|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nơi dịch tả heo châu Phi... chừa ra!

09:58 | 28/08/2019
Chia sẻ
Dù cả xã Xuân Thủy (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) xảy ra dịch tả heo châu Phi nhưng kì diệu là dịch lại “chừa ra” Khu 3 ở xã này, dù đây là khu vực nuôi heo tập trung, lớn nhất xã.

Thấy xe lạ là báo động!

Đó là những đàn heo của các hộ dân tại khu 3, xã Xuân Thủy (huyện Yên Lập) sau dịch, chuồng trại người dân vẫn đầy heo nái, heo thịt, heo con… sống khỏe mạnh, hồng hào.

Điển hình gia đình ông Lương Đắc Thực, ở khu 3 (xã Xuân Thủy). Gia đình ông Thực đang nuôi 300 con heo, trong đó có 30 con heo nái đến thời điểm này chưa bị chết một con nào vì dịch tả.

Nơi dịch tả heo châu Phi... chừa ra! - Ảnh 1.

Đàn heo hàng trăm con của ông Thực tại khu 3 (xã Xuân Thủy) an toàn giữa vùng dịch.

Ông Thực kể, khi chính quyền thông báo dịch xảy ra trên địa bàn, các hộ nuôi heo lo tới mất ăn mất ngủ. Ông và các hộ nuôi trong khu đã thực hiện chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không giao lưu với những người dân trong làng, không ai qua nhà ai, chỉ nói chuyện qua điện thoại, mục đích cũng giữ tài sản cho nhau.

Bên cạnh đó, từ đường vào ngõ, đến chuồng trại ông thường xuyên rắc vôi bột, hàng ngày dọn dẹp chuồng trại 2 lần, cấm người lạ ra vào khu vực chăn nuôi... Nhờ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, chuồng heo không còn mùi hôi như trước, đồng thời ông thực hiện một số biện pháp phòng tránh ngay từ khi heo còn nhỏ, tiêm đẩy đủ các vắc-xin truyền thống để tăng sức đề kháng.

Tuy kinh phí bỏ ra gấp nhiều lần, ngày thường khoảng 50.000 đồng/ngày/con, hiện giờ lên đến 200.000 đồng/ngày/con, song đàn heo của ông Thực sống sót, khỏe mạnh là thành công ngoài mong đợi. Hiện ông xuất bán 60 con với giá 44-45 nghìn đồng/kg.

Cũng giống hộ ông Thực, gia đình anh Võ Văn Huy, khu 3 (xã Xuân Thủy) có tổng đàn heo gần 200 con vẫn an toàn. Anh chia sẻ, ngoài thực hiện đầy đủ tiêm vắc-xin, phun thuốc khử trùng tiêu độc, anh còn quy định chặt chẽ khâu ra vào chuồng trại. 

Mỗi lần vệ sinh chuồng trại chỉ có một người vào, vệ sinh xong phải thay quần áo, dày dép, các trang thiết bị... Mỗi lần vào chuồng trại đều có quần áo riêng, cứ một lần vào chuồng thì phải thay quần áo một lần.

Nơi dịch tả heo châu Phi... chừa ra! - Ảnh 2.

Đàn heo được vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày.

Đàn heo sống được qua dịch, anh Huy bảo có sự may mắn, nhưng để cả làng nuôi heo đều sống sót thì phải có sự thực hiện phòng chống dịch nghiêm ngặt của đồng thời từng người dân, người chăn nuôi, thương lái…

“Chúng tôi có lệ của làng, khi có người lạ, xe lạ người đầu làng phát giác là báo ngay cho người trong làng. Trong thời gian cao điểm chống dịch, không cho thương lái, xe chở heo vào ra làng; không xuất không bán trong đợt cao điểm dịch” - anh Huy hào hứng cho biết.

Mua bán heo “online”

Theo bà Nguyễn Thị Ngọ, Trưởng khu 3 (xã Xuân Thủy), trong khu có gần 80 hộ dân thì hơn 40 hộ nuôi heo với số lượng mỗi hộ lên tới hàng trăm con. Khu 3 là nơi chăn nuôi tập trung quy mô lớn nhất, số hộ nuôi nhiều nhất trong xã, may mắn đến thời điểm này cả làng không có hộ nào có heo xảy ra dịch.

Lý giải về việc đàn heo trong khu rất lớn, nhưng vẫn thoát dịch, bà Ngọ cho biết trong khu chỉ tuân thủ 3 “bí quyết: Một là hàng ngày, người dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng, tiêu độc thường xuyên. 

Hai là trong thời gian có dịch, các xe chở heo không cho ra vào trong làng, và ba là hạn chế người dân qua lại với nhau ở mức tối đa…

Sau dịch, nếu người dân có nhu cầu bán heo phải có giấy kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm, có sự giám sát của cơ quan thú y mới bắt heo cho bán. Xe chở heo chỉ được ở đầu ngõ, phun khử trùng mới được cho chở heo đi. 

Đặc biệt không cho thương lái vào chuồng trại, chỉ cho xem “online” qua hình ảnh qua điện thoại. Thời gian qua, các thương lái trong làng cũng tạm nghỉ ở nhà, không đi buôn nữa.

Nơi dịch tả heo châu Phi... chừa ra! - Ảnh 3.

Thời gian này, người chăn nuôi “cấm cửa” người lạ vào chuồng trại.

Bà Ngọ cho biết thêm: Chúng tôi tuyên truyền các hộ chăn nuôi không được đi mua thịt heo ngoài chợ. Nếu muốn ăn thịt heo, thì chỉ mổ heo trong làng, đảm bảo an toàn thì mổ heo ăn chung với nhau. Đặc biệt là hầu như không một hộ chăn nuôi heo nào bước chân đi chợ, nếu đi cũng tránh hàng thịt heo.

Ông Phùng Xuân Tỵ, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho rằng, ý thức người dân quyết định sự sống sót của đàn heo. Hơn nữa, còn có sự chung tay, tinh thần tự giác cao của các đại lý cám. 

Theo đó trước khi đi giao cám, phun khử trùng xe, đến nơi giao thì tập trung ở một khu vực đầu làng tiếp tục phun thuốc khử trùng và nghiêm cấm xe chở cám đi vào trong làng. Điều này đã góp phần hạn chế tối đa nguy cơ “rắc dịch” do các xe chở cám từ trại này sang trại khác.

Ông Nguyễn Văn Huy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Lập cũng cho rằng, việc các hộ dân chăn nuôi heo, cũng như cộng đồng dân cư trong thôn cùng nhau đưa ra được biện pháp phòng chống dịch, và đồng lòng thực hiện nghiêm chính là yếu tố giúp đàn heo tránh được dịch.

"Ý thức người chăn nuôi là yếu tố quyết định đến hiệu quả chống dịch. Các hộ dân ở đây tuyệt đối không có tinh thần ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, hay coi việc chống dịch là của riêng chính quyền. Các hộ đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện cách ly và tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt" - ông Nguyễn Văn Huy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Lập.


Trần Hồ

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.