|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nóng bỏng thị trường bao cao su

17:40 | 28/08/2019
Chia sẻ
Sức tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao, thị trường bao cao su đang rất phát triển.

Thời gian gần đây, các quảng cáo của Durex làm mưa làm gió trên mạng xã hội với nhiều ý tưởng sáng tạo, hài hước về chuyện tế nhị. Tuy nhiên, sự xuất hiện dày đặc của thương hiệu bao cao su này cũng cho thấy mức độ cạnh tranh tại thị trường sản phẩm nhạy cảm này đang nóng lên.

bao cao su

Ảnh: naukrinama.com.

Theo một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế, Durex đã chọn Việt Nam là một trong những quốc gia để phát triển sản phẩm bao cao su bởi Việt Nam có dân số đông với 90 triệu dân, đứng thứ 13 trên thế giới. 

Đặc biệt, với dân số trong độ tuổi từ 25-45 (số người trong độ tuổi thường xuyên sinh hoạt tình dục) chiếm 29% tổng dân số, Durex thấy đây là thị trường đầy tiềm năng đối với sản phẩm bao cao su.

Nóng bỏng thị trường bao cao su - Ảnh 2.

Cũng theo số liệu thống kê của nhóm này, tổng doanh thu của Durex tại thị trường Việt Nam vào năm 2012 là 20,4 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt từ 10-15%, riêng trong năm 2013, tốc độ này có tăng lên 30%. Tổng số lượng bao cao su Durex được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trong năm 2018 đạt 4,16 triệu bao.

Tại Việt Nam, Merufa gần như là công ty duy nhất sản xuất bao cao su. Tiền thân của Merufa là Xí nghiệp Cao su Y tế (thuộc Bộ Y tế Việt Nam). Tuy nhiên, bao cao su của Merufa sản xuất mang thương hiệu OK, Trust, Happy... chủ yếu là giá rẻ hoặc phát miễn phí, khó cạnh tranh với các nhãn hiệu nổi tiếng khác của nước ngoài như Durex hay Sagami.

Khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, thị phần bao cao su của Merufa dần tụt dốc. Theo Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy, Merufa lần đầu tiên đối mặt với khoản lỗ 4,3 tỉ đồng. 

Doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt hơn 77 tỉ đồng, thấp hơn kết hoạch đặt ra là 84 tỉ đồng. Tình hình kinh doanh năm 2018 đã có khởi sắc, tổng doanh thu là 98 tỉ đồng, đạt trên 100% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế là 2,2 tỉ đồng, đạt 112% kế hoạch năm. 

Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch doanh thu là 115 tỉ đồng, ở mức 117% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế là 5,2 tỉ đồng, ở mức 206% so với năm 2018. Khi mảng kinh doanh truyền thống là bao cao su giảm mạnh, doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng sang các sản phẩm y tế.

Các năm trước đó, dù không lỗ, nhưng doanh thu của công ty này chưa bao giờ vượt quá 100 tỉ đồng, lợi nhuận cũng chỉ trên dưới 10 tỉ đồng. Trong khi đó, từ năm 2015, sản phẩm bao cao su chỉ dừng lại ở 2 dây chuyền với sản lượng thiết kế 120 triệu cái/năm. 

Dù mục tiêu bán 100 triệu sản phẩm/năm, có cả xuất khẩu và đầu tư thêm nhà xưởng, nhưng đến năm 2018, dây chuyền này vẫn chưa hoạt động hết công suất.

Nóng bỏng thị trường bao cao su - Ảnh 3.

Hiện tại, trên thị trường có hơn 100 nhãn hiệu bao cao su với đa dạng xuất xứ từ Á đến Âu, giá cả từ bình dân đến cao cấp. Theo số liệu chưa chính thức tại Việt Nam, tỉ lệ nắm giữ thị phần dẫn đầu vẫn là Durex, tiếp đến là Sagami và OK... 

