|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nỗi lo bán giải chấp tài khoản khi NĐT phải ‘xoay tiền’ nộp call margin

10:19 | 20/04/2022
Chia sẻ
Theo góc nhìn của ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Hội sở Mirae Asset (Việt Nam), hiện tương giải chấp kéo dài trong quá trình thị trường đi xuống. Khi giá đóng cửa được đẩy xuống thấp hơn, hiện tượng giải chấp sẽ tiếp diễn tạo hiệu ứng “hòn tuyết lăn”.

 Nhà đầu tư chứng khoán và nỗi sợ giải chấp tài khoản. Ảnh: Hoàng Linh.

Margin có tín hiệu “hạ nhiệt” quý I nhưng vẫn ở ngưỡng cao

Vay ký quỹ (margin) là công cụ được nhiều nhà đầu tư sử dụng để tối ưu lợi nhuận trong giai đoạn thị trường đi lên. Kể từ khi thị trường tạo đáy và bước vào chu kỳ tăng điểm đầu tháng 4/2020, nhu cầu margin được đẩy lên cao hơn, đồng pha với xu hướng gia nhập của nhà đầu tư mới vào thị trường chứng khoán.

Với gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới trong vòng 2 năm, nhu cầu vay tiền thêm từ các công ty chứng khoán để mua cổ phiếu được đẩy lên cao. Theo ước tính của người viết, 20 CTCK lớn nhất thị trường bơm thêm khoảng 26.200 tỷ đồng cho vay margin trong quý IV/2021. Đây là ngưỡng kỷ lục của thị trường.

Tổng lượng margin của 20 đơn vị này thời điểm cuối năm 2021 là 153.464 tỷ đồng, gấp đôi so với mức 76.494 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Ước tính toàn ngành chứng khoán, dư nợ margin vào cuối năm 2021 là gần 200.000 tỷ đồng.

Sang quý I/2022, diễn biến không mấy thuận lợi của thị trường làm “hạ nhiệt” tình trạng margin. Theo quan sát, dư nợ margin tại một số công ty chứng khoán quy mô từ lớn đến nhỏ như SSI, VIX, APG vào cuối tháng 3 thấp hơn so với thời điểm đầu năm nay. Mức giảm margin trong quý đầu năm tại một số đơn vị là 10 – 15%. Tuy nhiên, nếu so với phần lớn thời gian của năm 2021, dư nợ vay margin của thị trường vẫn đang ở ngưỡng cao.

Ở trạng thái “full margin” của phần đông tài khoản, khả năng xảy ra đợt điều chỉnh mạnh sẽ cao hơn. Dễ nhất nhất thời điểm đầu năm 2021, tình trạng căng margin khiến thị trường có cú sập chóng vánh.

Thời điểm hiện tại, khi hàng loạt sự kiện tiêu cực liên quan đến thao túng thị trường cổ phiếu và phát hành trái phiếu, đợt điều chỉnh sâu xảy ra. Chỉ trong ít phiên, VN-Index mất hơn 100 điểm và vốn hóa sàn HOSE đã mất hơn 20 tỷ USD.

Tới đây margin được xem là một trong những yếu tố tác động tiêu cực khiến thị trường xấu hơn. Hoạt động bán giải chấp tài khoản dẫn đến nhiều cổ phiếu liên tục giảm sàn. Vậy thực tế hoạt động bán giải chấp diễn ra như thế nào và khi nào hoạt động bán giải chấp sẽ dừng lại?

Khi nào thị trường ngừng bán giải chấp?

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Hội sở Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) liên quan đến hoạt động margin, các công ty chứng khoán chia làm hai loại là gọi ký quỹ (margin call) và bán giải chấp tài khoản (force sell).

Khi tỷ lệ an toàn của tài khoản (Rtt) chạm ngưỡng quy định của các công ty chứng khoán (nhiều đơn vị áp dụng ngưỡng 80 – 87%), các nhà đầu tư sẽ bị gọi ký quỹ để nâng tỷ lệ Rtt của tài khoản.

Mức giá được sử dụng để tính tỷ lệ Rtt là giá đóng cửa của cổ phiếu. Tỷ lệ này được hệ thống của các công ty chứng khoán tự động tính. Ước tính với tài khoản đang sử dụng tỷ lệ vay margin 1:1 (hay 50:50), khi giá trị danh mục giảm khoảng 10 – 15%, hoạt động call margin sẽ diễn ra.

Tùy theo chính sách quản trị rủi ro của từng công ty chứng khoán, thời gian để nhà đầu tư có thể chuẩn bị nộp tiền gọi ký quỹ sẽ là T+1 hoặc T+2, tức nhà đầu tư sẽ có 1 hoặc 2 ngày để chuẩn bị tiền.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Hội sở Mirae Asset. Ảnh: MAS.

Có ba lý do để áp dụng chính sách 1 – 2 ngày cho call margin. Thứ nhất, nhà đầu tư có thời gian để có thể “xoay tiền” nộp vào tài khoản. Thứ hai là bán cổ phiếu cơ cấu danh mục để bù đắp số tiền gọi ký quỹ. Thứ ba là kỳ vọng thị trường hồi phục kéo tỷ lệ Rtt cao hơn.

Sau giai đoạn call margin, hoạt động bán giải chấp tài khoản diễn ra khi vi phạm tỷ lệ và nhà đầu tư không nộp kỹ quỹ. Với các công ty chứng khoán áp dụng chính sách T+1 gọi kỹ quỹ, hoạt động bán giải chấp bắt đầu vào 1h chiều hôm sau bằng lệnh MP, nhưng một số công ty chứng khoán có thể bán trong khung giờ 10h – 11h sáng. Với các công ty áp dụng T+2, lệnh bán giải chấp sẽ là 9h sáng bằng lệnh ATO.

Khi nào hoạt động bán giải chấp kết thúc? Theo ông Tuấn, hoạt động này có tính tiếp diễn. Nếu phiên tiếp theo giá cổ phiếu giảm tiếp sẽ kéo tỷ lệ Rtt giảm tạo ra hiệu ứng “hòn tuyết lăn”. Do vậy, hiện tương giải chấp kéo dài trong quá trình thị trường đi xuống. Hiện tượng giải chấp sẽ cân bằng khi lượng giải chấp hết.

Bình luận về giai đoạn hiện nay, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng khá tương đồng thời điểm tháng 1/2021 và tháng 2/2018. Còn trong tháng 7/2021, khi giá cổ phiếu ngân hàng lên cao nhưng bộ phận quản trị rủi ro không nâng giá chặn lên. Giá trị vay thực tế thấp, nên khó xảy ra giải chấp. Hiện tại nhóm VN30 bị tác động rất mạnh nên sẽ có giải chấp với VN30.

Lợi Hoàng

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.