CEO VNG nói về bài học chấp nhận rủi ro khi IPO trên đất Mỹ
Sáng 30/10, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Quỹ Golden Gate Ventures tổ chức, ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VNG đã có một số chia sẻ về hoạt động công ty.
Thông tin được nhà đầu tư quan tâm lớn nhất trong thời gian gần đây là kế hoạch IPO trên sàn Mỹ của VNG. Mối quan tâm được đặt trong bối cảnh mới đây nhất, VNG lại tiếp tục lỡ hẹn với thị trường này.
Tại sự kiện, ông Minh cho biết nhiều người đã hỏi về việc IPO trên thị trường quốc tế của VNG.
“Tôi có thể nói một điều rằng, đó cũng là một điều khiến chúng tôi rất sợ. Vì mọi người biết đấy, nó kéo theo những rủi ro đáng kể, như nguy cơ thất bại, rủi ro không thể đạt được mục tiêu mà mình mong muốn”, nhà sáng lập chia sẻ về những lo lắng khi tiến hành niêm yết trên sàn quốc tế.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Minh cũng tái khẳng định kế hoạch IPO là “điều mà chúng tôi tin tưởng”. “Nếu chúng tôi không làm, thì chúng tôi không thể đưa công ty phát triển một cách thực sự”, ông nói.
Từ năm 2017, VNG đã manh nha ý định IPO tại Mỹ. Sau nhiều lần trì hoãn, tháng 8 năm nay, kỳ lân công nghệ đời đầu của Việt Nam đã nộp đơn đăng ký niêm yết trên thị trường Nasdaq. Việc niêm yết dự kiến thực hiện thông qua VNG Limited - công ty thành lập tại Quần đảo Cayman, và có thể diễn ra vào cuối tháng 9.
Tuy vậy, kế hoạch này đã bị hoãn lại và thời điểm lên sàn của VNG có thể phải chờ đến năm 2024.
Trước đó, giải thích kỹ hơn về việc hoãn IPO, người đứng đầu VNG cũng đã trả lời tờ Tech in Asia vào đầu tháng 10 khi cho rằng các nhà đầu tư vẫn chưa có tâm lý sẵn sàng với các đợt IPO công nghệ ở châu Á.
Ban lãnh đạo công ty đã gặp gỡ hơn 120 nhà đầu tư toàn cầu trong năm qua để chia sẻ câu chuyện của mình. Tuy vậy, hầu hết các nhà đầu tư đang chỉ đứng chờ và quan sát.
“Tôi muốn VNG thực hiện IPO ở vị thế vững chắc và có cơ hội tăng giá tốt sau khi lên sàn. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có thể quay trở lại thị trường trong tương lai rất gần”, ông Minh chia sẻ.
Những “nỗi sợ” khác của VNG
Cũng tại sự kiện ngày 30/10, ông Lê Hồng Minh đã chia sẻ ba bài học sau 19 năm thành lập công ty. Trong đó có việc chấp nhận rủi ro. Ông cho rằng trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, không thể có những kết quả tuyệt vời nếu không dám chấp nhận rủi ro.
“Và trong phần lớn những việc chúng ta làm, cần thật sự cân nhắc rủi ro là gì, liệu chúng ta có chấp nhận nó hay không. Chúng ta cần suy nghĩ mình sẽ làm gì với những điều khiến chúng ta sợ hãi”, ông Minh nói.
Dẫn chứng, ông Minh kể lại thời điểm VNG ký hợp đồng để mang tựa game Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam. Giá trị hợp đồng thời điểm đó là 160.000 USD (năm 2004), trong khi vốn lúc đó của VNG là khoảng 60.000 USD.
Ban lãnh đạo đã thương lượng giảm đặt cọc đầu tiên 50% giá trị hợp đồng từ 80.000 USD xuống 50.000 USD. Như vậy, sau ký hợp đồng, VNG còn lại đúng 10.000 USD trong ngân hàng.
“Lúc đó, tôi xác định mình phải chiến đấu để kiếm tiền, duy trì kinh doanh. Tất cả thành viên trong công ty đều rất sợ vào thời điểm đó. Và tôi đã nói rằng, không sao, điều tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta mất tiền thôi phải không?”, nhà sáng lập nhớ lại.
Ngoài ra, để “sống sót” trong một thị trường công nghệ thay đổi liên tục, VNG phải luôn tìm cách nhằm bắt kịp.
Chẳng hạn năm 2004, khi còn là một chủ quán PC café, đội ngũ sáng lập VNG nhận thấy tất cả các khách hàng trong quán đều chơi cùng một tựa game, đó là MU Online - một trong những tựa game đầu tiên cực kì phổ biến ở Việt Nam khi đó.
Đó là lúc VNG bắt đầu được thành lập. Đó cũng là những năm mà internet trên PC bùng nổ và công ty đã theo kịp làn sóng công nghệ này.
Đến năm 2008, Apple đã khơi mào làn sóng smartphone khi ra mắt iPhone. Tới năm 2011, VNG có cơ hội hợp tác với Samsung, phát triển các ứng dụng cho điện thoại thông minh như nghe nhạc, đọc tin,…
Một năm sau, lãnh đạo VNG đã quyết định chuyển toàn bộ nguồn lực sang phát triển các ứng dụng di động. Hướng đi này được đánh giá là kịp thời khi chỉ vài năm năm sau, mọi thứ liên quan đến PC đều giảm dần và ngày nay, gần như tất cả mọi người đều dùng smartphone.
“Hiện tại, chúng tôi đang đầu tư nguồn lực cho dự án AI và chúng tôi cũng gặp phải một số rủi ro, nhưng hy vọng rằng chúng tôi vẫn sẽ sống sót”, CEO Lê Hồng Minh bày tỏ.