Còn tại thị trường thế giới, thương hiệu Durex đã hơn 100 năm tuổi đang là nhãn hiệu “áo mưa” nổi tiếng nhất với hơn 26% thị trường toàn cầu, có hơn 1 tỉ sản phẩm được sản xuất mỗi năm từ 17 nhà máy khắp toàn cầu. Durex là 1 trong 19 nhãn hàng chủ lực (Powerbrands) của Tập đoàn Reckitt Benckiser.

Gia công chính cho Durex là Karex, một công ty của Malaysia. Theo thông tin từ Karex, ngành kinh doanh này dựa trên số lượng. Vì là đơn vị gia công cho hãng Durex, Karex thường chỉ kiếm được 3 cent/bao, trong khi giá bán lẻ khoảng 1USD.

Karex tăng trưởng nhanh chóng trong 3 thập niên qua nhờ ký được hợp đồng sản xuất cho Durex cũng như cung cấp số lượng lớn cho các tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe toàn cầu. 

Giới phân tích dự báo doanh thu của công ty này sẽ cán mốc 91,4 triệu USD cho năm tài chính kết thúc vào ngày 30.6, tăng 35% sau 2 năm. Lợi nhuận ròng dự kiến khoảng 18,1 triệu USD, nhảy vọt 69% kể từ năm 2014. 

Trong cơ cấu sản phẩm, bao cao su vẫn là sản phẩm kinh doanh chính với tỉ lệ 92-93% doanh thu của Karex. Tuy nhiên, theo Kenneth Yap, người quản lý của Quỹ KAF Asia Equities Fund có vốn đầu tư vào Karex, “nếu họ có thể kiếm lời 30cent thay vì 3cent thì mức biên lợi nhuận 20% thậm chí còn được cải thiện hơn nữa”.

Nóng bỏng thị trường bao cao su - Ảnh 4.

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cửa hàng bao cao su cũng đang nở rộ tại Việt Nam. Anh Trần Đức Khải, giảng viên đại học tại Đà Nẵng đã mở cửa hàng bán bao cao su vì đồng lương ít ỏi. Ban đầu thu nhập không cao do ít khách nhưng dần khách hàng quen và ổn định, anh mở thêm 3 cửa hàng nữa và có thu nhập cao hơn 15-20 lần truớc đây.

Theo chia sẻ của anh Khải, bán sản phẩm này có lợi thế vốn ít, quay vòng nhanh, ít rủi ro. Theo các chủ cửa hàng shop bao cao su, vốn ban đầu chỉ khoảng 20-30 triệu đồng, nếu đầu tư lớn hơn thì khoảng 50 triệu đồng/cửa hàng. Trong khi, “chi phí mua sản phẩm không lớn và lợi nhuận khá ổn”, một chủ shop bao cao su tại quận 1, TP.HCM chia sẻ.

Thực tế, chỉ cần tìm kiếm Shopnguoilon trên Google là có thể thấy rất nhiều website bán bao cao su cũng như những sản phẩm cần thiết cho tình dục an toàn. Theo chủ shop tại quận 1, nếu chỉ mở shop bán bao cao su trực tuyến thì vốn lại càng thấp, chỉ khoảng 10-20 triệu đồng.

Cũng vì ngành này lợi nhuận lớn nên tại thị trường Việt Nam khá nhiều sản phẩm bao cao su giả. Tháng 6 vừa qua, công an TP.HCM đã bắt giữ lô sản phẩm bao cao su và gel bôi trơn giả có trị giá lên đến 6 tỉ đồng chuẩn bị được tung ra thị trường.

Theo số liệu của Tổng Cục Dân số Việt Nam, tổng nhu cầu bao cao su phục vụ giai đoạn năm 2011-2020 là khoảng 2,147 tỉ bao cao su, trong đó khoảng 1,751 tỉ bao cao su được cung cấp từ thị trường. 

Tỉ lệ bỏ tiền để mua bao cao su đã tăng từ 70-80%, ước lượng khoảng 1.029,486 tỉ đồng. Đây được xem là con số tiềm năng mà bất cứ nhà cung cấp bao cao su nào cũng muốn giành phần lớn nhất.