Nỗi lo của châu Âu khi sức mạnh của USD giảm
"USD là tiền tệ của Mỹ, nhưng nó sẽ là vấn đề của các vị", ông John Connally, Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời tổng thống Nixon, từng khẳng định như thế với thế giới vào năm 1971.
4 thập kỉ sau, sự suy yếu của đồng USD có nguy cơ kích hoạt một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn diện. Nguy cơ ấy có thể khiến các nhà hoạch định chính sách xao nhãng nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của họ: Phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau dịch COVID-19.
Đồng Mỹ kim đã giảm trong vài tháng qua. Gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố họ cho phép lạm phát tăng và thị trường lao động nóng hơn trước đây. Quyết định của Fed sẽ còn khiến đồng USD tụt mạnh hơn nữa.
"Nếu Mỹ thực hiện những thay đổi đối với các mục tiêu và chiến lược của chính sách tiền tệ mà chúng tôi đưa ra trong tuyên bố mới từ vài năm trước, lợi ích sẽ còn lớn hơn", ông Lael Brainard, một thành viên của hội đồng quản trị Fed, khẳng định trong bài phát biểu tuần này. Nói cách khác, có thể Fed tiếp tục duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài.
Bloomberg nhận định điều chỉnh chiến lược của FED gây áp lực lên sức mạnh của đồng USD và tiếp sinh khí cho đồng euro.
Đà tăng giá đều của euro so với các đồng tiền chính khác bắt đầu khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo lắng. Ông Philip Lane, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của ECB, đã phải can thiệp bằng lời nói hiếm hoi vào đầu tuần vừa qua.
"Tỉ giá EURO-USD đang có vấn đề. Nếu tỉ giá ấy chịu sự tác động, các dự báo của châu Âu và thế giới cũng thay đổi theo. Viễn cảnh đó sẽ tác động đến việc thiết lập chính sách tiền tệ của chúng tôi", ông Lane phát biểu hôm 1/9.
Nỗ lực hạ giá đồng euro của ông Lane cho thấy ECB không hề hài lòng với tỉ giá 1,2 USD đổi 1 euro. Giới phân tích hiểu nỗi đau của ECB. Đồng euro càng mạnh, hiệu ứng thiểu phát càng lớn do hàng hóa nước ngoài có giá thấp hơn. Từ lâu, giảm phát nhập khẩu, thường từ Trung Quốc, là một yếu tố kiềm chế lạm phát ở nhiều nền kinh tế phát triển.
Vì vậy, ECB còn rất ít lựa chọn để đáp ứng mục tiêu lạm phát. Khối đồng tiền chung euro đã đẩy lãi suất thực xuống mức âm và mạnh tay triển khai các chính sách nới lỏng định lượng lớn.
Về lí thuyết, khu vực đồng euro đang trong tình trạng giảm phát sau khi giá tiêu dùng hàng năm giảm 0,2% vào tháng 8. Một số yếu tố khác có thể khiến tình trạng này trầm trọng hơn, nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là lạm phát cơ bản giảm mạnh xuống mức 0,4%. Thực tế đó khiến các nhà hoạch định chính sách trăn trở.
Kì vọng lạm phát khác nhau giữa Mỹ và châu Âu là lí do khiến đồng euro tăng đến 6% so với đồng USD trong năm nay. Chỉ số hoán đổi lạm phát kỳ hạn 5 năm của đồng euro ở mức 1,22%, thấp hơn gần một điểm phần trăm so với đồng USD (2,14%).
Fed đang thực hiện một cách hiệu quả chính sách coi nhẹ thị trường tiền tệ, cung cấp khả năng tiếp cận gần như vô hạn đối với đồng bạc xanh cho các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới trong thời kỳ đại dịch. Vì lợi ích của nền kinh tế Mỹ và phần lớn quốc gia đang phát triển, FED sẽ không vội vàng thay đổi chính sách.
Lập trường của Fed khiến ECB phải nỗ lực để euro không tăng giá. Tuy nhiên, lịch sử chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương thường bất lực khi cố gắng thay đổi giá trị thị trường của đồng nội tệ.
Nhật Bản đã chi gần 80 tỉ USD từ tháng 1/1999 đến tháng 4/2000 nhưng vẫn không thể ngăn đồng tiền của họ tăng giá so với đồng USD.
Trong khoảng thời gian đó, đồng yen tăng từ mức thấp - gần 125 yen đổi 1 USD - lên mức cao nhất là 101,46 yen đổi 1 USD. Đà tăng chấm dứt sau khi các nhà giao dịch bắt đầu đặt câu hỏi về nền kinh tế Nhật Bản. Xu hướng chỉ đảo ngược khi một cuộc suy thoái chắc chắn xảy ra.
Hơn 20 năm đã trôi qua từ khi ECB can thiệp đơn phương vào thị trường tiền tệ. Hồi tháng 11/2000, họ cố gắng phục hồi đồng euro vốn giảm xuống mức thấp là 0,82 USD. Đến cuối năm đó, euro tăng lên khoảng 0,94 USD. Nhưng việc đó xảy ra chỉ đơn giản vì các nhà đầu tư kém hứng thú hơn với triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
Bloomberg dự báo rằng, một khi Fed vẫn còn nhiều chính sách tiền tệ khả thi hơn các nước phát triển khác, USD sẽ tiếp tục giảm giá. Nếu xu hướng giảm giá của USD không thay đổi, ECB phải chấp nhận euro tăng giá.
Trong trường hợp ECB cố gắng hãm đà tăng giá của euro, họ có thể làm tăng căng thẳng kinh tế xuyên biên giới vào thời điểm triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu rất mong manh.