|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nóng bỏng cuộc chạy đua 'săn' quỹ đất

08:07 | 13/03/2018
Chia sẻ
Trong bối cảnh “đất chật, người đông”, thị trường bất động sản phía Nam đang chứng kiến cuộc chạy đua săn quỹ đất của các chủ đầu tư.
nong bong cuoc chay dua san quy dat Chủ đầu tư đua nhau săn quỹ đất ven sông
nong bong cuoc chay dua san quy dat Theo chân chủ đầu tư đi săn quỹ đất
nong bong cuoc chay dua san quy dat
Tại TP HCM, những khu đất vàng gần như đều đã có chủ. Ảnh: Lê Toàn

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đều cho biết, vấn đề phát triển quỹ đất luôn được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển của mình.

Thực tế, tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản TP HCM nói riêng và phía Nam nói chung còn rất lớn do nguồn cầu cao, nhưng quỹ đất hiện nay chủ yếu tập trung trong tay các “đại gia” tên tuổi như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Phú Long, Khang Điền, Thủ Đức House, Đất Xanh…

Trong khi đó, với các doanh nghiệp địa ốc mới nổi như Công ty cổ phần Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (DRH), để có quỹ đất phát triển, còn đường mua bán, chuyển nhượng (M&A) được xem là lựa chọn tối ưu.

Cụ thể, từ sau giai đoạn tái cơ cấu, chọn bất động sản là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đồng thời, xác định việc nắm giữ quỹ đất lớn là chiến lược để phát triển mạnh về sau, DRH đã âm thầm thu gom khá nhiều quỹ đất.

Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị đẹp, dự án hiện đại được mọc lên một cách bài bản

- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngoài những dự án đã triển khai thành công thời gian qua tại TP HCM như Dự án căn hộ D-vela (quận 7), Dự án căn hộ Auraura (quận 8), hiện DRH đang nắm trong tay khá nhiều quỹ đất lớn khác, sẵn sàng cho một “cuộc chơi” lớn sắp tới.

Theo công bố mới đây nhất của DRH, trong năm nay, doanh nghiệp này sẽ triển khai hàng loạt dự án như Dự án Metro Valley (quận 9, TP HCM) với tổng mức đầu tư 643 tỷ đồng, dự kiến thu về 758,5 tỷ đồng; Dự án Trương Văn Hải (quận 9, TP HCM), tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng, doanh thu dự kiến 665 tỷ đồng; Dự án Lạc Việt (tỉnh Bình Thuận), tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, doanh thu dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, DRH đang triển khai thủ tục đầu tư Dự án Khu dân cư và vui chơi giải trí Suối Lớn (Phú Quốc, Kiên Giang), đồng thời đã xin chủ trương để được đầu tư một khu đô thị lớn tại Bình Dương, dự kiến sẽ triển khai vào quý IV/2018… Đây là các quỹ đất do DRH tạo lập từ năm 2016 đến nay.

Ngoài DRH, một đại gia đáng chú ý trong việc săn quỹ đất hiện nay là Tập đoàn Phúc Khang. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, doanh nghiệp này đã mua lại một quỹ đất vàng có quy mô hơn 10 ha ngay tại khu trung tâm quận 10, TP HCM. Dự án này sẽ được Phúc khang triển khai trong thời gian tới.

Một đại gia khác cũng đang sở hữu quỹ đất lớn là Tập đoàn Đất Xanh. Thời gian qua, Đất Xanh đã âm thầm thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm dự án bất động sản.

Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh, riêng quỹ đất dành để phát triển các dự án căn hộ, hiện Công ty đã sở hữu khoảng 80 ha, còn nếu tính luôn quỹ đất để phát triển các dự án khu đô thị, Công ty đang nắm giữ lên đến hàng trăm héc-ta.

Một điểm đáng chú ý gần đây là ngoài thị trường TP HCM, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng săn tìm quỹ đất ở các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An.

Chẳng hạn, sau khi thâu tóm và phát triển thành công Dự án Melody Vũng Tàu từ Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn tin từ Hưng Thịnh cho biết, tập đoàn này vừa chi ra cả ngàn tỷ đồng để mua đứt 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu.

Tương tự, nguồn tin mới nhất từ Công ty Bất động sản Danh Khôi cho biết, doanh nghiệp này vừa mua thành công một dự án có quy mô gần 10 ha ngay trung tâm TP. Bà Rịa để phát triển thành khu đô thị mang tên Barya City.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, hoạt động M&A dự án tại TP HCM thời gian qua diễn ra khá mạnh và vẫn còn nhiều tiềm năng, bởi hiện vẫn còn đến hàng trăm dự án dang dở, chờ được "giải cứu".

Theo ông Châu, trong giai đoạn 2009 - 2013, chỉ tính riêng tại TP HCM, đã có hơn 14.000 căn hộ tồn kho, hàng trăm dự án “đắp chiếu”, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã phải tìm cách chuyển nhượng dự án để cân bằng tài chính.

“Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị đẹp, dự án hiện đại được mọc lên một cách bài bản”, ông Châu nói và cho rằng, chính sự chuyển giao dự án từ những doanh nghiệp yếu năng lực sang doanh nghiệp chuyên nghiệp thời gian qua đã làm tăng tính thanh khoản thị trường, làm giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin của người tiêu dùng.

Tăng Triển