|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân Tây Ninh ồ ạt bỏ mía, nguy cơ mất vùng nguyên liệu

15:50 | 29/12/2017
Chia sẻ
Do giá cả xuống thấp, trồng mía không còn có lãi như những năm trước, hiện nông dân tỉnh Tây Ninh thu hoạch mía tới đâu, cho phá bỏ mía gốc (vụ ba) tới đó để chuyển sang trồng sắn hoặc các loại cây trồng khác có lợi hơn.
nong dan tay ninh o at bo mia nguy co mat vung nguyen lieu

Điều này tạo ra nguy cơ sẽ thiếu nguồn nguyên liệu mía nghiêm trọng tại một tỉnh được xem là "vương quốc mía đường" cho mùa vụ chế biến trong những năm sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp A2, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) có 23 ha mía trồng tại địa phương, đã thu hoạch được 6 ha, năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha. Với giá thu mua của nhà máy (thuộc Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa) năm nay chỉ 900.000 đồng/tấn (10 CCS), nên sau khi tính toán trừ chi phí, ông Tuấn không còn khoản thu nhập nào, thậm chí bị lỗ.

Theo ông Tuấn, sau khi hoàn tất vụ thu hoạch ông sẽ chuyển toàn bộ diện tích mía vụ ba (13 ha) sang trồng sắn, ngô và cây trồng khác để có thu nhập trang trải nợ nần.

Tương tự, bà Đặng Thị Ngọc Diễm ở ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu vừa thu hoạch xong 10 ha mía. Bà Diễm cho biết, với năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha, chữ đường đạt 8,5 CCS, nhưng với giá mía của nhà máy mua vào như hiện nay thì số tiền thu được không đủ để trang trải cho chi phí đầu tư và công thu hoạch. Do trồng mía không còn có lãi, rủi ro cao (do sợ mía cháy), nên vụ này bà Diễm dự định sẽ cày bỏ toàn bộ diện tích mía gốc để chuyển sang trồng sắn.

Ông Nguyễn Văn Triển, huyện Châu Thành (Tây Ninh) có hợp đồng trồng 170 ha mía ở Campuchia hiện đang cho thu hoạch cho biết, có 3 lý do năm nay người dân có hợp đồng trồng mía bên Campuchia bỏ mía nhiều là diện tích mía bị cháy quá lớn (đã cháy gần 500 ha), trong khi người trồng mía thì khó có thể nhờ chính quyền địa phương sở tại để ngăn chặn, xử lý kẻ xấu. Thứ hai là giá thu mua mía năm nay thấp, trong khi năng suất mía trồng ở Campuchia bình quân chỉ đạt 65 tấn/ha.

Bên cạnh chi phí đầu tư, chăm sóc, công thu hoạch, người trồng mía ở Campuchia phải chịu thêm các khoản chi phí khác như tiền thuê đất, phí kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, phí làm thủ tục hải quan... khi vận chuyển mía về nhà máy; kế đến là chữ đường thấp (bình quân chất lượng mía ở đây chỉ đạt 8,5 CCS).... Sau khi trừ chi phí, người trồng mía từ hòa vốn đến lỗ.

Ông Triển cho biết, sau vụ thu hoạch này, thay vì sẽ đầu tư trồng lại toàn bộ diện tích mía trồng mới (vì mía đã hết vụ ba), ông sẽ chuyển 20 ha đất sang trồng sắn, số còn lại sẽ để sang mùa thứ tư vì chi phí đầu tư ít.

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng thừa nhận diện tích trồng mía năm nay trên địa bàn tỉnh (kể cả vùng nguyên liệu bên Campuchia) sẽ giảm mạnh do giá thu mua mía nguyên liệu thấp, nông dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các nhà máy đường cũng gặp không ít khó khăn do giá đường xuống thấp.

Theo ông Trong, sắp tới (kể từ 1/1/2018) thuế nhập khẩu đường sẽ xuống còn 0% do Việt Nam thực hiện cam kết theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, giá đường sẽ còn giảm sâu. Do vậy, ngành chế biến mía đường buộc phải giảm giá thành sản xuất bằng cách giảm giá mua nguyên liệu đầu vào, từ đó đòi hỏi người trồng mía phải tính toán lại chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Dựa vào giá nguyên liệu hiện nay thì năng suất mía của nông dân phải đạt từ 80 tấn/ha trở lên, đồng thời năng suất đường phải đạt 8 tấn/ha trở lên (chữ đường phải đạt từ 10 - 11 CCS trở lên), chi phí trồng mía phải giảm từ 500.000 đồng/tấn mía cây so với hiện nay người trồng mía mới có lãi.

Ông Trong khuyến cáo, nếu không đạt các chỉ tiêu kể trên thì nông dân nên chuyển diện tích trồng mía sang các loại cây trồng khác để đạt hiệu quả hơn trong sản xuất.

Lê Đức Hoảnh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).