Nỗi lo tắc đường thêm trầm trọng vì ứng dụng gọi xe miễn phí tài xế
Hồi cuối tuần trước, trong một buổi công bố thông tin tại TP Hồ Chí Minh của MLV, một công ty có trụ sở tại Singapore, người đại diện của công ty MVL sẽ bắt đầu triển khai dịch vụ gọi xe trực tuyến ở Việt Nam vào tháng 7 và đợt tuyển tài xế đầu tiên có thể diễn ra trong tháng 5.
Mô hình kinh doanh của MVL giống Uber và Grab nhưng công nghệ lại khác biệt. Uber, Grab có giải pháp khá truyền thống là tập trung cơ sở dữ liệu vào server để sử dụng riêng. Ngược lại, MVL lưu trữ dữ liệu bằng công nghệ blockchain nên dữ liệu sẽ là tài sản chung của mọi nhà cung cấp. Cơ chế phân chia dữ liệu như thế làm tăng tính minh bạch, đồng thời cho phép mọi người cùng sử dụng để tạo ra lợi ích cho bản thân.
Chúng tôi sẽ mang tới ứng dụng gọi xe dùng công nghệ blockchain đầu tiên tại Việt Nam, và không thu bất kỳ khoản phí nào từ tài xế hay người dùng. Họ chỉ phải trả một khoản phí nhỏ nếu thanh toán trực tuyến vì ứng dụng cần thanh toán phí dịch vụ cho các tổ chức thẻ tín dụng", Kay Woo, giám đốc MVL, phát biểu.
Nỗi lo tắc đường ngày càng nghiêm trọng
Bên cạnh tâm lý hồ hởi vì MVL không chiết khấu doanh thu từ tài xế, nhiều người nghĩ ngay tới vấn nạn kẹt xe khi một ứng dụng gọi xe nữa hiện diện ở Việt Nam.
"Hàng nghìn người sẽ lại mua ô tô để hợp tác với MVL, khiến nạn kẹt xe ở các đô thị lớn tiếp tục trầm trọng hơn", Vũ Thái Hòa, một người từng hợp tác với Uber, bình luận.
Các phương tiện di chuyển chậm vì nạn tắc đường trên phố Trương Định ở Hà Nội. Ảnh: Nhạc Dương |
Lâm Chí Kiên, một người có ô tô hợp tác với Grab, nhận định chính sách không chiết khấu của MVL có thể khiến số người mua xe tăng vọt.
"Uber, Grab chiết khấu doanh thu của tài xế mà số lượng xe mới đã tăng vọt rồi. Nếu MVL duy trì cam kết không thu phí tài xế trong thời gian dài, tôi nghĩ sự gia tăng số lượng xe sẽ còn mạnh hơn, khiến nguy cơ tắc đường cao hơn", Kiên giải thích.
Dương Thế Vinh, một kỹ sư cầu đường, giải thích rằng tình trạng tắc đường sẽ tăng bởi hai nguyên nhân.
"Nạn kẹt xe trở nên tệ hơn vì số lượng xe hơi tăng là lý do mà ai cũng thấy. Nhưng còn một lý do khác. Bình thường nhiều chủ ô tô có công việc chính vào ban ngày nên họ sẽ không lái xe ra đường vào buổi tối. Nhưng vì hợp tác với các hãng như Grab, VATO hay MVL, họ sẽ tích cực ra lái xe ra đường vào buổi tối để kiếm thêm, khiến mật độ xe trên đường tăng", Vinh phát biểu.
Những mối lo khác
"Nên tạm ngưng cho các hãng gọi xe nước ngoài gia nhập vào thị trường Việt Nam, đợi khi có các quy định quản lý rõ rãng ta mới tính tiếp. Nếu cứ để họ vào ồ ạt, thị trường taxi sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp", Lại Văn Nghiên, một giáo viên ở TP Đà Nẵng, nhận định.
Mã Xuân Thế, một tài xế taxi truyền thống, nói rằng nếu chính quyền không quản lý taxi công nghệ chặt chẽ, các hãng taxi nội địa trong nước tiếp tục hứng chịu sự bất công, bởi họ phải gánh gồng nhiều loại thuế, phí.
"Doanh nghiệp vận tải trong nước sẽ chết dần nếu chúng ta mở cửa cho công ty nước ngoài vào thoải mái mà không có biện pháp quản lý hiệu quả, công bằng", Lý Kim Phụng, một nữ doanh nhân, lập luận.
Định danh cho dịch vụ kết nối vận tải cũng là vấn đề mà người dân trăn trở.
"Grab và Uber vào Việt Nam đã hơn 3 năm mà chưa được định danh. Giờ thêm MLV nữa thì chừng nào chúng ta mới định danh xong. Chưa định danh những công ty như thế thì nhà nước chưa thể có chính sách quản lý. Không quản lý nghĩa là họ lại lộng hành, biến tướng", Phạm Đình Tụ, một cử nhân luật, thổ lộ.
Nhiều người lo ngại taxi truyền thống sẽ "chết hẳn" với chính sách không thu tiền từ tài xế của công ty MLV. |
Số phận mong manh của taxi truyền thống cũng là điều một số người nghĩ tới.
"Phen này taxi truyền thống sẽ chết hẳn. Vài năm tới có thể chúng ta không thấy bất kỳ chiếc xe taxi truyền thống nào trên đường nữa", Bùi Thế Sang, một nhân viên môi giới bất động sản, bình luận.
Nhưng nhiều người cho rằng chính sự bùng nổ của taxi truyền thống cũng là nguyên nhân khiến nạn tắc đường trở nên trầm trọng trong mấy năm trước. Sự xuất hiện của Uber, Grab hay MLV khiến số lượng xe taxi công nghệ tăng, song cũng khiến số lượng xe taxi truyền thống giảm. Vì thế, họ cho rằng nạn kẹt xe không hề trở nên tệ hơn.