|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

‘Non-prefunding đúng nhưng chưa đủ’, vì sao chứng khoán Việt Nam cần sớm triển khai cơ chế CCP?

11:05 | 13/11/2024
Chia sẻ
Những nỗ lực của cơ quan quản lý đang giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn với mục tiêu nâng hạng. Song để thực hiện mục tiêu này một cách toàn diện, Việt Nam cần thực hiện cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

"Cơ chế CCP mới là yếu tố căn cơ để giải quyết vấn đề nâng hạng"

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra 80% hệ thống thanh toán trên toàn cầu đã áp dụng cơ chế CCP cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán. Việc áp dụng CCP sẽ đảm bảo rằng giao dịch cổ phiếu ở Việt Nam sẽ diễn ra theo đúng thông lệ quốc tế, tức là tiền trao và cổ phiếu về tài khoản.

Trong khi đó, cơ chế giao dịch hiện nay là T+2, tức nhà đầu tư trả tiền mua cổ phiếu vào ngày thứ Hai và cổ phiếu sẽ về tài khoản để có thể giao dịch từ 13h00 ngày thứ Tư. Để giải quyết vấn đề này, một mô hình thanh toán cần có sự tham gia cửa ngân hàng, công ty chứng khoán, đơn vị lưu ký để đảm bảo rằng tiền của nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sau khi giao dịch (lệnh mua) và khi cổ phiếu về tài khoản, nghĩa vụ mua bán đều được đảm bảo cho các bên.

Với khoảng cách về quy định hiện nay, có thể nói rằng khả năng nân hạng từ cận biên lên mới nổi của chứng khoán Việt Nam là rất thấp khi chưa áp dụng CCP.

 Bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC). Ảnh: VIF2025.

Đầu tháng 11 này, một giải pháp “chữa cháy” đã được áp dụng đó là việc triển khai Thông tư 68, cho phép công ty chứng khoán thay ngân hàng làm nhiệm vụ bù trừ thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài khi giao dịch. Việc cho phép nhà đầu tư ngoại không phải ký quỹ trước giao dịch (non-prefunding) đã được FTSE Russell đánh giá cao. Và theo dự báo của nhiều tổ chức, chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sau khi triển khai giải pháp kỹ thuật này.

Song, trong một chia sẻ gần đây nhất tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 tổ chức ngày 8/11, bà Tạ Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) nhấn mạnh rằng, cơ chế CCP mới là yếu tố căn cơ để giải quyết vấn đề nâng hạng. Vấn đề này đã được đưa ra năm 2021 cho đến lần sửa đổi Luật Chứng khoán lần này, VSDC đề xuất thành lập công ty con để triển khai CCP.

“Thời điểm hiện nay sẽ giải quyết vấn đề kỹ thuật. Sau đó chúng ta sẽ giải quyết những căn cơ hơn. Nâng hạng hay không nâng hạng thì chúng ta vẫn đảm bảo việc giao dịch và thanh toán theo đúng thông lệ và cách thức như các thị trường của thế giới họ thực hiện”, bà Bình cho biết.

CCP giúp nâng hạng đi kèm với nâng cấp thị trường

Tại chương trình VTV Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng phát sóng ngày 11/11, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã có những bình luận về áp dụng cơ chế CCP.

Theo ông Sơn, việc áp dụng Thông tư 68 gần đây là “đúng nhưng chưa đủ”. Thông tư 68 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giao dịch không cần ký quỹ nhưng chỉ áp dụng cho một số công ty chứng khoán thuộc top đầu.

Việc áp dụng cơ chế CCP không chỉ giúp thị trường Việt Nam đáp ứng theo thông lệ quốc tế mà còn nâng cấp lên một giai đọa mới, đồng nghĩa là giảm rủi ro và tăng hiệu quả của việc thanh toán bù trừ lên mức cao mới.

Trong giai đoạn thị trường tài chính phát triển đến mức cao, các giao dịch diễn ra liên tục, hằng ngày với tần suất càng lớn thì không có CCP ở giữa khiến việc thanh toán bù trừ gặp khó khăn.

“Cơ chế CCP là cơ chế thế vị, thay vì người bán và mua gặp nhau trực tiếp thông qua sàn giao dịch thì CCP đứng ra làm đơn vị trung gian, làm người mua của tất cả người bán và người bán của tất cả người mua. Chính cơ chế thế vị này giúp CCP giải quyết được khối lượng công việc lớn hơn. Trước đây, chúng ta không cần CCP nhiều bởi vì chúng ta không có những sản phẩm tài chính mang tính chất mới có khối lượng giao dịch khổng lồ, như phái sinh là ví dụ”, ông Trần Hoàng Sơn giải thích.

 Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS. Nguồn: VTV Khớp lệnh.

Theo vị chuyên gia từ VPBankS này, cơ chế CCP quan trọng trong prefunding bởi thành viên bù trừ có trách nhiệm xác nhận mức lưu ký của người mua và người bán trước khi giao dịch. Việc xác nhận nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ 100%, công ty chứng khoán – thành viên bù trừ cũng đứng ra bảo lãnh.

Thông qua CCP rút ngắn yếu tố cản trở nâng hạng là cho nhà đầu tư nước ngoài đủ cơ sở pháp lý để giao dịch giao dịch T+2 không cần ký quỹ trước. CCP cũng giảm thiểu rủi ro khi mà có những giao dịch không thành công nhưng vẫn xử lý được một cách đơn giản.

Mô hình CCP đã được áp dụng trên thị trường phái sinh. Nhà đầu tư mở tài khoản ở công ty chứng khoán thành viên và chuyển tiền từ tài khoản công ty chứng khoán sang tài khoản bù trừ tại VSDC. Tại VSD, nhà đầu tư có thể đặt lệnh Long/Short với tần suất dày đặc nhưng cuối ngày VSDC xác nhận lệnh và tính toán bù trừ bao nhiêu. Để xử lý lượng lệnh rất lớn và câu chuyện Prefunding thì CCP là yếu tố cần thiết rất rõ cho việc nâng hạng thị trường.

“Tôi cho rằng khi mà TTCK được nâng hạng thì tần suất giao dịch càng lớn. Nhờ CCP mà chúng ta có thể hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả xử lý lệnh”, ông Trần Hoàng Sơn nói.

Hoàng Linh

Data Talk ‘Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025’
Cùng chuẩn bị những hành trang đầu tư cho 2025, những phân tích hữu ích của các chuyên gia trên nền tảng dữ liệu quy mô hàng đầu - những gì bạn cần cho quyết định đầu tư trong năm 2025. Tất cả có trong Data Talk số tháng 12/2024 với chủ đề "Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025".