chế ra đường để phòng dịch. 

"Người tiêu dùng chỉ cần liên hệ hotline hoặc nhắn tin đến fanpage của công ty những mặt hàng cần mua, nhân viên sẽ tiếp nhận đơn hàng, chuyển cho cửa hàng hoặc điểm bán gần nhất để giao hàng trong vòng 3 giờ" - ông Dũng nói.

Đến nay, với hệ thống 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, VISSAN đã triển khai bán hàng qua điện thoại và fanpage tại 22 quận, huyện ở TP HCM (trừ huyện Củ Chi và Cần Giờ). 

Sản phẩm phân phối qua kênh bán hàng này cũng khá đa dạng, bao gồm sản phẩm chủ lực của VISSAN là thực phẩm tươi sống như thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP, thịt heo thảo mộc, thịt bò Úc; thực phẩm chế biến (xúc xích tiệt trùng, đồ hộp, lạp xưởng, giò các loại, thịt nguội, chế biến đông lạnh, chế biến khô) và gia vị. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể kết hợp mua mua trứng, đường, sữa, gạo... trong đơn hàng.

Xu hướng tiêu dùng mới cũng dẫn dắt các nhà sản xuất đầu tư hơn cho cải tiến bao bì, cách thức bảo quản sản phẩm, đồng thời mở đường cho những dòng sản phẩm chế biến sẵn, chỉ cần làm nóng là sử dụng được ngay. 

Tại Công ty CP Sài Gòn Food, dòng sản phẩm "bữa ăn liền" như nui xào hải sản, miến gà, cơm chiên cá mặn gà xé, bún riêu cua đồng... tiêu thụ tăng đột biến. Công ty Masan cũng có thịt heo viên 3 phút (dạng xíu mại) đang được ưa chuộng...

Điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội cho thấy 92% người dân được hỏi đã cho biết rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt và 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè chọn hàng Việt khi mua sắm. 

Thói quen tiêu dùng thay đổi

Trong cơn đại dịch, mọi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người dân thay đổi và xáo trộn, nhiều DN đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này và cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Đến nay, các DN bán lẻ lớn đều đã triển khai hoạt động bán hàng qua điện thoại, website, bán hàng qua các ứng dụng trực tuyến để phục vụ nhu cầu "ngồi nhà mua hàng" của người dân, đặc biệt trong những ngày cả nước hạn chế ra đường khi không thật cần thiết theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ghi nhận của các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte Mart, Vinmart..., lượng đơn hàng đặt qua điện thoại hoặc ứng dụng (app) trong hơn nửa tháng nay tăng mạnh so với thời gian trước. Người tiêu dùng không chỉ đặt hàng tiêu dùng, nước tẩy rửa, thực phẩm khô... mà còn đặt mua cả thực phẩm chế biến sẵn, rau củ, trái cây, thịt cá, sữa, thực phẩm đông lạnh...