|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân Bình Phước mạo hiểm với giống cây hồ tiêu 'lạ'

12:04 | 06/03/2018
Chia sẻ
Một số hộ dân ở tỉnh Bình Phước đã mạo hiểm trồng thêm giống tiêu “lạ” có tên Srilanka với mong muốn hạn chế thấp sâu bệnh hại, phát triển ổn định hơn.

Trong vài năm gần đây, tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu tại tỉnh Bình Phước diễn biến phức tạp, vườn tiêu đang xanh tươi bạt ngàn bỗng dưng chết đứng. Bên cạnh đó, trong hai niên vụ trở lại đây, giá thu mua hạt tiêu “tuột dốc” khiến nhiều hộ dân lo lắng, kinh tế gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, một số hộ dân đã mạo hiểm trồng thêm giống tiêu “lạ” có tên Srilanka với mong muốn hạn chế thấp sâu bệnh hại, phát triển ổn định hơn.

Ghi nhận tại xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, người dân trồng tiêu Srilanka cho biết, ban đầu lấy giống tiêu này từ Campuchia. Giống này được người bán giới thiệu có khả năng chịu hạn, năng suất, chất lượng hạt tiêu về độ cay, nồng… Giống Srilanka này cho năng suất cao, mỗi trụ tiêu trưởng thành có thể thu từ 10 kg tiêu khô trở lên, hơn so với giống tiêu thường.

Hộ gia đình ông Trần Văn Cọp, ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến là một trong những hộ dân trồng hồ tiêu dày dạn kinh nghiệm và đang phát triển giống tiêu mới này. Năm 2014, khi ông đi làm bên Campuchia thấy trồng giống tiêu Srilanka có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt nên nên một thời gian sau mua về trồng thử nghiệm. Ban đầu ông chỉ mua về trồng 40 trụ với giá 150.000 đồng/1 dây giống. Sau đó, khi ông Cọp thấy cây tiêu phát triển nhanh, khỏe, kháng bệnh tốt nên phát triển thêm lên 400 trụ. Đến nay, vườn tiêu của gia đình ông Cọp đã được hơn 2 năm tuổi, dù chưa cắt dây nhưng đã bắt đầu cho trái, mỗi chùm dài từ 18 - 20 cm, lá tiêu rất to...

Ông Trần Văn Cọp, ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến chia sẻ, trước trồng thêm loại tiêu này, ông đã đi xem vườn những người đã trồng. Đến giờ giống tiêu này có gì đặc biệt thì ông chưa rõ, nhưng ông thấy nhiều năm qua loại giống này cho trái nhiều, trong khi giống cũ hay bị chết do sâu bệnh. Nếu trồng dặm lại rất khó lên, còn giống này thì phát triển tốt.

nong dan binh phuoc mao hiem voi giong cay ho tieu la
Nông dân Bình Phước mạo hiểm với giống cây hồ tiêu “lạ”. Ảnh minh họa: TTXVN

Còn gia đình ông Sầm Dương cũng ở cùng ấp, sau khi thấy vườn tiêu ông Cọp phát triển xanh tốt, ông Dương cũng mua 80 dây tiêu Srilanka về trồng. Hiện nay, bên cạnh 40 trụ tiêu giống mới, gia đình ông Dương vẫn duy trì trên 500 trụ giống tiêu địa phương. Ông Sầm Dương cho biết, giống tiêu Srilanka này dễ trồng, cách chăm sóc, thu hái giống hệt tiêu thông thường, nhưng giá dây tiêu, chế độ dinh dưỡng, phân bón cao hơn với tiêu thường. Chi phí trồng trung bình một trụ hết hơn 300.000 đồng. Năm tới nếu giống tiêu này phát triển mạnh thì ông tiếp tục mở rộng thêm.

Thời điểm này, do trên địa bàn có khá nhiều hộ dân trồng giống tiêu này nên giá dây giống chỉ còn khoảng trên dưới 30.000 đồng/1 dây so với 150.000 đồng/1 dây trước kia.

Ông Phạm Đức Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến cho biết, trên địa bàn xã có 20 đến 30 hộ trồng giống tiêu mới này. Hiện tại có những hộ trồng số lượng nhiều từ 300 đến 400 trụ, hộ trồng ít khoảng 40 đến 50 trụ. Một số hộ đã trồng thì vườn tiêu phát triển tốt, tuy nhiên cũng có một số hộ trồng cũng bị chết, chết khoảng 70 đến 80%. Nguyên nhân có thể do giống mới, người dân thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật, các loại giống này cũng chưa được chứng nhận tại địa phương. Do đó, hội khuyến cáo, trong thời gian chờ đợi ngành nông nghiệp, các ngành chức năng có kết luận chính thức thì bà con cần cân nhắc trồng giống tiêu này để tránh thiệt hại kinh tế.

Trước kia, vài năm trở lại đây, nông dân huyện Lộc Ninh và Bù Đốp cũng đã được cơ quan chức năng cảnh báo về giống tiêu Malaysia, rồi việc điêu đứng bởi giống tiêu Amazon do không phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Hiện nay, nông dân Bù Đốp đang thử nghiệm với giống tiêu Srilanka này mà không biết hiệu quả lâu dài như thế nào.

Vì vậy, việc cơ quan chức năng cần sớm có nhận định, khuyến cáo giống tiêu Srilanka có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương hay không để người dân yên tâm sản xuất đại trà, góp phần phát triển kinh tế bền vững.