|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản, dệt may, da giày hưởng lợi từ EVFTA, còn thách thức sẽ thuộc về ai?

15:56 | 25/05/2020
Chia sẻ
Nông thủy sản, dệt may, da giày là những ngành được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA nhưng các cam kết trong hiệp định này cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn trong một số ngành như dược phẩm, tài chính, ngân hàng,...

Theo Bộ Công Thương với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các FTA trước đây của Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kì vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Số liệu nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. 

Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57 - 5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07 - 7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Xét theo ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU dự kiến sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao đối với các ngành hàng.

Cụ thể, với ngành nông thủy sản, EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu nông thủy sản tại Việt Nam, trong đó gạo tăng thêm 65% vào năm 2025, đường tăng 8%, thịt heo tăng 4%, lâm sản tăng 3%, thịt gia súc gia cầm tăng 4%, đồ uống và thuốc lá tăng 5% và thủy sản tăng 2% trong giai đoạn 2020-2030.

Đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% với ngành dệt và 14% với ngành may vào năm 2030. 

Đối với ngành da giày, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, các cam kết trong Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cho ta trong một số ngành.

Trong đó, với ngành dược phẩm, cam kết của EVFTA về thuế quan đối với dược phẩm có thể không tạo ra thay đổi gì lớn trong tương lai gần đối với việc xuất, nhập khẩu dược phẩm giữa Việt Nam và EU. 

Tuy nhiên, các cam kết liên quan tới dược phẩm ở các khía cạnh khác sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và doanh nghiệp dược Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, theo hướng dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng và trực tiếp hơn.

Đồng thời mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sẽ được tăng cường, khiến một số loại dược phẩm có thể chậm được giảm giá hơn; cạnh tranh gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam (trong nhóm đã cam kết mở cửa cho nhà thầu EU). 

Tác động này rõ rệt hơn với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được). Đối với các sản phẩm thuốc thông thường, thuốc generic mà Việt Nam đã sản xuất được, các tác động không quá lớn.

Với ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, EVFTA mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy tự do hóa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam. Tác động của mở cửa dịch vụ với nhóm ngành này là tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp từ EU. 

Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.

Ngoài ra, với ngành logistics, EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành logistics ở 2 góc độ là cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải và cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ qui mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.

Tuy nhiên, đây lại chính là những ngành huyết mạch của nền kinh tế mà Việt Nam đang cần phát triển nhằm nâng cao năng lực phục vụ các ngành sản xuất kinh doanh trong nước như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics hoặc các ngành phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đời sống sức khỏe của người dân như dược phẩm. 

"Do đó, sức ép cạnh tranh trong các ngành này tuy có nhưng là cần thiết và tất yếu để giúp ta có cơ hội hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ, vốn, công nghệ và kinh nghiệm để tạo đà tăng trưởng và phát triển lên một tầm cao mới", Bộ Công Thương nhận định


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.