'Nới' đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm 20km: Chỉ là quy hoạch, chưa tính lập dự án!
Vì sao kéo dài tuyến Cát Linh - Hà Đông?
Chiều nay (22/10), trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã nói về thông tin kéo dài tuyến số 2A, từ Hà Đông đến Xuân Mai với chiều dài khoảng 20 km, theo hướng Quốc lộ 6, bố trí đề pô tại Xuân Mai.
Theo Bộ trưởng GTVT, ông thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về tổng hợp chiến lược cách đây 10 năm phát triển giao thông vận tải, trong đó có việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
“Bộ GTVT không đề xuất làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai, Bộ không họp bàn gì về dự án này, Bộ chỉ làm đường sắt quốc gia. Mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến là quy hoạch của Hà Nội, hiện tại chưa có chủ trương về dự án.” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Cũng theo người đứng đầu Bộ GTVT, Chính phủ muốn Bộ GTVT là đầu mối để tổng hợp về quy hoạch phát triển GTVT của các địa phương, báo cáo lên Quốc hội mới đây là báo cáo tổng hợp quy hoạch 10 năm của Hà Nội, không phải là quy hoạch hay đề xuất của Bộ GTVT.
Để làm rõ thêm về thông tin này, PV Dân trí đã trao đổi thêm với ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách lĩnh vực đường sắt. Ông Đông khẳng định: “Đó chỉ là quy hoạch trong tương lai xa, hiện chưa có cơ sở lập dự án Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai.”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trước đây Bộ GTVT là cơ quan lập quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải trong hệ thống quốc gia, sau đó việc quy hoạch giao thông vùng giao về các địa phương cụ thể.
Ông Đông thông tin, năm 2004, Hà Nội nhận được tài trợ của Nhật Bản về lập quy hoạch giao thông vận tải thủ đô, trong đó có chiến lược phát triển mạng đường sắt đô thị. Hà Nội lập quy hoạch phát triển mạng giao thông đường sắt theo hình cánh quạt, vươn từ trung tâm thủ đô tới các thành phố vệ tinh, trong đó có Xuân Mai, Hòa Lạc... định hướng phát triển sau năm 2020.
Quy hoạch chung các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng việc lập quy hoạch nhằm định hướng chiến lược phát triển giao thông đường sắt trong tương lai, điều này không có nghĩa là sẽ triển khai dự án, bởi để lập dự án phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: Nhu cầu thực tiễn, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
“Bộ GTVT với vai trò là cơ quan đầu mối tổng hợp quy hoạch của các địa phương. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ rà soát cụ thể về các dự án tại Hà Nội, trong đó có tuyến Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai với chiều dài khoảng 20 km, theo hướng quốc lộ 6.” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm.
Chính phủ “lo” áp lực giao thông đô thị
Trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội hôm 16/10, Chính phủ nhận định nhu cầu vận tải ngày càng tăng và thực trạng phát triển nhanh chóng của các phương tiện vận tải cá nhân cũng như tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị lớn.
Từ năm 1998, Chính phủ đã định hướng phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.
Hiện nay, tại Hà Nội, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn I; tuyến 2A, Cát Linh - Hà Đông); chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)
Tại TP.HCM, Chính phủ cũng đang chỉ đạo thành phố này thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương).
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25, Chính phủ đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT báo cáo Bộ Chính trị có ý kiến về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của 2 dự án.
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND TP.HCM khẩn trương triển khai thực hiện đáp ứng tiến độ các dự án.
Số liệu báo cáo của UBND TP.Hà Nội và TP.HCM cho thấy, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn giai đoạn vừa qua là 29.994 tỷ đồng, trong đó Hà Nội là 12.750 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (tuyến số 2 và tuyến số 3); TPHCM là 17.244 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (tuyến số 1, tuyến số 2).