|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân thế giới vẫn kiếm bộn tiền bất chấp giá nhiên liệu, phân bón tăng vọt

17:17 | 25/05/2022
Chia sẻ
Theo nghiên cứu từ Fed chi nhánh Kansas, bất chấp chi phí sản xuất tăng cao, nông dân thế giới vẫn đang được hưởng lợi khi giá nông sản còn bật tăng khủng khiếp hơn.

(Ảnh minh họa: Guardian).

Nông dân thế giới vẫn kiếm được tiền dù chi cho phí nhiên liệu và phân bón cao hơn, do giá nông sản thậm chí còn bật tăng mạnh mẽ hơn, Bloomberg đưa tin.

Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Kansas, những người nhận thấy cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ có tác động “lâu dài” đến thị trường hàng hóa.

Trong báo cáo công bố đầu tuần này, nhóm chuyên gia cho hay: “Tình trạng gián đoạn nguồn cung, một phần liên quan tới chiến sự tại Ukraine, đã thúc đẩy giá hàng hóa tăng mạnh. Xu hướng này có thể hỗ trợ các vùng và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa”.

Nga và Ukraine là hai trong những nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng cũng như nông sản lớn, bao gồm khí đốt tự nhiên, lúa mì và phân bón. Giá của các nguyên liệu thô này đã tăng vọt kể từ khi Nga động binh với Ukraine và làn sóng trừng phạt của phương Tây làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa.

Ngay cả trước khi chiến sự nổ ra, giá nguyên liệu thô trên toàn cầu đã leo thang chóng mặt do nhu cầu mạnh mẽ nhưng nguồn cung bị thắt chặt. Hơn hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra những nút thắt trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Các nhà nghiên cứu tại Fed chi nhánh Kansas nói thêm, trong bối cảnh dòng chảy thương mại bị hạn chế và sản lượng eo hẹp, tồn kho nông sản và năng lượng đều xuống thấp. Giao dịch trên thị trường tương lai cho thấy giá hàng hóa nhiều khả năng vẫn tiếp tục tăng.

Đến nay, người tiêu dùng đã cảm nhận được ảnh hưởng, khi giá xăng, dầu ăn, ngũ cốc và nhiều mặt hàng gia dụng thiết yếu đều phi mã. Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, giá cả đắt đỏ hơn có thể khiến người tiêu dùng cân nhắc các lựa chọn rẻ hơn.

Chẳng hạn, khách hàng có thể chuyển từ lúa mì sang các loại ngũ cốc khác như gạo, hoặc nhu cầu có thể tăng lên đối với các phương tiện di chuyển tiết kiệm năng lượng như xe điện.

Cũng theo báo cáo của Fed chi nhánh Kansas, trong những năm tới, dòng chảy thương mại toàn cầu có thể được định hình lại khi doanh nghiệp và các nước tìm cách giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng và tránh tiếp xúc với các đối tác không đáng tin cậy.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể đa dạng nguồn cung khí đốt để bớt phụ thuộc vào Nga, và các nhà nhập khẩu lúa mì ở Trung Đông có thể tìm các nguồn ngũ cốc thay thế.

Khả Nhân