Thêm lý do khiến VNG lùi kế hoạch IPO trên đất Mỹ
Mới đây, tờ Tech in Asia đưa tin, trong buổi chia sẻ nội bộ, ông Lê Hồng Minh - CEO VNG, đã nói về quyết định hoãn IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Ông Minh nói rằng các nhà đầu tư chưa có tâm lý sẵn sàng với các đợt IPO công nghệ của châu Á.
Tờ Financial Times đã có bài viết cho biết các nhà đầu tư mạo hiểm đang khuyên các startup nên hoãn kế hoạch IPO tại Mỹ cho đến khi lãi suất ổn định, đặc biệt là sau màn ra mắt không mấy thành công của Arm và Instacart đã làm giảm hy vọng về làn sóng niêm yết công nghệ mới.
Công ty giao hàng tạp hóa trực tuyến Instacart có đợt IPO vào ngày 19/9 được coi là một thước đo quan trọng cho các công ty công nghệ tư nhân khác. Mặc dù khi bắt đầu giao dịch, cổ phiếu công ty tăng vọt 40% nhưng khi kết thúc tháng 9, Instacart đã xuống dưới mệnh giá 30 USD/cp.
Trong khi đó, cổ phiếu của Arm - nhà thiết kế chip do SoftBank hậu thuẫn, giao động trên dưới mức chào bán 51 USD/cp trong hai tuần sau khi IPO. Kết thúc tháng 9, cổ phiếu Arm tăng 5%.
Công ty phần mềm tự động hoá tiếp thị Klaviyo là doanh nghiệp hoạt động tốt nhất trong ba công ty, tăng 15% so với giá IPO của mình.
Tất cả ba công ty kể trên đều được kỳ vọng tích cực khi niêm yết, nhưng ngày 20/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết họ sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay.
Diễn biến giao dịch hỗn loạn trong suốt tháng 9 đã khiến các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon thất vọng - những người đã hy vọng rằng các đợt IPO trong tháng sẽ mở ra cánh cửa cho hàng chục công ty công nghệ tư nhân khác.
Trước đó vào năm 2021, nhiều công ty khởi nghiệp đã trì hoãn kế hoạch IPO của mình sau khi thị trường trở nên xấu đi.
"Đối với các công ty trong danh mục đầu tư, chúng tôi khuyên rằng trừ khi bạn thực sự cần thiết phải IPO, nếu không hãy đợi thêm", ông Mike Volpi, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Index Ventures nói. "Thị trường rất khó khăn trong vài tuần qua... Trừ khi bạn cần phải IPO, nếu không nên đợi đến nửa cuối năm sau”.
Ông Jason Greenberg, CEO Jefferies Group, một ngân hàng đầu tư độc lập đa quốc gia của Mỹ, chia sẻ: “Với việc niêm yết công khai vẫn có rủi ro, các startup có khả năng IPO lớn nhất tiếp theo là những công ty buộc phải làm vậy vì mục tiêu huy động vốn tăng trưởng hoặc cung cấp tính thanh khoản”.
Theo dữ liệu từ PitchBook, có gần 80 công ty trì hoãn kế hoạch IPO trong suốt một năm qua - giai đoạn thị trường đại chúng trở nên xấu hơn với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đã cố gắng có cái nhìn dài hạn hơn.
"Mọi người đều nghĩ rằng IPO đã bị đóng băng nhưng không phải vậy”, ông Paul Kwan, Giám đốc điều hành tại công ty đầu tư General Catalyst và cựu Giám đốc Morgan Stanley cho biết. Ông nói thêm rằng ba đợt IPO trong tháng 9 vừa qua “không phải là một bước ngoặt lớn”.
Việc tăng lãi suất đặc biệt gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp tư nhân không có lãi, vốn được định giá dựa trên dòng tiền mặt tương lai của họ. Ông Kwan nói rằng các đợt IPO sẽ không diễn ra cho đến khi lãi suất ổn định trở lại. Ông dự kiến việc sáp nhập và mua lại giữa các công ty sẽ tăng lên trong sáu tháng tới.
Một số công ty có thể buộc phải niêm yết sớm hơn thay vì trì hoãn vì họ cần nguồn vốn mới để tồn tại hoặc phát triển và đây "không phải là một câu chuyện IPO hay", ông Greenberg nhấn mạnh.
Theo ông Don Butler, Giám đốc điều hành tại quỹ đầu tư Thomvest, một yếu tố nữa thúc đẩy các công ty khởi nghiệp phải vội vàng niêm yết trên là nhu cầu thanh khoản của các nhà đầu tư. Instacart, Klaviyo và Arm là minh chứng cho việc "cánh cửa IPO vẫn mở - ngay cả khi chỉ là một khe hẹp so với các tiêu chuẩn thông thường", ông Peter Hébert, đồng sáng lập công ty đầu tư Lux Capital nói.
"Mặc dù các nhà đầu tư đang thận trọng hơn nhiều so với trước đây, nhưng những công ty có triển vọng tăng trưởng hấp dẫn vẫn có thể huy động vốn công khai nếu họ thực sự mong muốn", ông Hébert nói.
Tuy nhiên, theo ông Greenberg, triển vọng ngay cả đối với các ứng viên IPO mạnh nhất cũng khó có thể rõ ràng cho đến khi lãi suất thực sự ổn định và kinh tế được ổn định hơn.