|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ đầu tư đua nhau săn quỹ đất ven sông

16:10 | 30/10/2017
Chia sẻ
Với khoảng 1.000 km sông ngòi, kênh rạch, TP HCM đang có quỹ đất khá lớn quanh các con sông và kênh rạch chưa được khai thác. Đây chính là "miếng bánh ngon" mà chủ đầu tư nào cũng thèm muốn.
chu dau tu dua nhau san quy dat ven song
Các dự án ven sông thường hút khách hàng và có giá trị gia tăng cao. (Ảnh: Gia Huy)

Mốt dự án ven sông

Điểm lợi từ các dự án ven sông là lợi thế từ thiên nhiên, thoáng mát, phong thủy…, nên thu hút được nhiều khách hàng quan tâm, mức giá cũng cao hơn các dự án triển khai ở các vị trí khác cùng khu vực. Do đó, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư bất động sản săn tìm quỹ đất ven sông để phát triển dự án. Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, từ năm 2016 tới nay, 30% các dự án chào bán được chủ đầu tư quảng cáo là dự án ven sông.

Chẳng hạn, tại Dự án Palm City do Công ty Keppel làm chủ đầu tư, nằm tại đường Song Hành, Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (quận 2), với một mặt giáp nhánh sông Sài Gòn, dự án được mở bán năm 2016 và được chủ đầu tư lấy view sông là điểm nhấn trong các đợt mở bán.

Đây là dự án đối ứng cho Dự án xây dựng khu nhà ở tái định cư tại quận 2 theo hình thức BT.

Nói về các dự án ven sông ở Sài Gòn, dự án lớn nhất và đẹp nhất có lẽ thuộc về chủ đầu tư Vingroup với Dự án Vinhomes Central Park, chạy từ quận 1 ra quận Bình Thạnh. Ngoài ra, còn phải kể đến Dự án Thủ Thiêm Dragon (quận 2) của Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư. Dự án với diện tích 5.165 m2, ôm dọc bờ sông Sài Gòn, được thiết kế 2 block.

Tại quận 7 cũng rất nhiều dự án ven sông như River Panorama với mặt sát mặt bờ sông kênh Tẻ; Dự án The Elysium của Sacom làm chủ đầu tư, Dự án Jamona Golden Silk do Sacomreal làm chủ đầu tư, hay River City của Công ty Phát Đạt làm chủ đầu tư… ven sông Sài Gòn.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến dự án 3 mặt tiền sông Sài Gòn, được cho là siêu dự án là Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị quy mô 117 ha tại phường Phú Thuận (quận 7). Dự án này được Vạn Thịnh Phát mua lại của Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula từ năm 2016 với mục đích để phát triển dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD. Tuy nhiên, đã 1 năm trôi qua kể từ khi về tay chủ mới, đến nay dự án này vẫn chưa thể triển khai.

Đua nhau săn quỹ đất ven sông

Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản TP HCM thời gian tới sẽ còn chứng kiến nhiều dự án ven sông khi khu vực bờ Tây và bờ Nam sông Sài Gòn bắt đầu có những quỹ đất mới, như khu Thủ Thiêm (quận 2) thuộc bờ Tây sông Sài Gòn và khu vực Bến Bạch Đằng, hay khu cảng Sài Gòn đang trong giai đoạn di dời. Đây được cho là quỹ đất màu mỡ để các chủ đầu tư săn đón.

Mới đây, thị trường bất động sản TP HCM dậy sóng với việc Tập đoàn Tuần Châu đề xuất xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn bằng hình thức BT với tổng vốn đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng. Đổi lại, nhà đầu tư đề xuất TP HCM thanh toán bằng quỹ đất lên tới 12.398 ha, chiếm 5% tổng diện tích TP HCM. Các quỹ đất này dự kiến lấy từ các khu vực ven sông thuộc quận Bình Thạnh, quận 12, huyện Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi.

Đề xuất này của Tập đoàn Tuần Châu nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cả chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Để đề xuất này thành hiện thực chắc còn thời gian dài, nhưng trước mắt, quỹ đất ven sông đang được nhòm ngó nhất là khu cảng Sài Gòn.

