|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân Mỹ Đức 'treo chuồng' vì giá lợn giống cao

13:55 | 15/05/2020
Chia sẻ
Dù nhiều tháng qua không xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) mới nhưng hầu hết chuồng trại của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Mỹ Đức vẫn trống không.
Nông dân Mỹ Đức 'treo chuồng' vì giá lợn giống cao - Ảnh 1.

Hộ chăn nuôi gia đình anh Đồng Văn Đạt ở Hương Sơn, Mỹ Đức. Ảnh: Nguyễn Nga

Dẫn chúng tôi thăm khu chuồng trại bỏ không vừa mới đầu tư cách đây 2 năm với số tiền hơn 100 triệu đồng, bà Đồng Thị Ngư, thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn chia sẻ: "Đợt dịch vừa qua, gia đình tôi tiêu hủy hơn chục con lợn. 

Dù giá lợn thịt tăng cao, gia đình muốn tái đàn để gỡ gạc lại chút vốn nhưng việc tìm mua con giống rất khó khăn. Đặc biệt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó tiếp cận nguồn giống từ các công ty".

Cũng dè dặt trong việc tái đàn, hộ anh Đồng Văn Đạt ở xã Hương Sơn chỉ dám nhập vài con lợn giống về nuôi. Một mặt để nuôi thử theo dõi tình hình dịch bệnh, mặt khác vì giá con giống quá cao, từ 2,8 – 3,5 triệu đồng/con loại 8 – 12kg, trong khi rủi do cao nên anh không dám mạo hiểm. Theo anh Đạt, với mức giá con giống như hiện nay, nếu không cân đối, tính toán kỹ sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Điều đáng nói, ngoài e ngại tái đàn lợn, nhiều hộ dân còn hạn chế trong việc chuyển đổi vật nuôi, đặc biệt là đầu tư chăn nuôi gia cầm. Nguyên nhân bởi giá gia cầm thời gian vừa qua xuống quá thấp, trong khi thị trường đang xảy ra tình trạng cung thừa cầu. 

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết, Mỹ Đức là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt DTLCP năm 2019, với tổng đàn lợn bị tiêu hủy là 30.270 con. Thời điểm này, huyện đang khuyến khích người dân tái đàn lợn, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, chăn nuôi an toàn sinh học. 

Huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn, tăng cường hướng dẫn, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chăn nuôi lớn, các trang trại chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn. Tuy nhiên kết quả không mấy khả quan, hiện tỷ lệ tái đàn lợn của huyện mới đạt 52%.

Chia sẻ những khó khăn trong việc tái đàn lợn hiện nay, ông Hồng cho biết: Trên địa bàn huyện Mỹ Đức chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ bảo đảm điều kiện an toàn sinh học cho tái đàn là rất thấp.

Ngoài ra, do giá con giống quá cao và khan hiếm nên người dân không mặn mà tái đàn lợn. Mặt khác, DTLCP vẫn có nguy cơ bùng phát, mới đây huyện Ứng Hòa là địa phương tiếp giáp với Mỹ Đức tái phát DTLCP, gây tâm lý e ngại cho người dân. 

Để hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tốc độ tái đàn lợn, ông Hồng kiến nghị TP và các ngành liên quan sớm triển khai các chương trình hỗ trợ người chăn nuôi như hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giãn nợ, hỗ trợ con giống.

Phương Nga