Với việc trong năm 2018, cảng Sài Gòn sẽ được di dời đi nơi khác, khu đất một mặt giáp sông Sài Gòn, trải dài từ bến Nhà Rồng đến chân cầu Tân Thuận này sẽ trở thành miếng bánh béo bở cho các đại gia địa ốc. Được biết, quy mô dự án chuyển đổi công năng 32,1 ha với chiều dài bờ sông 1.800 m, dân số dự kiến 11.650 người, cung ứng 3.000 căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển, trường học, giao thông thuận tiện.

Trong khi đó, năm 2014, Tập đoàn Novaland đã mua 8,38 triệu cổ phần, tương đương 25,3% vốn điều lệ của Công ty TNHH một thành viên Cảng sông TP HCM (thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn) khi doanh nghiệp này cổ phần hóa và trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp này.

Trong chiến lược mở rộng đầu tư về phía Tây Sài Gòn, khu đất 64 ha cảng Phú Định tại quận Bình Tân, thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH một thành viên Cảng sông TP HCM sẽ được quy hoạch lại, trong đó có phát triển khu phức hợp nhà ở thấp tầng.

Ngoài ra, một quỹ đất lớn khác đang được các chủ đầu tư bất động sản nhắm tới, như dự án di dời 20.000 căn hộ ven các kênh tại quận Bình Thạnh, quận 8, quận 7… Để có vốn di dời, đầu năm 2017, lãnh đạo UBND TP HCM phát đi thông báo kêu gọi doanh nghiệp tham gia theo bình thức BT. Theo đó, doanh nghiệp tiến hành đền bù giải tỏa, xây dựng khu tái định cư cho người dân, còn doanh nghiệp được lấy đất ven kênh xây dựng án bất động sản.

“Với chủ trương này của Thành phố, các doanh nghiệp đang tiến hành thủ tục xin đầu tư, lượng doanh nghiệp xin đầu tư vào dự án này khá đông, sức cạnh tranh cũng cao, vì giờ đây thâu tóm quỹ đất bằng hình thức BT đang là ưu tiên số 1 của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Việt Gia Phú, một công ty của của Công ty Địa ốc Vietcomreal cho biết.

Còn ông Hà Văn Thiện, Giám đốc Khối đầu tư, xây dựng, Công ty Trần Anh Group cho biết, hiện Công ty đang có 4 dự án bất động sản ven sông tại TP HCM và cả 4 đều có lượng giao dịch rất tốt nhờ vào lợi thế ven sông. Chính vì vậy, ưu tiên số 1 trong việc săn quỹ đất của Trần Anh Group thời gian tới là quỹ đất ven sông hoặc ven kênh.

“Việc săn quỹ đất ven kênh không hề đơn giản, bởi sau khi Quyết định 22/2017/QĐ-UBND về việc quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TP HCM được ban hành ngày 18/4/2017, việc thâu tóm và phát triển các dự án khó khăn hơn. Tuy nhiên, với giá trị quan trọng về vị trí, yếu tố view sông, hồ, kênh rạch đang là một tiêu chí để làm giá trị bất động sản tăng thêm 10-20%. Điều này thực sự kích thích các chủ đầu tư và dù khó đến mấy, các doanh nghiệp cũng phải săn bằng được quỹ đất làm dự án", ông Thiện nói.

Ông Thiện cũng tiết lộ, Trần Anh Group vừa săn được một quỹ đất tại quận Bình Tân, nằm cạnh một con kênh khá đẹp chạy qua Quốc lộ 1A.

Ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản VB Land cho biết, công ty ông hiện đang có khá nhiều đơn đặt hàng từ các chủ đầu tư trong việc săn quỹ đất ven sông, kênh rạch.

“Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã thực hiện thành công 3 giao dịch mua quỹ đất tại quận 2, quận 9 có vị trí ven sông Sài Gòn cho các chủ đầu tư. Đặc biệt, việc mua được các dự án sát bờ sông Sài Gòn hiện nay thường dành cho các đơn vị có tiềm năng tài chính lẫn quan hệ thân hữu”, ông Vũ nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, TP HCM cần cẩn trọng hơn trong việc cấp phép phát triển dự án bất động sản ven sông, kênh rạch…, bởi đã có nhiều dự án ven sông xây sai phạm, ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ bờ sông, như Dự án Thảo Điền Sapphire (quận 2).

chu dau tu dua nhau san quy dat ven song Tại sao Hà Nội không nở rộ chung cư ven sông như Sài Gòn?

Chuyên gia cho rằng yếu tố điều kiện tự nhiên khác nhau là nguyên nhân chính của sự khác biệt về chuyện nở rộ cao ...

Gia Huy